Dư luận quốc tế đang lo ngại khi Trung Quốc leo thang hành động khiêu khích trên cả hai vùng biển đang có tranh cãi về chủ quyền với các nước trong khu vực.
Vẫn quân sự hóa biển Đông
Hôm 6-8, Trung Quốc cho biết đã điều máy bay ném bom H-6K, chiến đấu cơ Su-30 và các máy bay khác tuần tra phi pháp quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bay qua bãi cạn Scarborough đang chiếm của Philippines. Bên cạnh đó, những hình ảnh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) vừa thu thập và phân tích khiến người ta nghi ngờ về cam kết không quân sự hóa các đảo nhân tạo xây phi pháp ở biển Đông mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra khi thăm Nhà Trắng tháng 9 năm ngoái.
Theo CSIS, Bắc Kinh dường như đang tiếp tục gia cố trái phép các cơ sở chứa máy bay trên đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Theo CSIS, một cơ sở trong số này có thể chứa các máy bay ném bom H-6, máy bay tiếp nhiên liệu tàu chở dầu H-6U, máy bay vận tải Y-8, máy bay cảnh báo sớm KJ-200 và hệ thống điều khiển máy bay.
Còn tại biển Hoa Đông, sự ngang ngược của Trung Quốc bộc lộ rõ trong những ngày qua thông qua hành động cho tàu hải cảnh và hàng trăm tàu cá tràn vào vùng biển mà Nhật Bản xem là lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lực lượng tuần duyên Nhật Bản hôm 8-8 cho biết 14 tàu hải cảnh Trung Quốc, một số có vũ trang, đi vào vùng biển trên, nhiều hơn 1 tàu so với ngày trước đó. Còn trong ngày 6-8, Nhật Bản cáo buộc 7 tàu hải cảnh cùng 230 tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền khi ồ ạt đi vào khu vực được Nhật Bản gọi là vùng biển tiếp giáp.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời đại tá Trung Quốc về hưu Nhạc Cương lớn tiếng nói hầu hết lực lượng hải quân Trung Quốc tập trung vào biển Hoa Đông nhưng Bắc Kinh nên duy trì “sức mạnh không quân” nhất định ở biển Đông để có thể “ra đòn” bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, nhà bình luận quân sự Nghê Nhạc Hùng nói các chiến dịch trên không và trên biển nói trên nhằm chứng tỏ Trung Quốc có thể xử lý 2 cuộc xung đột cùng lúc trên biển Đông và Hoa Đông. Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự người Mỹ Andrew Erickson lo ngại Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược dùng ngư dân, tàu hải cảnh thay cho tên lửa, chiến đấu cơ trong âm mưu độc chiếm biển Đông.
Nhật Bản cứng rắn
Nhật Bản dĩ nhiên không thể ngồi yên. Trong cảnh báo mới nhất phát đi hôm 9-8, Tokyo nhấn mạnh quan hệ với Bắc Kinh “đang xấu đi rõ rệt” do những hành động xâm phạm lãnh hải gần đây. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida triệu Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa, lần thứ hai kể từ ngày 5-8, để chỉ trích Bắc Kinh đang cố tình đơn phương thay đổi hiện trạng. Ông Kishida cũng yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng rút các tàu khỏi vùng biển Nhật Bản. Đáp lại, ông Trình tiếp tục bao biện rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và rằng tranh chấp nên được giải quyết thông qua đối thoại và ngoại giao.
Trước đó một ngày, một quan chức Nhật Bản giấu tên tiết lộ với Reuters rằng lực lượng tuần duyên nước này đã tăng cường tuần tra tại khu vực nhưng không công bố chi tiết. Tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Tomimi Inada cũng ra lệnh các đơn vị quân đội tăng cường hoạt động giám sát, cảnh báo, thu thập thông tin để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, không phận của Nhật Bản, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bà Inada hôm 8-8 còn chỉ thị sẵn sàng bắn hạ bất kỳ vật thể nào hướng vào lãnh thổ nước này.
Sự leo thang nói trên diễn ra giữa lúc Trung Quốc đối mặt sức ép thường trực của cộng đồng quốc tế về những hành động phi pháp ở biển Đông, trong đó có Nhật Bản. Làn sóng chỉ trích này càng tăng kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague - Hà Lan hôm 12-7 bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc không chỉ bác bỏ phán quyết trên mà còn không ít lần chỉ trích Nhật Bản can thiệp vào chuyện biển Đông.
Bình luận (0)