Hai chỉ số được đưa ra tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội TP HCM 6 tháng đầu năm 2014 do UBND TP tổ chức sáng 23-6 cho thấy nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực, khả quan là tổng sản phẩm nội địa (GDP) và tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Tạo đà phấn đấu
Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP, cho biết 6 tháng đầu năm 2014, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước tính là 121.910 tỉ đồng, đạt 53,87% dự toán và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Lan, nguồn thu từ doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng cao với 18.312 tỉ đồng, tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tăng 24,6%).
“Nguyên nhân do TP tập trung công tác thu hút đầu tư nước ngoài, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, một số DN tiêu thụ được hàng hóa, sản phẩm (lĩnh vực tiêu dùng, xe hơi, địa ốc, dầu khí...)” - bà Lan phân tích.
Báo cáo của UBND TP cho thấy nhìn chung, nguyên nhân tăng thu do kinh tế TP giữ mức tăng trưởng ổn định; thực hiện một số cơ chế, chính sách của nhà nước (thực hiện Thông tư số 187 năm 2013 của Bộ Tài chính về việc các DN nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ nộp vào ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật)... Ngoài ra, các khoản thuế thu nhập DN được gia hạn trong năm 2013 và đến hạn nộp trong quý I/2014 cũng làm tăng nguồn thu.
Bên cạnh đó, Quyết định số 57 của UBND TP (ban hành ngày 10-12-2013) điều chỉnh giảm mức nộp lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi từ 15% còn 10% thu hút lượng xe đăng ký nên mức thu theo đó tăng cao (tăng 35% so với cùng kỳ năm trước).
Đánh giá nền kinh tế TP tiếp tục phục hồi tăng trưởng ổn định, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết GDP trên địa bàn quý II tăng 8,7% (quý I tăng 7,7%). Mức tăng này cao hơn cùng kỳ 2 năm liên tiếp, cho thấy tình hình kinh tế ổn định so các năm 2012, 2013. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 9,6% (cùng kỳ năm trước tăng 9,1%), chiếm 59,4% tổng GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,4% (cùng kỳ năm trước tăng 6,2%), chiếm 39,8% GDP.
Từ kết quả khả quan này, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhận định: “GDP của TP tăng cho thấy sự phục hồi kinh tế trong 3 năm gần đây có chuyển biến, tạo đà để chính quyền TP cùng các cấp, ngành phấn đấu đạt chỉ tiêu GDP cả năm 2014 từ 9,5%-10% như nghị quyết mà Thành ủy đã ban hành”.
Tập trung xóa dự án “treo”
Đó là quyết tâm của chính quyền TP HCM được Chủ tịch Lê Hoàng Quân khẳng định tại cuộc họp. Theo ông Lê Hoàng Quân, dù TP đã kiên quyết thu hồi hàng trăm dự án không thực hiện hay tiến độ quá chậm nhưng thực tế vẫn còn nhiều dự án thực hiện ì ạch khiến người dân bức xúc. “Mới đây, tôi có làm việc với lãnh đạo một tập đoàn và đưa ra yêu cầu nếu dự án do tập đoàn này không triển khai thì chính quyền TP sẽ thu hồi ngay, không để cù cưa mãi” - ông Quân kiên quyết và cho rằng trong khi đời sống người dân còn hết sức khó khăn thì các cơ quan quản lý cứ từ từ, như là không phải chuyện của mình!
Bên cạnh đó, trong tháng 7 này, UBND TP sẽ tập trung rà soát danh mục các dự án đầu tư chậm thực hiện trên địa bàn TP và tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra thực tế. “Sau khi kiểm tra, đơn vị nào để dự án chậm giải ngân thì không những lãnh đạo phải kiểm điểm mà dự án sẽ bị rút vốn đầu tư ngay” - ông Quân khẳng định.
Bà Đào Thị Hương Lan cho biết UBND TP đã giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản đợt 1 nguồn vốn ngân sách năm 2014 là hơn 10.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các dự án rất chậm. Cụ thể, 67 dự án có tỉ lệ giải ngân từ 1%-10% trên tổng số vốn giao (46,811 tỉ đồng/1.149 tỉ đồng); 21 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 1% (5,97 tỉ đồng/1.523 tỉ đồng); 39 dự án chưa thực hiện thủ tục thanh toán với tổng số vốn giao là 488,362 tỉ đồng.
Giảm phụ thuộc Trung Quốc
“Hiện TP đã lập ban chỉ đạo và ráo riết thực hiện đề án Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong khâu nhập khẩu nguyên vật liệu. Hy vọng rằng với sự quyết liệt của TP, năm 2015 sẽ có kết quả” - ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND TP HCM, cho biết như vậy tại cuộc họp giao ban định kỳ giữa UBND TP với các cơ quan truyền thông vào chiều 23-6.
Theo ông Luận, TP đang chuyển hướng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc như trước kia bằng cách cố gắng phối hợp cùng các DN trong việc tìm thị trường xuất nhập khẩu mới.
Trả lời câu hỏi của một số báo về việc TP sẽ xử lý thế nào với những dự án kéo dài, không thực hiện, ông Luận cho biết tới nay, TP đã thu hồi 209 dự án chậm thực hiện với diện tích 2.300 ha. “TP đang tiếp tục rà soát, không để lãng phí tài nguyên đất”- ông Luận nói.
Bình luận (0)