Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, nhận định: Thực tế hiện nay, cả nước có hơn 80.577 km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000 km có hoạt động giao thông thủy, tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000 km (chiếm 45% số km có hoạt động giao thông thủy) do khó khăn về kinh phí, nhất là các địa phương.
Trong khi đó, trên các sông, kênh chưa được tổ chức quản lý, hoạt động giao thông đường thủy nội địa của người dân vẫn diễn ra mà không chịu sự điều chỉnh của Luật GTĐTNĐ năm 2004. Việc sửa đổi, bổ sung luật lần này nhằm giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn luồng tuyến, bến bãi, thuyền viên cũng như xử lý các vi phạm, tai nạn tàu thuyền trên tuyến thủy.
Với dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GTĐTNĐ 2004, phạm vi quản lý về phương tiện thủy, thuyền viên, người lái phương tiện, tai nạn giao thông, cứu hộ cứu nạn… trên tuyến thủy sẽ rộng hơn, không bó hẹp trong luồng (tức vùng nước được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa để phương tiện đi lại thông suốt, an toàn) mà được tính từ mép luồng đến mép bờ tự nhiên trên sông, kênh, rạch, hồ đầm - không phải là đường thủy nội địa.
Việc sửa đổi này theo ông Huỳnh Thành Lập nhằm dễ quản lý các phương tiện nhỏ, lẻ thường di chuyển sát mép bờ… Ngoài ra, quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện thủy không vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở.
Đáng lưu ý, dự thảo luật lần này chú trọng nhiều đến công tác phòng chống buôn lậu trên tuyến thủy. Thiếu tướng Lê Đông Phong, Phó Giám đốc Công an TP HCM, đề xuất bổ sung quy định: Quản lý cả phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa không chở người, phải bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo thiếu tướng Lê Đông Phong, hiện nay rất nhiều phương tiện nhỏ không chở người, do quy định trước đây không bắt buộc đăng ký, đăng kiểm nên nhiều đối tượng lợi dụng chở hàng lậu, hàng cấm, động vật quý hiếm, cát lậu… Khi bị lực lượng chức năng truy bắt thì sẵn sang dìm hàng, dìm ghe để tẩu thoát. Chưa kể, khi tai nạn xảy ra, do phương tiện không đăng ký nên không thể xử lý, truy tìm người gây tai nạn…
Khái niệm tai nạn giao thông đường thủy cũng được đưa vào quy định nhằm giúp CSGT đường thủy dễ dàng xử lý, tiếp cận các vụ tai nạn mà trước đây chưa quy định. |
Bình luận (0)