Gần 40 năm gắn bó với nghề y, y sĩ Ating Cao Tin, ngụ tại xã Sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang - Quảng Nam, không còn nhớ nổi mình đã giành lại sự sống cho bao nhiêu sinh mệnh trước “ma rừng”.
Tốt nghiệp trung cấp y tế năm 1975, Cao Tin về công tác tại Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng). Một năm sau, Cao Tin tình nguyện xin về với bản làng, với đồng bào Cơ Tu ở huyện Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang). Nghỉ hưu năm 1993, ông bắt đầu khám - chữa bệnh miễn phí cho người dân đến nay.
Ngày mới ra trường, Cao Tin một mực từ chối chốn thị thành với lý do rất đơn giản: “Là người con của bản làng Cơ Tu nên mình rất hiểu phong tục tập quán của đồng bào, chỉ vì tin vào “ma rừng” mà nhiều người phải chết oan. Nhiều bác sĩ trẻ lên được ít ngày lại rủ nhau xuống hết, vậy là dân làng không có ai chữa bệnh”.
Khi Cao Tin về làm phó Phòng Y tế huyện Hiên, trung tâm y tế huyện chỉ là một căn nhà nhỏ lợp tranh với 3 người và trang thiết bị thiếu thốn đủ bề. Cao Tin đã cùng đồng bào dựng thêm 2 căn nhà mới làm nơi khám - chữa bệnh. “Cả tháng trời chỉ có vài người đến khám, vậy là mình phải băng rừng đi tuyên truyền để đồng bào không nên mê tín. Mình phải nhiều cược bằng tính mạng và chữa bệnh cho người dân xem thì họ mới chịu tin” - ông kể.
Gần 40 năm cuốc bộ, băng rừng vượt núi đến từng bản làng để trị bệnh cho đồng bào, Cao Tin được người dân yêu mến tặng biệt danh “người đàn ông có đôi chân dài nhất bản làng Cơ Tu”. Trong những chuyến đi ấy, nhiều lần ông phải đối mặt với mối nguy hiểm chết người. “Năm 1989, trên đường vô bản khám bệnh, mình bị một đàn heo rừng tấn công, may mà nhảy kịp lên cây nên thoát chết. Còn chuyện gặp lũ quét, rắn rết… là thường” - ông cho biết.
Bán heo, gà mua thuốc Cao Tin không hề lấy của ai đồng nào khi khám - chữa bệnh nên để có tiền mua thuốc, nhiều lần ông phải bán đàn heo, đàn gà của nhà mình. Cao Tin tuổi đã già, mắt mờ, chân mỏi nhưng ông có 2 người con trai theo nghề nên đồng bào rất yên tâm. Ông B’ríu Sơn, Chủ tịch UBND xã Sông Côn, huyện Đông Giang, hàm ơn: “Ating Cao Tin là một người rất tâm huyết, nhờ có ông mà nhiều người được cứu sống. Từ ngày ông về với bản làng, không những người dân không còn tin “ma rừng” nữa mà còn biết cách làm ăn”. Bà Lê Thị Quyết, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, cảm phục: “Tuy không được trao giải thưởng nào của ngành y tế nhưng ông là hạt nhân đi đầu trong việc chữa bệnh, cứu người ở đây”. |
Bình luận (0)