Hồi tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ăn tối nhân chuyến thăm kéo dài 2 ngày của ông ở Đức và hai người tặng quà cho nhau. Bà Merkel tặng ông Tập một tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long do nhà vẽ bản đồ người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’ Anville thực hiện và in tại Đức năm 1735.
Thủ tướng Đức tặng tấm bản đồ cổ vẽ lãnh thổ Trung Quốc cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Time.
Trên tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc đầu tiên được xuất bản tại Đức này hoàn toàn không có sự hiện diện và vùng Tibet (Tây Tạng), Xinjiang (Tân Cương), Manchuria (Mãn Châu Lý). Các đảo Đài Loan và Hải Nam thì được vẽ bằng màu sắc khác. Tất nhiên tấm bản đồ cũng hoàn toàn không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Điều bất ngờ là truyền thông Trung Quốc tỏ ra không đánh giá cao món quà của nữ Thủ tướng Đức. Tờ People's Daily thông tin rất chi tiết về chuyến đi của ông Tập Cận Bình, song lại lờ đi bất cứ thông tin nào về tấm bản đồ này. Kì lạ hơn là khi thông tin về tấm bản đồ này lan truyền tại Trung Quốc đại lục thì lại là một phiên bản hoàn toàn khác. Nhiều tờ báo Trung Quốc lại đăng tải một tấm bản đồ Trung Quốc do chuyên gia bản đồ người Anh John Dower in năm 1844 của nhà xuất bản Henry Teesdale & Co. tại London, với các lãnh thổ bao gồm Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ và những vùng rộng lớn ở Siberia. Truyền thông Trung Quốc cũng không đả động gì tới thông tin sai lệch nghiêm trọng này!
Tuy nhiên không khó để các cư dân mạng nước này tìm ra món quà thực sự của Thủ tướng Đức khi hàng loạt báo chí phương Tây đều đăng tải về sự kiện này.
Một cư dân mạng gọi tấm bản đồ là một “cái tát” từ bà Merkel. “Chúng ta luôn nói những vùng đất đó là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại, thế nhưng bà Merkel lại nói rằng thậm chí tới thế kỉ 18 những khu vực đó vẫn không thuộc về Trung Quốc” – người này chỉ trích.
Một số ý kiến cho rằng món quà của bà Merkel rất ý nghĩa trong bối cảnh vấn đề khủng hoảng ở Ukraine đang nóng và tấm bản đồ chính là ngụ ý của Thủ tướng Đức nhằm nhắc nhở Trung Quốc về những vết thương trong quá khứ sau các cuộc bành trướng trước đây.
Tuy nhiên cũng cho ý kiến cho rằng không nên quá nhạy cảm về tấm bán đồ từ thế kỷ 18 của d’Anville và coi đó là thông điệp về Tây Tạng hoặc Tân Cương.
Tờ Time bình luận rằng có lẽ bản đồ không phải là một món quà hoàn hảo cho các vị nguyên thủ quốc gia.
Bình luận (0)