Gần 10 người trong một gia đình, họ tộc được bố trí giữ các trọng trách trong bộ máy lãnh đạo huyện Mỹ Đức (Hà Nội): Đúng quy trình! Nhà thầu Trung Quốc đầy tai tiếng với đường ống nước Sông Đà giai đoạn I bị vỡ hơn 15 lần vậy mà trong lần gọi thầu cho dự án giai đoạn II vẫn chọn chủ thầu Trung Quốc: Đúng quy trình!
Mới nhất, ông Trịnh Xuân Thanh từng làm thủ trưởng một công ty nhà nước gây thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng được đưa về làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tất nhiên cũng được lý giải “đúng quy trình”! Và, hãy chờ xem Bộ Công Thương giải thích thế nào về trường hợp ông Vũ Quang Hải (con trai của nguyên bộ trưởng bộ này) dù năng lực quản lý có vấn đề song lại được bổ nhiệm vào một số vị trí “béo bở” mà dư luận đang đàm tiếu, liệu có được cho là “đúng quy trình” hay không…
Quy trình thì theo luật, do con người soạn thảo ra và quy buộc lẫn nhau. Làm đúng quy trình thì quá dễ, người ta còn đạt đến trình độ thượng thừa hơn là biết cách lách léo để sao cho thực chất là sai song hình thức thì vẫn… đúng quy trình, vậy mới tài!
Trường hợp điều chuyển, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh là ví dụ. Lãnh đạo công ty gây thua lỗ nghiêm trọng cho ngân sách, Văn phòng Chính phủ từng có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan, thế mà ông vẫn không hề hấn gì, ngược lại còn bay nhảy lên nhiều trọng trách khác, đến chức phó chủ tịch UBND một tỉnh và mới đây đã trúng cử đại biểu Quốc hội.
Rõ ràng là quá trình đề bạt, bổ nhiệm có vấn đề nhưng đã không được phát hiện hoặc có thể biết mà chủ ý lờ đi. Luật Cán bộ công chức và các văn bản dưới luật liên quan đến công tác cán bộ đều quy định rất rõ về tiêu chuẩn điều động, luân chuyển, cất nhắc, tức là có quy trình chặt chẽ rồi, vậy thì vấn đề chỉ còn nằm ở chỗ những người làm nhân sự hoặc thiếu năng lực để đánh giá đúng hoặc không công tâm, thậm chí cố tình làm sai quy định.
Tất nhiên, trong không ít trường hợp, người ta làm đúng quy trình thật nhưng quy trình đó đã sai, bị lạc hậu so với thực tế. Cứ dựa vào cái sai nhằm bao biện cho một cái sai khác, để thành đúng, là xong chuyện! Điển hình là vụ 30 tấn cá nục bị cho là nhiễm phenol mới đây ở Quảng Trị, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh này chỉ lấy một mẫu để xét nghiệm - lẽ dĩ nhiên, các công đoạn lấy mẫu đều “đúng quy trình” - rồi kết luận “nhiễm phenol” để tiêu hủy cả lô 30 tấn. Tuy nhiên, cái gọi là quy trình đó được các chuyên gia đầu ngành khẳng định đã sai lạc, phản khoa học; cần phải lấy hàng chục mẫu và phải qua kiểm định độc lập rồi mới công bố chứ không nên vội vàng, rất nguy hiểm.
Quy trình là từ thực tiễn mà có. Trong khi cuộc sống thay đổi không ngừng, buộc các luật lệ cũng phải “chạy” theo nhưng cán bộ lại không chịu chạy, chỉ chăm chăm làm “đúng quy trình” thì có khác gì robot!.
Bình luận (0)