xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

97,59% đại biểu QH thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Văn Duẩn - Tô Hà

(NLĐO)- Lúc 9 giờ 55 sáng 28-11-2013, Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 6 đã bấm nút thông qua dự thảo Hiến pháp với tỷ lệ tán thành đạt 97,59% (486 đại biểu trong tổng số 488 đại biểu). Hiến pháp này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2014.

img
Kết quả biểu quyết thông qua Hiến pháp tại Quốc hội sáng nay

Lúc 9 giờ 55 sáng 28-11-2013, QH khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã bấm nút thông qua dự thảo Hiến pháp với tỷ lệ tán thành đạt 97,59% (486 đại biểu).

Trong tổng số 488 ĐB có mặt tại phiên họp quan trọng này (chiếm 97,55%), không có ĐB nào không tán thành thông qua dự thảo hiến pháp. Số ĐB không biểu quyết là 2 ĐB, chiếm 0,40%.

img
Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu QH về Dự thảo Hiến pháp

Trước đó, hôm nay 28-11, Quốc hội đã xem xét về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  và đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong sáng nay 28-11.

Mở đầu phiên họp toàn thể sáng nay 28-11, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng cho biết một bộ phận, một số người trong các tầng lớp nhân dân và một số vị đại biểu (ĐB) cũng còn ý kiến khác ở một vài điều, khoản trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số nhân dân và ĐB đã đồng tình cao với dự thảo lần này. Mỗi vị ĐBQH đã làm việc hết sức mình, thảo luận nhiều phiên với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu chắt lọc tinh hoa trí tuệ của toàn dân.

“Tôi xin khẳng định lại, bản Hiến pháp thông qua lần này đã thể hiện được ý chí của nhân dân, ý Đảng hợp với lòng dân, có thể yên tâm thông qua. Đây là bản Hiến pháp đổi mới cho thời kỳ mới của đất nước chúng ta” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Ủy ban (UB) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị ĐBQH về Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp.

Cụ thể, về lời nói đầu của Hiến pháp trên cơ sở chắt lọc, lựa chọn ý tứ, từ ngữ để nêu bật được tinh thần nội dung của Hiến pháp và trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ĐBQH, lời nói đầu của Hiến pháp đã được hoàn thiện, phản ánh được lịch sử hào hùng của dân tộc, những dấu mốc lịch sử quan trọng, những thành quả hào hùng của dân tộc. Lời nói đầu của Hiến pháp đã thể hiện ý chí quyết tâm của nhân dân ta thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, xây dựng thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.

img
Các ĐBQH nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐB về Dự thảo Hiến pháp

   
Về bản chất Nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước tại điều 2 của Dự thảo Hiến pháp, có ý kiến đề nghị quy định Nước CHXHCN Việt Nam là một nước dân chủ, do nhân dân làm chủ, đề nghị bổ sung khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nền tảng của quyền lực Nhà nước. UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy quy định Nước CHXHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ đã thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Điều 2 của Hiến pháp kế thừa các quy định của Hiến pháp 1992, thể hiện bản chất của Nhà nước đồng thời khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đây là vấn đề đã được thể hiện trong Cương lĩnh và thực tiễn hoạt động. Còn đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những động lực rất quan trọng  để xây dựng và bảo vệ đất nước, đã được thể hiện tại điều 5, điều 9 và nội dụng khác của dự thảo. Do đó đề nghị cho giữ nguyên điều 2 như dự thảo.
   
Về Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và tổ chức Công đoàn Việt Nam tại điều 9 và điều 10. Theo ông Uông Chu Lưu, đa số ý kiến tán thành với dự thảo, tuy nhiên  đề nghị nêu rõ vị trí, vai trò của MTTQ rõ hơn. UB dự thảo nhận thấy quy định tại khoản 1 điều 9 đã thể hiện một cách khái quát nhất về vị trí, vai trò quan trọng và chức năng cơ bản của MTTQ Việt Nam và là sự kế thừa Hiến pháp 1992. Tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, Dự thảo đã bổ sung thể hiện rõ hơn vai trò đại diện bảo vệ hợp pháp quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; tập hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng bảo vệ tổ quốc.

Đối với tổ chức Công đoàn, đa số đại biểu đề nghị giữ điều 10 về Công đoàn trong Dự thảo Hiến pháp. Có ý kiến đề nghị không quy định Công đoàn thực hiện nhiệm vụ tham gia thanh tra, kiểm tra vì Công đoàn không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Có ý kiến đề nghị quy định chung theo hướng Công đoàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp không chỉ về những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động.

