xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cao Tin trị “ma rừng”

Bài và ảnh: LÊ ĐÌNH VŨ

Người dân Đông Giang và Tây Giang - Quảng Nam từ lâu đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông hằng ngày đi bộ hết bản này sang bản khác khám - chữa bệnh miễn phí

Gần 40 năm gắn bó với nghề y, y sĩ Ating Cao Tin, ngụ tại xã Sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang - Quảng Nam, không còn nhớ nổi mình đã giành lại sự sống cho bao nhiêu sinh mệnh trước “ma rừng”.

Tốt nghiệp trung cấp y tế năm 1975, Cao Tin về công tác tại Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng). Một năm sau, Cao Tin tình nguyện xin về với bản làng, với đồng bào Cơ Tu ở huyện Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang). Nghỉ hưu năm 1993, ông bắt đầu khám - chữa bệnh miễn phí cho người dân đến nay.

Ngày mới ra trường, Cao Tin một mực từ chối chốn thị thành với lý do rất đơn giản: “Là người con của bản làng Cơ Tu nên mình rất hiểu phong tục tập quán của đồng bào, chỉ vì tin vào “ma rừng” mà nhiều người phải chết oan. Nhiều bác sĩ trẻ lên được ít ngày lại rủ nhau xuống hết, vậy là dân làng không có ai chữa bệnh”.

Cuộc chiến chống “ma rừng” của Cao Tin ngày ấy không hề dễ. Người Cơ Tu mỗi lần ốm đau đều cho rằng mình có lỗi với núi rừng nên bị “ma” bắt đền tội. Khi đau ốm, họ lại giết heo, mổ bò nhờ thầy mo cúng để đuổi “ma rừng” đi. “Một lần đến Đông Giang, mình chứng kiến cảnh dân làng vây quanh một đứa trẻ tím tái đang nằm lịm.
Bên nhang khói nghi ngút, thầy mo đang cúng bái, hô hoán để đuổi “ma rừng” ám đứa bé. Mình vội lao vào bế em vào nhà khám nhưng bị dân làng vác gậy gộc đuổi đánh, cho rằng mình làm hại đứa bé. Phân trần, giải thích thế nào cũng không ai nghe, cuối cùng, mình đành chịu đánh một trận rồi ôm đứa bé chạy ra trạm y tế xã. Cả bản lại vác gậy chạy theo, đến khi mình quả quyết: “Nếu không cứu được đứa bé, tôi xin đền mạng”, họ mới chịu yên” - ông nhớ lại.
img
Ông Cao Tin khám bệnh miễn phí cho người dân
Được chữa trị đúng cách, chỉ một ngày sau, đứa bé đã khỏe lại. Từ đó, dân Cơ Tu ở Đông Giang dần dần tin tưởng vào người thầy thuốc trẻ. “Nhờ có Cao Tin mà nay bản làng mình không còn tin “ma rừng” nữa. Người dân mình đã biết đến trạm xá để trị bệnh, không còn cúng bái ma quỷ, thánh thần” - ông A Lăng Chinh, ngụ tại xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, phấn khởi.

Khi Cao Tin về làm phó Phòng Y tế huyện Hiên, trung tâm y tế huyện chỉ là một căn nhà nhỏ lợp tranh với 3 người và trang thiết bị thiếu thốn đủ bề. Cao Tin đã cùng đồng bào dựng thêm 2 căn nhà mới làm nơi khám - chữa bệnh. “Cả tháng trời chỉ có vài người đến khám, vậy là mình phải băng rừng đi tuyên truyền để đồng bào không nên mê tín. Mình phải nhiều cược bằng tính mạng và chữa bệnh cho người dân xem thì họ mới chịu tin” - ông kể.

Gần 40 năm cuốc bộ, băng rừng vượt núi đến từng bản làng để trị bệnh cho đồng bào, Cao Tin được người dân yêu mến tặng biệt danh “người đàn ông có đôi chân dài nhất bản làng Cơ Tu”. Trong những chuyến đi ấy, nhiều lần ông phải đối mặt với mối nguy hiểm chết người. “Năm 1989, trên đường vô bản khám bệnh, mình bị một đàn heo rừng tấn công, may mà nhảy kịp lên cây nên thoát chết. Còn chuyện gặp lũ quét, rắn rết… là thường” - ông cho biết.

Trong những lần cứu người khỏi “ma rừng”, Cao Tin nhớ như in trường hợp của cậu bé ATing Inh ở xã Jơ Ngây. “Inh sinh ra trong bọc điều, dân bản thấy vậy quả quyết cậu là “ma” nên đổ xô đến cúng bái rồi đòi chôn. Đang khám bệnh nhà bên cạnh, mình chạy sang giật Inh trên tay già làng, cắt bọc điều mang cậu ra rồi hút nhờn trong mũi, thổi ngạt… Lát sau, cậu cất tiếng khóc làm cả bản vừa vui vừa sợ. Mình phải giải thích mãi, bà con mới hiểu” - ông hồi tưởng.

Bán heo, gà mua thuốc

Cao Tin không hề lấy của ai đồng nào khi khám - chữa bệnh nên để có tiền mua thuốc, nhiều lần ông phải bán đàn heo, đàn gà của nhà mình. Cao Tin tuổi đã già, mắt mờ, chân mỏi nhưng ông có 2 người con trai theo nghề nên đồng bào rất yên tâm.

Ông B’ríu Sơn, Chủ tịch UBND xã Sông Côn, huyện Đông Giang, hàm ơn: “Ating Cao Tin là một người rất tâm huyết, nhờ có ông mà nhiều người được cứu sống. Từ ngày ông về với bản làng, không những người dân không còn tin “ma rừng” nữa mà còn biết cách làm ăn”. Bà Lê Thị Quyết, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, cảm phục: “Tuy không được trao giải thưởng nào của ngành y tế nhưng ông là hạt nhân đi đầu trong việc chữa bệnh, cứu người ở đây”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo