xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bão số 4 vừa tan, bão số 5 ập đến

Bảo Trân - Minh Tăng - B.T.K - Quang Nhật

(NLĐO) - Đến 10 giờ sáng nay, 27-9, bão số 4 (Haitang) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực ven biển các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị. Trong khi đó, bão số 5 (Netsat) đang tiến sâu vào biển Đông với sức gió mạnh cấp 12-13 giật cấp 14-15.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, ở đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; đảo Cồn Cỏ cấp 6, giật cấp 8; đảo Lý Sơn cấp 6, giật cấp 7. Các tỉnh, TP từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa to đến rất to.

img
Sạt lở tuyến đường quốc phòng ven biển qua xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình
 
Ghi nhận của PV báo Người Lao Động tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trưa 27-9, trời không còn mưa, tuy nhiên, hậu quả do bão để lại khá nặng nề.

Mưa lớn nhiều ngày qua khiến nhiều tuyến đường bị cuốn trôi. Trong đó, nặng nhất là tuyến đường quốc phòng ven biển, đoạn đi qua xã Ngư Thủy Bắc bị cuốn trôi trên 5 m.

Cũng tại điểm này, nước lũ đã làm sạt lở một đoạn dài tường rào của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam.

Còn tại xã Xuân Thủy, nước lũ cũng làm một đoạn đường liên thôn qua xã này bị cuốn trôi.

Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết để đề phòng mưa trở lại gây lũ, UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án di dời người dân. Trong trường hợp khẩn cấp, toàn huyện phải di dời trên 1.000 hộ dân.

Ông Dương Đệ Quang, Phó ban thường trực Ban chỉ huy PCLB huyện Lệ Thủy, cho biết đã huy động 8 ca nô, trên 300 chiếc ghe, cùng 97 thuyền máy sẵn sàng ứng phó, di dời người dân.
 
Do mưa tạnh nên chiều 27-9, nhiều trường học trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã tổ chức dạy học trở lại. UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo phụ huynh, giáo viên tổ chức đưa đón học sinh đi học để đảm bảo an toàn tính mạng cho các em.
 
img
Tường rào của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam (Lệ Thủy, Quảng Bình) bị sạt lở nặng
 
Tuy trời đã tạnh mưa và hửng nắng, nhưng do nước từ thượng nguồn đổ về quá mạnh nên sông Kiến Giang tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) dâng cao, xấp xỉ báo động 2.

Nước đã tràn vào nhà hàng chục hộ dân sống ven sông Kiến Giang ở thị trấn Kiến Giang, xã An Thủy, Phong Thủy.

Dự báo nước sông Kiến Giang còn lên cao trong chiều và tối nay nên người dân đang khẩn trương di chuyển đồ đạc tránh bị hư hại.
img
Một khu nhà dân ở xã An Thủy nước đã vào tới hẻm 0,4m
 
img
Người dân khẩn trương di dời đồ đạc
Trong khi đó, hồi 0 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 16,2 độ vĩ Bắc, 122,9 độ kinh Đông, trên khu vực phía Đông Philippines.  Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 12-13 (118-140 km/giờ), giật cấp 14-15.
 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.

 
Như vậy chiều và tối nay, 27-9, bão số 5 sẽ đi vào khu vực phía Đông biển Đông.
 

Đến 1 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ vĩ Bắc, 118,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp14-15.

Do ảnh hưởng của bão số 5, từ chiều nay, 27-9, vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, biển động dữ dội.

img
Ngư dân huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình dời ghe lên bờ tránh bão vào chiều 26-9. Ảnh: Quang Nhật
Trước đó, chiều 26-9, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (Ban Chỉ đạo) và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã họp khẩn bàn biện pháp đối phó với bão kép: Nesat – cơn bão số 5 và bão Haitang  - cơn bão số 4.

Khẩn cấp cứu tàu thuyền

Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng, đến 6 giờ ngày 26-9, đã có 31.459 tàu, thuyền với 147.290 ngư dân được thông báo về đường đi của bão số 4. Trong đó có 35 tàu/488 ngư dân hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đang hoạt động tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Trước tình hình này, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo, yêu cầu phải có phương án giải cứu tàu và ngư dân ở Hoàng Sa. Theo ông Phát, hiện các tàu này đã thoát cơn bão số 4 nhưng còn cơn bão số 5 nên việc gọi tàu về hay ẩn nấp cần phải tính kỹ. Bởi quy định gió từ cấp 10 trở lên, tàu dứt khoát phải lên bờ, nếu không sẽ không chịu được sức gió. Còn đi xuống phía Nam là rất nguy hiểm.

Bộ Ngoại giao cho biết sáng 26-9, đã nhận được điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết đã đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ ngư dân tránh bão. Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao, việc tránh trú ở Việt Nam là tốt nhất.

Trước tình hình này, ông Cao Đức Phát khẳng định sẽ yêu cầu các địa phương gọi ngư dân ở Hoàng Sa khẩn trương vào bờ. Bộ Quốc phòng cho biết hiện 6 máy bay trực thăng tại các sân bay Gia Lâm, Hòa Lạc, Phan Rang, Tân Sơn Nhất; 9 tàu hải quân; 5 tàu, 3 xuồng của cảnh sát biển; 6 tàu của Trung tâm Hàng hải Việt Nam đã sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn.
Nước lũ lên nhanh 

Do ảnh hưởng của bão số 4, mực nước lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đang lên nhanh. Cụ thể, mực nước lúc 4 giờ ngày 27-9 tại sông Kiến Giang (Lệ Thủy) là 1,34m, trên báo động (BĐ) 1: 0,14m; sông Bồ tại Phú Ốc là 2,07m, trên BĐ 1: 0,57m; sông Hương tại Kim Long là 2,60m, trên BĐ 2: 0,60m.


Dự báo đến trưa và chiều 27-9, mực nước trên Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lên 2,7m, ở mức BĐ 3; sông Bồ tại Phú Ốc lên 3 m, ở mức BĐ 2; sông Hương tại Kim Long: 3 m, dưới mức BĐ 3: 0,5m; các sông ở Quảng Trị lên mức BĐ 2; thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh lên mức BĐ 1.


Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng và đồng bằng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Hỗ trợ khẩn 170 tỉ đồng cho ĐBSCL

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh và ở mức cao.

Trong ngày 26-9, Bộ NN-PTNT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn 170 tỉ đồng cho vùng ĐBSCL gia cố bờ bao. Riêng An Giang có quyết định công bố tình trạng lũ khẩn cấp để chỉ đạo các biện pháp quyết liệt. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã thu hoạch được khoảng 385.340 ha/609.934 ha lúa, trong đó, Đồng Tháp: 70.120 ha/98.858 ha; An Giang: 2.918 ha/131.368 ha; Cần Thơ: 31.000 ha/54.363 ha; Tiền Giang: 36.460 ha/43.423 ha; Kiên Giang: 244.842 ha/281.922 ha). An Giang còn 128.000 ha lúa, một số đang chín. Theo Bộ NN-PTNT, cứ chìm 1.000 ha lúa, nông dân sẽ mất 30 tỉ đồng, do vậy, huy động tổng lực giúp địa phương gặt lúa.

Tại Đồng Tháp, các tuyến đê bao lúa vụ 3 của các huyện đầu nguồn như Hồng Ngự, Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự đang bị lún, nứt, sạt lở, đe dọa hơn 5.000 ha lúa đang trổ và làm đòng.

T.Dũng - Q.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo