xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bauxite Tây Nguyên: Phải giám sát thi công thật chặt

Bài và ảnh: Thu Sương

Sau 2 ngày giám sát 2 dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng vẫn còn phải làm rõ thêm một số vấn đề

Trong khuôn khổ chuyến giám sát 2 dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, ngày 7-11, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan tiếp tục giám sát tại nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (dự án alumin Nhân Cơ) ở huyện Đắk RLấp, tỉnh Đắk Nông.

img
Ông Bùi Quang Tiến (bìa phải), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ, trình bày mô hình dự án với đoàn giám sát.
 
Công trình... hoang vắng
 
Trái với sự tấp nập thi công trên công trường dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng), công trường tại Nhân Cơ khá hoang vắng. Về hai gói thầu quan trọng nhất của dự án, đại tá Bùi Quang Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Alumin Nhân Cơ, cho biết ngày 18-10, công ty đã ký hợp đồng gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị xây dựng, lắp ráp, hướng dẫn vận hành) nhà máy alumin với nhà thầu Chalieco (Trung Quốc). Nhà thầu sẽ thi công và bàn giao cho chủ đầu tư trong vòng 24 tháng, còn gói thầu EPC nhà máy tuyển quặng bauxite và tuyến băng tải quặng tinh vẫn đang tổ chức xét thầu, dự kiến tổ chức khởi công vào tháng 12 năm nay. Tuy vậy, ông Tiến vẫn khẳng định: Lợi nhuận sau thuế đối với bauxite là 8,4 tỉ đồng/ha/năm, trong khi doanh thu trồng cà phê chỉ đạt 40 triệu đồng/ha/năm.
 
Cơ hội của alumin VN
 
Chủ đầu tư khẳng định thị trường cho alumin của VN là rất lớn nên dự án hoàn toàn có lãi. Theo ông Mai Trí Quang, Phó Ban Nhôm - Titan, Tập đoàn Than - Khoáng sản VN (TKV), tập hợp dữ liệu và nghiên cứu chéo từ các tổ chức thương mại lớn trên thế giới cho thấy sau khủng hoảng tài chính, cung cầu thị trường nhôm đến năm 2010 tăng từ 11%-13%, đặc biệt cầu tăng mạnh trong ngành chế tạo máy bay. Dự kiến, sau đó, đến năm 2020, dự báo giá alumin sẽ tăng ổn định từ 14%-17%, đây là cơ hội rất lớn cho alumin VN.
 
Bên cạnh đó, so với thị trường cầu và một số nguồn cung alumin khác, VN nằm ở  vị trí rất thuận lợi cho việc vận chuyển. Cũng theo ông Quang, hiện nay, giá thành phẩm alumin là 287 USD/tấn, bán ra thị trường là 335 USD/tấn. Tuy nhiên, giá này dự kiến sẽ tăng đến 650 USD/tấn vào năm 2020. Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, ông Đặng Vũ Minh, vẫn băn khoăn: Đến năm 2020, nếu giá alumin tăng đến 650 USD/tấn, có chắc 2 dự án có thể có lãi trong vòng 10 năm hay không?
 
Ông Quang giải thích ngoài giá bán, hiệu quả dự án còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy vậy, kiểm tra chéo các bảng phân tích thị trường, có thể khẳng định đến năm 2020 có ba thị trường lớn là Trung Quốc, Trung Đông và các nước SNG sẽ thiếu khoảng 15-40 triệu tấn alumin và đây là cơ hội cho VN. Về hạ tầng vận tải, ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng Giám đốc TKV, cho rằng đơn vị tư vấn do TKV thuê đã khẳng định hạ tầng hiện có thể chịu được công suất vận chuyển của 2 dự án, chỉ cần gia cố một số cầu. “Với công suất khai thác, chế biến của dự án, mức độ vận chuyển chỉ khoảng 600 lượt xe/ngày, đêm. Như thế thì quá ít và có thể chịu được. Chúng tôi cũng đã tính đúng, tính đủ phí cầu đường, tàu xe... thì vẫn có lời”- ông Hòa khẳng định.
img
Công trường dự án alumin Nhân Cơ vẫn còn hoang vắng
 
Cần thẩm định lại thiết kế
 
Về các giải pháp môi trường, ông Minh cho rằng tỉ lệ rắn lỏng trong bùn là rất quan trọng vì tỉ lệ này càng cao thì khả năng dung dịch chảy ra càng ít, càng an toàn. Ông Trần Văn Trạch (người được TKV giới thiệu là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bauxite- PV) cho biết tỉ lệ rắn lỏng tại ống dẫn là 47%, qua khỏi 6 cấp rửa lên 72% và khi ra khỏi hồ chứa lên đến 74%. Trong khi tỉ lệ rắn lỏng chỉ cần 55% thì dung dịch đã bắt đầu đông cứng.  Nếu động đất xảy ra, dung dịch có thể chảy ra nên tỉ lệ rắn lỏng cần đạt 72% mới an toàn.
 
Tuy nhiên, ông Trạch cũng kiến nghị Bộ Công Thương nên thuê thêm đơn vị tư vấn nước ngoài để thẩm định thiết kế của nhà thầu Trung Quốc, xem có đúng như các chỉ số trên hay không, nếu không đạt có thể dùng máy ép chân không để tăng tỉ lệ rắn lỏng lên. Lúc đó, mới có thể trả lời dư luận là không có nguy cơ vỡ đập, tràn bùn. Đồng thời cũng không có chuyện thấm vào mạch nước ngầm.
 
“Sự cố vỡ hồ, tràn bùn đỏ tại Hungary vừa qua là do chân đập bị trượt. Vậy mức độ tin cậy của đập ngăn hồ bùn đỏ tại 2 dự án này đến đâu?”- ông Minh “truy” tiếp.
 

Tôi khẳng định Đắk Nông không có núi đá vôi, không đáng lo ngại như một số người đã nói khi đề cập việc khai thác bauxite. Tuy vậy, tôi đề nghị Bộ Công Thương và TKV tập hợp các tài liệu liên quan đến dự án chuyển giao cho các địa phương, để địa phương hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như có cơ sở tuyên truyền để người dân ủng hộ dự án hơn.

Ông Trần Phương (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông)

Đại diện đơn vị thẩm định dự án được Bộ Công Thương chỉ định – GS-TS Nguyễn Chiến, Viện trưởng Viện Kỹ thuật công trình, Đại học Thủy lợi, giải thích đất làm nền và thân đập ngăn hồ chứa bùn thải ở 2 dự án ở VN là đất sét, bùn và bụi nên kết dính cao, không sợ bị hóa lỏng, chảy ra, thậm chí khi có rung do động đất thì càng nén chặt hơn. Đơn vị thẩm định đã kiểm tra và kết luận hệ số an toàn ở đây đều vượt trên mức an toàn cho phép theo quy phạm của VN. “Đập bên Hungary bị vỡ là do làm bằng bê tông trên nền đất nên dễ trượt vì chân nhỏ không chịu được tác động của lực đẩy ngang”- ông Chiến giải thích thêm. Tuy nhiên, cũng như ông Trạch, ông Chiến khuyến cáo chủ đầu tư phải lưu ý giám sát thi công để đạt được các tiêu chí ổn định của đập. Nếu đập được thi công đúng như thiết kế thì có thể kiểm soát được rủi ro.
 
Kết thúc đợt giám sát, sau khi tìm hiểu thêm một số vấn đề, ông Minh cho biết vẫn còn phải làm rõ thêm một số vấn đề khác. Vì vậy, ông Minh đề nghị Bộ Công Thương, TKV làm việc thêm với các chuyên gia về nhiều lĩnh vực khác nhau để học hỏi kinh nghiệm cũng như tạo điều kiện cho họ tiếp cận các tài liệu, thông tin và được khảo sát thực tế dự án để góp ý thêm cho dự án cũng như giải thích cho dư luận.
 
Tại buổi làm việc, đại diện TKV cho biết sẽ tiếp tục mở rộng khai thác bauxite ở Tây Nguyên, cơ quan chức năng đã cấp giấy phép thăm dò cho Công ty CP An Viên tại Bình Phước và Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hà Nội tại Gia Lai. Nếu không có vấn đề gì thì 2 dự án nói trên sẽ khởi công trong năm 2011.

Dễ tái canh tác

 
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) kiêm Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường, cho biết vùng khai thác bauxite thường là đồi bát úp. Chiều dày lớp quặng bauxite trung bình khoảng 2-4 m (dày ở phần đỉnh đồi và giảm dần ở phần sườn đồi). Phần lớp đất dưới đáy thân quặng thường là lớp sét litoma (rất thuận lợi cho công tác hoàn thổ,  phục hồi môi trường). Công nghệ khai thác áp dụng ở nước ta là khai thác lộ thiên và khai thác theo dạng cuốn chiếu (tương tự công nghệ khai thác bauxite ở Úc, Brazil,...).
 
Theo đó, khu mỏ được chia làm nhiều khu vực khai thác và khai thác dứt điểm khu này mới chuyển sang khai thác khu khác. Trình tự khai thác ở từng khu theo cách bóc lớp đất mặt và chuyển sang các bãi thải tạm thời trong khu mỏ. Tiếp theo là tiến hành khai thác quặng bauxite ở khu vực đã bóc lớp đất mặt. Sau đó chuyển lớp đất mặt ở bãi chứa tạm thời vào khu vực khai trường đã kết thúc khai thác với chiều dày khoảng 2-3 m để phục vụ công tác hoàn thổ phục hồi môi trường. Do vậy, lớp đất hoàn thổ khoảng 2 m ở Tây Nguyên là đủ dày để trồng được nhiều loại cây như rau, ca cao, chè, cây thân gỗ lớn.

Th.Dũng

Khó xảy ra tràn bùn đỏ

 
Theo ông Nguyễn Chiến,  hồ chứa bùn đỏ ở VN có nhiều cơ sở bảo đảm an toàn. Trong đó, hồ chứa bùn đỏ của nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) nằm giữa thung lũng, có độ sâu từ 12-15 m so với mặt đất; còn ở Nhân Cơ (Đắk Nông) có địa hình sâu hơn mặt đất từ 27-30 m, trong khi đó, độ sâu lớp bùn trung bình chỉ 10-12 m. Như vậy, nếu có sự cố vỡ đập thì cũng không thể chảy bùn ra môi trường. Ngoài ra, xung quanh hồ chứa còn có hệ thống kênh chống tràn rộng 2 m, sâu 2 m. Mặt khác, theo TKV, tuy hồ chứa bùn đỏ nằm ở độ cao hơn 830 m so với mặt nước biển nhưng khi mặt hồ chứa đầy bùn vẫn thấp hơn mặt bằng nhà máy hơn 2 m nên khả năng tràn hồ, vỡ đập rất khó xảy ra.
C.Nguyên
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo