Đường dẫn vào bản có nhiều điểm bị sạt lở. Bên đường, cây cối xác xơ, ngổn ngang xác trâu bò, gia cầm... cùng các vật dụng gia đình. Ông Trần Xuân Tư - Trưởng bản Ón, xã Thượng Hoá - than thở đồng bào người Rục bao năm sống lọt thỏm giữa 4 bề đá vôi dựng đứng nên không quen với lũ, khó khăn chồng thêm khó khăn.
Cuộc sống khổ cực nên bà con người Rục có cái gì ăn cái đó. Bị nước lũ chia cắt với thế giới bên ngoài, bữa cơm của đồng bào nơi đây đều phụ thuộc vào số gạo cứu trợ của nhà nước. Bữa trưa của gia đình bà Cao Thị Kèm là món trái cây rất lạ được người chồng hái từ rừng về. “Dân chúng tôi mắc lũ không ra được chợ, dân bản sợ lũ lắm nên đụng thứ chi là ăn cái đó. No bụng trước rồi tính” - bà Kèm nói.
Ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa, cho biết khi bị mưa lũ bao vây, xã đã đưa gần 2 tấn gạo vào kho dự trữ để kịp thời cấp phát cho người dân. Mưa lũ kéo dài nên hôm 16-10, xã đã vận chuyển thêm gạo, mì tôm vào hỗ trợ khẩn cấp cho một số hộ đặc biệt khó khăn. Còn sáng 17-10, cán bộ xã đã phát đại trà cho bà con 3 kg gạo/người.
Theo ông Văn, hiện tuyến đường vào các bản của người Rục bị nước phong tỏa, tình trạng ngập có thể kéo dài thêm 10 ngày nữa. Vì thế, xã đã cử 3 cán bộ cắm chốt tại các bản để trực tiếp hỗ trợ đồng bào, di tản đồ đạc khi nước dâng cao.
Tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, mọi thực phẩm phụ thuộc vào những chuyến hàng cứu trợ từ nhà nước cũng như các hội từ thiện. Sáu người trong gia đình bà Nguyễn Thị Đông (67 tuổi; ở thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa) mấy hôm nay phải sống nhờ những gói mì tôm của các đoàn cứu trợ. Gạo đã được cấp phát về tới nơi nhưng các vật dụng nấu nướng bị trôi hết nên họ ăn tạm mì tôm để chờ sắm lại.
Trên những con đường làng đầy bùn non nhão nhoẹt, những đứa trẻ lấm lem vẫn hồn nhiên đùa nghịch nhưng khi nhắc đến chuyện học hành, đôi mắt các em buồn rười rượi. “Mấy ngày qua trường ngập, sách vở của chúng em cũng bị trôi cả nên không biết khi mô mới trở lại trường” - em Hoàng Quang Bảo rầu rĩ.
Bình luận (0)