Chập tối một ngày đầu tháng 6-2015, chúng tôi trở lại tuyến đường 723, thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng - nơi được xem là lá phổi xanh của TP Đà Lạt và cũng là điểm nóng của tình trạng phá rừng làm rẫy của tỉnh. Cách đây khoảng 2 năm, hai bên đường, đoạn qua xã Đa Nhim, là những rừng thông tươi tốt thì nay thay bằng rẫy cà phê, xen lẫn trong đó là những cây thông nhiều năm tuổi đã chết khô từ lúc nào. Đi vào sâu hơn, thông vẫn còn đó nhưng héo úa, vàng vọt.
Từ đốt lửa đến tiêm thuốc độc
Chúng tôi tiếp cận ông K.S đang chăm sóc rẫy cà phê, ngỏ ý muốn mua đất tại khu vực này. Ông K.S hồ hởi: “Giờ thì không còn nữa nhưng nếu nửa năm nữa quay lại, tôi giới thiệu người bán cho các anh mấy sào. Phải chờ thông chết rồi mới đốn hạ, trồng cà phê vào rồi mới bán được”.
Thấy chúng tôi chưa hiểu, ông K.S giải thích: “Muốn thông chết thì “ken” gốc (một hình thức dùng rìu vạt quanh gốc cho nhựa ứ xuống rồi chết dần - PV). Nhưng làm vậy thì lâu bởi sau khi “ken” xong phải mất vài tháng, thông mới chết. Nếu muốn thông chết nhanh thì mua ít thuốc trừ sâu bơm vào thân”.
Dẫn chúng tôi lại mấy cây thông đang dần héo úa sát rẫy cà phê của mình, ông K.S nói: “Như mấy cây này, người ta mới bơm thuốc trừ sâu có vài hôm mà chúng đã héo rồi đấy”. Theo quan sát của chúng tôi, tại mỗi gốc thông đang héo úa đều có một lỗ khoan rất nhỏ, khi dùng cọng cỏ tuồn vào trong thì độ sâu khoảng 10-15 cm.
Theo ông K.S, trước đây, người ta thường hay “ken” gốc thông hay dùng lửa đốt nhưng dễ bị lực lượng chức năng phát hiện. Vì vậy, bơm thuốc độc vào thân cây thông hiện là cách phổ biến nhất và chỉ làm vào buổi chiều tối, khi lực lượng bảo vệ rừng đã nghỉ ngơi.
Rời khu vực trên, theo sự chỉ dẫn của một người dân, chúng tôi đến khu vực rừng thông ba lá tại Tiểu khu 151, phường 12, TP Đà Lạt. Ở đây, vạt rừng thông trên 10 năm tuổi với khoảng 40 cây cũng đã bị bơm thuốc độc dẫn đến chết khô, đứng trơ trọi giữa trời. Theo người dân, vạt rừng này đã bị tác động từ khá lâu nhưng sau đó bị lực lượng chức năng phát hiện nên những kẻ hại thông đã tạm thời rút đi.
Thủ đoạn tinh vi, xử phạt chưa nghiêm
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2010, Lâm Đồng có khoảng 602.000 ha rừng (độ che phủ 61,2%) nhưng đến năm 2014 chỉ còn 513.529 ha (độ che phủ còn 52,5%). Lâm Đồng đã bị mất khoảng 90.000 ha rừng trong 5 năm. Riêng Đà Lạt, năm 2010, độ che phủ rừng đạt 56% thì nay chỉ còn khoảng 47%”.
Còn theo Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim - Lâm Đồng, từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị đã mật phục bắt quả tang 14 vụ “ken” thông và tiêm thuốc độc. Qua thống kê bước đầu, đã có gần 1 ha rừng thông bị tác động. Dù diện tích rừng tác động bị phát hiện có giảm hơn so với những năm trước nhưng số vụ vi phạm ngày càng tăng và có chiều hướng phức tạp hơn. Người dân phá rừng chủ yếu để chiếm đất làm rẫy. Thủ đoạn phá rừng ngày càng tinh vi và manh động, chỉ cần thấy bóng kiểm lâm là họ bỏ chạy sâu vào trong rừng nên không thể làm gì hơn.
Ông Lương Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận để xảy ra tình trạng người dân phá rừng thông làm rẫy là do thiếu sót của ngành nhưng một mặt cũng do biện pháp chế tài xử phạt đối với những đối tượng phá rừng còn nhẹ, chủ yếu chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe.
Triệt hạ từ non tới già
Ngày 13-6, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1 tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương đã bắt quả tang Nguyễn Văn Dũng đang chặt và “ken” 29 cây thông có đường kính gốc 8-38 cm tại Tiểu khu 143, thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.
Trong khi đó, trong 2 ngày 30-5 và 14-6, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đạm Bri (đơn vị trực tiếp quản lý rừng tại địa bàn xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đã phát hiện 306 cây thông (có độ tuổi 24-31 năm, tương đương gần 110 m3 gỗ) trên diện tích gần 10.000 m2 bị lâm tặc đốn hạ. Tuy nhiên, đến nay, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm gây ra vụ tàn sát rừng thông này.
Bình luận (0)