Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về những động thái gần đây của Trung Quốc trên biển Đông như diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn ở vịnh Bắc Bộ, khai thông luồng lạch ở đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam… ngay sau khi rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của nước ta?
- Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an: Những động thái này khởi đầu cho hàng chuỗi những việc làm sắp tới của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền phi lý trong vùng biển của Việt Nam và chưa ăn thua gì so với các động thái tày đình khác đã làm như xây dựng thành phố, đảo nổi, tổ chức chính quyền cấp xã ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, toan tính thiết lập một vùng nhận diện phòng không ở vùng biển Đông. Tình hình sẽ ngày càng xấu với việc Trung Quốc gia tăng các hành động trên thực tế để hiện thực hóa yêu sách phi lý đường lưỡi bò.
Tất cả các việc làm trên của Trung Quốc chỉ với mục đích đòi chủ quyền phi pháp về đường lưỡi bò với những hành động xấu xa để thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông. Những động thái này mới mang tính kỹ thuật. Việc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng không làm cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc khả quan hơn, đó chỉ là sự kết thúc một vòng xoáy trong mối quan hệ này và mở ra một vòng xoáy khác nghiêm trọng hơn. Chúng ta phải cực kỳ tỉnh táo với các hành động ngày càng nguy hiểm như vậy.
* Trung Quốc đang muốn chứng tỏ điều gì sau những động thái mới này?
- Trung Quốc đang muốn làm yên lòng người dân trong nước, đồng thời kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người dân trước thái độ bực tức và chán nản của người dân trong phòng chống tham nhũng. Việc tổ chức bắn đạn thật do Hạm đội Nam Hải chủ trì, có sự tham gia của các tàu ngầm, tàu khu trục thế hệ mới, tàu khu trục nhẹ, máy bay chiến đấu của 3 hạm đội lớn hay như khai thông luồng lạch... là để trấn an người dân trong nước rằng họ không thua và đang ở thế chủ động, tiên phong trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước, coi chủ quyền lãnh thổ là cốt lõi.
Những hành động mới này của họ chỉ là khúc dạo đầu cho cả một bản giao hưởng độc chiếm biển Đông mà chương đầu tiên là thiết lập khu vực nhận dạng phòng không ở biển Đông. Chương 2 là đưa hàng ngàn tàu cá và người ra làm chủ biển Đông theo phương châm “lấy thịt đè người”. Chương 3 là xử lý các quốc gia có tranh chấp và chương kết là đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này. Trung Quốc vẫn theo cách hành xử ngỗ ngược thường xuyên của họ là bịt mắt dư luận, coi như không có chuyện gì xảy ra.
* Việt Nam có nên khởi kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế vào thời điểm này?
- Việt Nam nên kiện Trung Quốc nhưng thời điểm này chưa thích hợp. Kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Họ có nhiều con bài trong tay mà chưa tung ra để chèn ép và đè nén Việt Nam. Chúng ta phải luôn nâng cao ý thức cảnh giác về việc này.
Bắc Kinh khuyến khích đánh bắt ở biển tranh chấp
Dự kiến đến cuối năm nay, 50.000 tàu cá của Trung Quốc được trang bị hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu cho phép liên lạc trực tiếp với cảnh sát biển nước này khi hoạt động trên các vùng tranh chấp ở biển Đông. Theo Reuters, tại đảo Hải Nam (cửa ngõ của Trung Quốc ra biển Đông), Trung Quốc sẽ hỗ trợ các chủ tàu cá tới 90% chi phí gắn thiết bị sản xuất nội địa vốn được dùng cho quân đội này. Động thái trên cho thấy sự tăng cường hỗ trợ tài chính của chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh hoạt động đánh bắt của nước này ngày càng táo bạo ở cả những khu vực không phải ngư trường truyền thống. Các chủ tàu cá ở cảng cá Tanmen (Hải Nam - Trung Quốc) cho biết chính quyền khuyến khích họ đến đánh bắt ở những vùng biển tranh chấp và tạo điều kiện bằng cách trợ giá nhiên liệu. Chính vì thế, các tàu cá Trung Quốc trên biển Đông manh động và hung hãn hơn bao giờ hết. “Chính sách trên vừa có lý do địa chính trị vừa vì kinh tế và thương mại” - ông Alan Dupont, giáo sư về an ninh quốc tế tại Trường ĐH New South Wales (Úc), nhận định.
Th.Hằng
Bình luận (0)