UB dự thảo nhận thấy: Việc Công đoàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp đã được xác định trong Hiến pháp 1992 và Luật Công đoàn năm 2012 và đã có thực tiễn hoạt động nhiều năm qua. Với tính chất của tổ chức chính trị xã hội, đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, việc tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát của tổ chức Công đoàn tập trung thực hiện một số vấn đề liên quan đến chế độ chính sách pháp luật lao động hoặc liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Theo tinh thần này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đề nghị QH cho giữ quy định về nội dung này như thể hiện tại điều 10 trong Dự thảo.

Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II, qua tổng hợp ý kiến, các vị ĐBQH tán thành với những nội dung quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Dự thảo cũng đã bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. 

Có ý kiến đề nghị xác định rõ trường hợp nào việc thực hiện quyền theo quy định của pháp luật để tránh sự lạm dụng, vi phạm quyền công dân của các cơ quan công quyền; bảo đảm nguyên tắc quyền do Hiến pháp và luật quy định. UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng về nguyên tắc, quyền con người, quyền cơ bản của công dân khi đã được quy định trong Hiến pháp thì phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành. Tuy nhiên, để thực hiện một số quyền có hiệu quả, thì pháp luật còn phải quy định về trình tự, thủ tục để  ngăn ngừa sự lạm quyền từ phía các cơ quan nhà nước và tạo thuận lợi cho công dân. Vì thế, UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã rà soát kỹ các quy định này trong Dự thảo để thể hiện nhất quán và chặt chẽ hơn.

Về thu  hồi đất, đa số ý kiến đồng ý với quy định tại điều 54 của Dự thảo. Đồng thời, có ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn yêu cầu Nhà nước chỉ thu hồi đất cho việc phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế -xã hội. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Hiến pháp cần quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế -xã hội gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng. Do đó, UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị QH cho giữ quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng thể hiện lại cho gắn kết với mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng như đã thể hiện tại khoản 3 điều 54 của Dự thảo.

Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 chính thức được xem xét từ kỳ họp tháng 8-2011 QH khóa 13 và được công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân từ tháng 1 đến tháng 3-2013.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã được trình QH xem xét, cho ý kiến tại 3 kỳ họp QH, 2 lần trình hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 và rất nhiều lần xin ý kiến của Bộ Chính trị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.

Về việc sửa đổi Hiến pháp tại điều 120, đa số ý kiến đồng ý với quy định về hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp như trong Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân. Ý kiến khác đề nghị không quy định thẩm quyền của QH trong việc quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng thực tiễn lập hiến ở Việt Nam cho thấy nhân dân tham gia vào tất cả các công đoạn của quy trình lập hiến, từ việc tổng kết thi hành Hiến pháp đến việc xây dựng và tham gia ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp trình QH thông qua. Do đó, về thực chất, Dự thảo Hiến pháp trước khi trình QH thông qua đã thể hiện ý chí và trí tuệ của nhân dân. Vì vậy, Hiến pháp đã giao QH với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân quyết định việc trưng cầu dân ý. Trưng cầu ý dân về Hiến pháp là việc hệ trọng nên cần phải được cân nhắc một cách toàn diện, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của nước ta.

Do đó, UB Dự thảo sửa đổi HP đề nghị QH cho giữ quy định “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do QH quyết định” để kết hợp giữa thẩm quyền của QH và chủ quyền của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp.

Tiếp sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).

img
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn Dự thảo Hiến pháp
 
Sau đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp trong sáng nay 28-11.

img
Các đại biểu QH nhấn nút biểu quyết

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp.

Lúc 10 giờ 30 sáng nay, 491 ĐBQH có mặt tại phiên họp chiếm (98,59% tổng số ĐBQH) đã biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Nghị quyết về thi hành Hiến pháp sửa đổi 1992. Tất cả 491 ĐB có mặt tại đều đã tán thành, không có đại biểu nào không tán thành và không biểu quyết.

Theo tinh thần Nghị quyết về thi hành Hiến pháp, Hiến pháp sửa đổi 1992 được QH khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28-11-2013 sẽ được công bố chậm nhất 15 ngày kể từ ngày thông qua. Hiến pháp này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2014.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo