Đến ngày 9-3, theo người nhà thai phụ Nguyễn Thị Thu T. (29 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh), chị T. vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, chết não với tiên lượng sống chỉ 1%.
Ngăn chặn bác sĩ Trung Quốc rời Việt Nam
Cùng ngày, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội yêu cầu báo cáo sự việc. Trong khi đó, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội (đường Ngọc Hồi, quận Thanh Trì, Hà Nội) để phục vụ công tác điều tra.
Lực lượng chức năng kiểm tra Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội
Trước đó, vào 16 giờ ngày 5-3, chị T. đến khám phụ khoa tại đây. Bác sĩ (BS) Trịnh Túc Vinh (người Trung Quốc) đã khám, chỉ định xét nghiệm rồi chẩn đoán bệnh nhân bị viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, có thai 21 tuần. Đến 17 giờ cùng ngày, phòng khám điều trị cho chị T. theo các bước: rửa âm đạo bằng dung dịch Nacl (0,9%), khí dung bằng dung dịch Nacl (0,9%) pha với Gentamycin và Dexamethasone. Ba phút sau, bệnh nhân có biểu hiện khó thở kèm theo co cứng người, co giật nên được tiêm thuốc an thần chống co giật rồi chuyển lên Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Sở Y tế đã làm việc với Bệnh viện Bạch Mai và xác định loại trừ nguyên nhân chị T. bị sốc phản vệ.
Kể từ thời điểm xảy ra tai biến nói trên, Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội cho hay không liên lạc được với BS Trịnh Túc Vinh. Thanh tra Sở Y tế đã đề nghị Công an huyện Thanh Trì áp dụng các biện pháp ngăn chặn BS Trịnh Túc Vinh rời Việt Nam.
Sự biến mất của BS Trịnh Túc Vinh tương tự với sự việc xảy ra vào năm 2012, các BS người Trung Quốc làm việc tại Phòng khám Maria (quận Đống Đa) đã bỏ trốn ngay trong đêm sau khi xảy ra tai biến làm một nữ bệnh nhân 35 tuổi tử vong khi chữa bệnh phụ khoa.
Sai phạm chồng chất vẫn không dẹp nổi
Đây không phải là lần đầu tiên Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội để xảy ra tai tiếng. Theo Sở Y tế Hà Nội, phòng khám này từng bị xử phạt rất nhiều lần.
Tháng 7-2016, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với phòng khám do quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.
Tháng 9-2015, đoàn thanh tra liên ngành Hà Nội kiểm tra đột xuất tại Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội. Phòng khám có 7 BS đăng ký khám 24/24 giờ nhưng khi đoàn thanh tra kiểm tra thì chỉ có 4 BS. Đặc biệt, một số chuyên khoa không có BS nhưng bệnh nhân vẫn được thực hiện các xét nghiệm. Nhà thuốc bệnh viện dù chưa được cấp phép vẫn bán thuốc. Ngoài ra, không niêm yết công khai đầy đủ giá khám, điều trị tại phòng khám. Cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều máy móc xuất xứ Trung Quốc không có hồ sơ nhập khẩu và đăng ký lưu hành.
Đoàn thanh tra đã phạt Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội gần 70 triệu đồng, tước giấy phép hành nghề trong thời gian 6 tháng đối với 2 BS.
Với hàng loạt sai phạm nói trên, điều nghịch lý là phòng khám này vẫn ngang nhiên tồn tại để rồi tiếp tục sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Theo một thanh tra y tế, việc xử phạt các phòng khám tư nhân được thực hiện theo chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Có những lỗi vi phạm, cơ quan chức năng sẽ lập tức đình chỉ hoạt động của phòng khám, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của BS có thời hạn nhưng có những lỗi, đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của BS hoặc phòng khám trong một thời gian nhất định.
Hiện Hà Nội có 6 phòng khám có BS Trung Quốc đang làm việc. Trong những năm qua, các ngành chức năng tại Hà Nội phát hiện nhiều cơ sở hành nghề y tư nhân có yếu tố nước ngoài vi phạm pháp luật về quy định, điều kiện kinh doanh và hành nghề. Nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Đơn cử, tháng 7-2016, Sở Y tế ra quyết định tạm dừng hoạt động của Phòng khám Việt Tâm (987 Giải Phóng, quận Hoàng Mai), xử phạt khoảng 50 triệu đồng và thu hồi giấy phép hành nghề trong 9 tháng đối với BS Hwang Wei (người Trung Quốc) do tự ý sử dụng một số loại thuốc chưa đăng ký, cấp phép để điều trị cho người bệnh. Phòng khám với chức năng chẩn trị về đông y nhưng lại treo biển phòng khám đa khoa và chưa có số đăng ký.
Cũng trong năm 2016, Phòng khám An Khang (96 Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bị xử phạt tổng cộng trên 100 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của BS người Trung Quốc trong thời gian 9 tháng.
TP HCM: 4 đoàn kiểm tra phòng khám tư nhân
Sở Y tế TP HCM đang lên kế hoạch hậu kiểm tra các phòng khám đa khoa tư nhân trong tháng 3-2017. Theo đó, 4 đoàn kiểm tra của Sở Y tế sẽ phối hợp tiến hành kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động khám, chữa bệnh của các phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn.
Kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng phòng khám đa khoa tư nhân sẽ được sở công khai để người dân có cơ sở lựa chọn khi khám, chữa bệnh. Tiếp đến, vào tháng 5 tới, Thanh tra Sở Y tế cũng sẽ tiếp tục đợt thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động các phòng khám này. Theo thống kê, toàn TP HCM hiện có hơn 10.000 cơ sở y tế ngoài công lập, trong đó chỉ riêng phòng khám đa khoa và chuyên khoa là khoảng gần 4.300 cơ sở.
Ng.Thạnh
Bình luận (0)