Nữ phóng viên Canada còn nhắc tới “sự bất ổn gây ra bởi tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc trên biển Đông”.
Ông Vương chì chiết câu hỏi là “đầy thành kiến, hoàn toàn không thể chấp nhận” và được đưa ra “một cách vô trách nhiệm”. Phút đánh mất sự điềm tĩnh cần có của một nhà ngoại giao, chưa nói đến người lão luyện như ông Vương, trong cuộc họp báo ở thủ đô Ottawa của Canada hôm 1-6 nhanh chóng trở thành đầu đề cho hàng loạt bài báo khắp thế giới.
“Quan chức cấp cao Trung Quốc không quen đối mặt các câu hỏi hóc búa ở quê nhà. Khi ra nước ngoài, thay vì tập làm quen với việc trả lời phóng viên, nhiều quan chức như Ngoại trưởng Vương lại cho rằng họ có thể dùng chung lối ứng xử ở Trung Quốc. Về mặt này, họ đã sai lầm nghiêm trọng” - bà Sophie Richardson, Giám đốc của Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) tại Trung Quốc, nhận định với tờ The Guardian (Anh).
Dĩ nhiên, Canada không im lặng. Hôm 3-6, Thủ tướng Justin Trudeau cho hay chính phủ ông đã bày tỏ sự không hài lòng với phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, thái độ của ông Vương mới là bề nổi của tảng băng chìm.
Theo báo The Globe and Mail (Canada), thay vì chỉ gặp người đồng cấp Canada Stéphane Dion, ngoại trưởng Trung Quốc còn yêu cầu gặp Thủ tướng Justin Trudeau. Theo một nguồn tin, khi bị từ chối, Bắc Kinh ngầm dọa họ sẽ hủy chuyến thăm. Cuối cùng, phía Canada đồng ý tiến hành cuộc gặp trong vòng 10 phút.
Trước thông tin này, chuyên gia J. Michael Cole của Trường ĐH Nottingham bất bình: “Tôi xin lỗi nhưng Vương Nghị không ngang hàng với Justin Trudeau”.
Trong khi Ottawa bị chê trách là “chịu lép”, hành động ngoại giao bất thường kể trên chỉ rõ thái độ lấn lướt của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Năm ngoái, khi chuẩn bị cho Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Anh, phía Trung Quốc cũng dùng chiến thuật dọa hủy chuyến công du khi gặp bất đồng. Nữ hoàng Anh Elizabeth II mới đây bình luận các quan chức Trung Quốc “rất thô lỗ”.
Theo ông David Mulroney, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc (2009-2012), ở Bắc Kinh có một “sự kết hợp chết người”. “Họ đòi hỏi nhiều hơn bất cứ nước nào khác, bởi họ vừa có sự tự cao tự đại của một nước lớn vừa có tâm lý bất an kỳ lạ. (…) Trong chính sách ngoại giao, Trung Quốc thực sự nghĩ họ là trung tâm thế giới, nhất là khi vị thế kinh tế của họ tăng cao” - ông Mulroney nhấn mạnh.
Không chỉ Canada, cựu Đại sứ Úc tại Trung Quốc Geoff Raby tiết lộ chuyện ngoại trưởng Trung Quốc gặp thủ tướng Úc là bình thường. Vấn đề là, như cựu Đại sứ Mexico tại Trung Quốc Jorge Guajardo chỉ ra, “Bắc Kinh không bao giờ đáp lại. Họ không dành cho nước khác lối ứng xử tương tự thứ họ đòi hỏi”.
Thái độ như vậy khiến nhiều nước công khai bày tỏ sự bất mãn. Trong năm nay, đã 2 lần Canada có tên trong lá thư chung cùng các nước khác - bao gồm Mỹ và Đức - phản đối các chính sách an ninh và quản lý tổ chức phi chính phủ nước ngoài của Trung Quốc. Dù đang rất muốn mở rộng hợp tác kinh tế với Trung Quốc song tại cuộc họp báo ngày 1-6, phía Canada không công bố một bước tiến nào trong việc ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 2 bên.
Không chỉ vậy, gần đây, Thủ tướng Trudeau cùng các nhà lãnh đạo G7 ra tuyên bố chung lo ngại tình hình căng thẳng ở biển Đông. Hãng tin The Canadian Press dẫn lời Ngoại trưởng Dion nói Ottawa vẫn bất đồng về cách hành xử của Bắc Kinh trên vùng biển này.
Bình luận (0)