Trưa 17-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH BOT Tiền Giang (chủ đầu tư dự án), thông tin biên bản họp với Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang đều thống nhất là ngày 21-8 cho thu phí trở lại với giá mới. Tuy nhiên, ngày chính thức phải chờ Bộ trưởng Bộ GTVT phê chuẩn.
Trong khi đó, người đại diện Hội đồng thành viên BOT Tiền Giang cho biết nếu chọn phương án dời trạm thu phí vào đường tránh 12 km thì đơn vị này sẽ trả lại dự án cho nhà nước.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy sáng 17-8 vắng lặng - Ảnh: LÊ PHONG
Do đơn vị sẽ không đủ khả năng hoàn vốn, đổ nợ vì mỗi tháng trả lãi ngân hàng lên đến gần 10 tỉ đồng. Chưa kể, dự kiến năm 2020, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành sẽ không còn nhiều phương tiện lưu thông qua Cai Lậy nên hoàn vốn rất khó khăn.
"Khi ký kết, ngân hàng đâu biết mình đang khó khăn như hiện nay, đúng hạn phải trả. Bây giờ, chúng tôi chỉ mong các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc giải thích, vận động người dân hiểu rõ"- người đại diện BOT Tiền Giang nói và cho biết giá phí từ 35.000 – 180.000 đồng/vé lượt là do UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất, dựa trên các trạm thu phí ở Sóc Trăng.
Một diễn biến khác, trước dư luận nghi ngờ rằng 12 km tuyến đường tránh Cai Lậy và 26 km tăng cường mặt Quốc lộ 1 chưa được nghiệm thu đã đưa vào thu phí, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, khẳng định tỉnh không tham gia nghiệm thu mà chỉ tham gia việc giải phóng mặt bằng.
"Tất cả do Bộ GTVT làm hết. Tỉnh cũng không quản lý mà sau khi thu phí xong thì bàn giao cho Tổng Cục Đường bộ vì đó là Quốc lộ 1" - ông Bon nói.
Bình luận (0)