Đó là nhận xét của ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM - tại hội thảo về các giải pháp xử lý rác thải đô thị phát điện - nghiên cứu công nghệ và tính khả thi do Sở Khoa học và Công nghệ TP tổ chức mới đây.
Không đòi hỏi phân loại gắt gao
Ông Nguyễn Trung Việt, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết lượng rác thải bình quân của TP khoảng 7.000-8.000 tấn/ngày. Trong đó, 45%-60% là rác thực phẩm - loại này có thể tái chế làm phân compost, còn lại đốt rác phát điện.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, tỉ lệ chôn lấp rác thải chỉ 45%, còn lại phải tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng. Thế nhưng hiện nay, TP vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp là chủ yếu. Thậm chí, nhà máy xử lý rác theo công nghệ tái chế phân compost như Vietstar (huyện Củ Chi) nhưng giao 1.200 tấn rác/ngày chỉ làm được 600 tấn phân, còn lại trả về TP chôn lấp. Theo ông Việt, lượng rác đã phân loại và trả về này nếu đem đốt phát điện thì rất tốt.
Ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, cho biết với nước phát triển, rác là nguồn tài nguyên. Thậm chí tại Đức, chính quyền TP Munich phải mua lại rác thải sinh hoạt của người dân với giá 40 USD/tấn mà vẫn có lãi. Trong khi đó, Việt Nam đang phải đổ đi, vừa lãng phí vừa tốn ngân sách xử lý.
Một trong những vấn đề nan giải trong xử lý rác thải của TP HCM hiện nay là phân loại rác tại nguồn. Chương trình này đã được thực hiện rất lâu nhưng đến nay vẫn cứ phân loại rồi trộn trở lại. Tuy vậy, ông Việt cho rằng chương trình này không thất bại mà vì hạ tầng không đồng bộ, thiếu các lò đốt rác.
Theo một số công nghệ đốt rác được các doanh nghiệp quảng bá tại hội thảo, mức độ rác được phân loại tại nguồn chỉ cần tương đối chứ không đòi hỏi quá khắt khe như các công nghệ tái chế khác. Đại diện Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) cho biết cách đây 50 năm, người dân Nhật Bản cũng không có thói quen phân loại rác tại nguồn nhưng đất nước này vẫn phát triển được các lò đốt rác phát điện.
Hitachi Zosen cũng đã được UBND TP HCM cho phép nghiên cứu khả thi 2 dự án tái chế rác thải tại TP bằng công nghệ đốt (khoảng 1.000 tấn/ngày) và biogas (khoảng 500 kg rác chợ/ngày). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cam kết lượng dioxin nằm trong giới hạn cho phép.
Ít nhất 3 nhà đầu tư sẵn sàng
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng rào cản trong việc phát triển các lò đốt rác tại TP HCM là suất đầu tư quá lớn, trong khi giá thành điện hòa vào mạng lưới khá thấp.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP, tính toán: “Suất đầu tư cho một lò đốt 1.000 tấn/ngày hiện khoảng 150 triệu USD, trong đó 15% chi phí phân loại rác - có thể giảm được vì TP đã phân loại sơ bộ. 65% chi phí thiết bị cũng sẽ giảm được vì Chính phủ đã có Nghị định 04 về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có rất nhiều ưu đãi về thuế - phí cũng như vốn vay”.
Về giá thành bán điện, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định 31 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, quy định thời hạn hợp đồng mua bán điện giữa EVN và dự án đốt rác phát điện là 20 năm, giá điện tại điểm giao nhận điện là 2.114 đồng/KWh (tương đương 10,05 UScent/KWh). Thời gian hoàn vốn cho một dự án đốt rác phát điện khoảng 10 năm. Như vậy, chi phí đốt không cao so với chi phí chôn lấp. “Hiện nay, có doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này” - ông Tước thông tin.
Giải pháp phù hợp nhất
Theo ông Lê Mạnh Hà, mục tiêu của TP HCM là đến năm 2015 phải đốt phát điện được 10% lượng rác nhưng hiện nay gần như không có. Trong khi đó, đốt rác phát điện là công nghệ phù hợp nhất với TP. Ngoài yếu tố xử lý ô nhiễm môi trường triệt để hơn, không đòi hỏi phân loại rác tại nguồn gắt gao thì công nghệ này còn cung cấp năng lượng tái tạo, có thể thay thế cho nguồn năng lượng gốc hóa thạch đang dần cạn kiệt. Công nghệ này cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Trong bối cảnh đất đai ngày càng khan hiếm, TP không còn khả năng cung cấp hàng ngàn hecta đất để làm các bãi chôn lấp thì công nghệ đốt chỉ tốn khoảng 3-6 ha là giải pháp phù hợp nhất.
Bình luận (0)