xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Già rồi, đi học làm chi...

DUY NHÂN - HỒNG ÁNH - TRẦN THƯỜNG

Đó là tâm sự của phần lớn những người mù chữ mà chúng tôi đã gặp. Họ sống tự ti, cam chịu nên thất học và nghèo đói cứ bám riết từ đời này sang đời khác

Ông Trần Văn Phi - Trưởng ấp 14, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu - quả quyết không nơi nào trong tỉnh có số người mù chữ nhiều bằng nơi này.

Nhiều thế hệ mù chữ

“Qua những lần giúp dân làm thủ tục vay tiền ngân hàng, tôi thấy cứ 100 người thì đến khoảng 60 người không biết ký tên mà phải quệt dấu chữ thập” - ông Phi quả quyết.

Đi chưa đầy 100 m đường, chúng tôi đã gặp gần chục gia đình thất học. Bà Lý Thị Hoa (61 tuổi) có 11 người con, phần lớn đã lập gia đình nhưng đều mù chữ. Đến nhà bà Lâm Thị So thì 8 người con từ 19-25 tuổi và 2 đứa cháu cũng đều chẳng còn nhớ mặt chữ.

Ông Võ Văn Kèn - Trưởng thôn Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế - giúp dân làm giấy tờ  Ảnh:  QUANG NHẬT
Ông Võ Văn Kèn - Trưởng thôn Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế - giúp dân làm giấy tờ Ảnh: QUANG NHẬT

Chúng tôi tìm gặp Nguyễn Văn Chiến (30 tuổi, ngụ ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) sau một ngày anh ròng rã hàng chục km mới tìm được 2 kg nghêu bán được 20.000 đồng.

Cũng như nhiều thanh niên ở xã này, Chiến lấy vợ sớm. Giờ anh đã có 2 đứa con, đứa lớn 9 tuổi vẫn chưa vào lớp 1, đứa nhỏ 4 tuổi suốt ngày lẽo đẽo theo mẹ quẩn quanh trong nhà. Hôm nay, con gái ốm nên Chiến về sớm hơn mọi ngày. “Bữa nào không có tiền thì mượn người ta mua gạo nấu cơm cho cả nhà. 100.000 đồng mỗi ngày đóng lãi 1.000 đồng. Em không biết chữ, lại không có nghề nên muốn làm gì cũng khó, đành phải vào rừng, xuống biển bắt ốc, bắt nghêu sinh sống” - Chiến nói như cam chịu.

Chiến kể nhà có 6 anh em, duy chỉ có đứa em gái út được học đến lớp 5. “Riêng em chỉ đọc được tên mình thôi. Nghèo quá, tiền đâu đi học. Lo ngày 2 bữa cơm ở vùng đất này đã là quá khó rồi!”.

Cái tuổi này, ai còn đi học

Ở các cảng cá lớn của tỉnh Phú Yên như Đông Tác, phường 6 (TP Tuy Hòa), Phú Thọ (huyện Đông Hòa), Tiên Châu (huyện Tuy An) có những nhóm phụ nữ làm nghề rảo cá (khiêng vác cá ngừ đại dương từ tàu đến điểm thu mua). Họ luôn bịt kín khuôn mặt, chỉ chừa đôi mắt để nhìn dẫu nắng buổi sớm vẫn còn rất nhẹ. “Không chỉ sợ nắng “ăn” da, họ còn không muốn ai biết mặt mình” - một thuyền trưởng tàu đánh cá nói nhỏ.

Tàu vừa cập cảng, những con cá ngừ đại dương nặng gần 100 kg được đưa lên cáng, cá nhỏ thì 2 người, cá lớn thì 4 người vội vã khiêng về điểm thu mua. Những tấm áo ướt sũng nước biển lẫn mồ hôi. “Không được học hành, không nghề ngỗng gì mới làm cái nghề này chứ vất vả lắm! Ngày giỏi thì kiếm được 100.000 đồng, trung bình chỉ 50.000 đồng, có ngày về không vì tàu quen đâu phải ngày nào cũng về bến” - chị Nguyễn Thị Hương (42 tuổi, ngụ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) tâm sự.

Những người phụ nữ làm nghề rảo cá ở tỉnh Phú Yên luôn tự ti vì ít chữ Ảnh: HỒNG ÁNH
Những người phụ nữ làm nghề rảo cá ở tỉnh Phú Yên luôn tự ti vì ít chữ Ảnh: HỒNG ÁNH

Chị Hương học đến lớp 2 rồi nghỉ. Chồng chị cũng chỉ học đến lớp 5. Trong nhóm 8 người của chị Hương, chỉ một chị học đến hết lớp 9, còn lại đều chưa đến lớp 5.

Những người làm rảo cá ở những cảng cá khác phần lớn ít học. Chị Trần Thị Hạnh (39 tuổi, ngụ phường 6, TP Tuy Hòa) không nhớ mình được học đến lớp mấy. Chỉ biết giờ đây, mỗi lần muốn viết thư cho đứa con trai đầu đang làm thuê ở TP HCM, chị phải nhờ đứa con gái đang học lớp 6 viết giúp. Đề cập đến việc đi học lại, chị Hạnh khẽ lắc đầu: “Bây giờ tối mặt tối mũi để lo cho 4 đứa con thì còn nghĩ gì đến chuyện học”.

Trong khi đó, chị Hương đành chấp nhận mang tiếng mù chữ. “Cái tuổi này ai còn đi học. Đi học cho người ta chửi “lớn đầu mà ngu” à? Mà có muốn học thì cũng đâu có chỗ nào để học. Thôi thì chấp nhận vậy” - chị Hương bộc bạch.

Được sự giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam để tìm gặp chị T.T.M (45 tuổi) - một người không biết chữ tại địa phương. Những người giới thiệu cũng không quên dặn dò đừng để lộ tên họ ra vì đây là điều rất tế nhị, sợ mất tình cảm xóm làng.

Chị M. tâm sự trước đây, gia đình chị có đến 7 anh chị em, cha mẹ đều mất sớm nên hầu hết mấy anh em không được đến lớp. Việc không biết chữ cũng gây nhiều khó khăn đối với chị mỗi khi cần làm việc gì liên quan đến giấy tờ. Về chuyện học lớp xóa mù, chị M. từ chối vì bận bịu và tuổi đã lớn, không cần học làm gì nữa.

Ông Trần Ngọc Sơn, trưởng thôn Tân Phú, cho biết ở địa phương có vài người không biết chữ. Họ rất tự ti, xấu hổ khi nhắc đến chuyện này. Cũng có nhiều người vì trêu nhau chuyện mù chữ dẫn đến xích mích, đánh nhau. Việc làm các thủ tục, giấy tờ đối với những người này gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Sơn, từ trước tới nay, chưa có lớp học xóa mù chữ nào được mở tại địa phương để dạy cho họ. Nhiều người lớn tuổi cũng không bận tâm lắm với chuyện xóa mù chữ.

Trăm dâu đổ đầu trưởng thôn

Trong cái nắng hè oi bức, nhiều người dân ở thôn Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế kéo đến nhà trưởng thôn Võ Văn Kèn để nhờ xin tách hộ cho con cái, làm giấy khai sinh.

Trong khi ông Kèn tất bật viết đơn thì bà con trong thôn thảnh thơi ngồi uống nước, sau đó chỉ biết lăn tay điểm chỉ.

Theo ông Kèn, thôn Lại Tân là nơi tái định cư cho dân vạn đò trên sông Hương được chính quyền đưa lên bờ cách đây 3 năm. Giờ đây, thôn có 2.890 khẩu với 337 hộ nhưng 95% dân số không biết chữ hoặc chỉ biết sơ qua. Chính vì vậy, người dân bị đau ốm lên bệnh viện cũng nhờ ông đi theo để làm thủ tục; lúc làm giấy khai sinh, giấy hôn thú, giấy tờ mua bán của cải... đều tìm đến ông.

Q.Nhật

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo