xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung Quốc phải rút khỏi thềm lục địa Việt Nam

BÍCH DIỆP - PHAN ANH

Việt Nam đã trao Công hàm phản đối việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và nhiều tàu, trong đó có tàu quân sự, hoạt động bất hợp pháp tại khu vực biển thuộc thềm lục địa Việt Nam

Chiều 6-5, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì về việc giàn khoan HD-981 và nhiều tàu của Trung Quốc hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 1-5 đến nay.

Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc được vận chuyển trái phép vào khu vực thuộc thềm lục địa nước ta Ảnh: AP
Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc được vận chuyển trái phép vào khu vực thuộc thềm lục địa nước ta Ảnh: AP

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự, vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. “Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981, các tàu hộ tống ra khỏi khu vực đó và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này” - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trước đó, chiều 4-5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ phía Việt Nam - ông Hồ Xuân Sơn - đã điện đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ phía Trung Quốc - ông Lưu Chấn Dân - giao thiệp nghiêm túc vụ việc trên. Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Nội dung Công hàm nhấn mạnh hoạt động của giàn khoan HD-981 và tàu Trung Quốc đã “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như đã vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước, tinh thần và lời văn của Tuyên bố DOC, các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế”; yêu cầu Trung Quốc “rút ngay giàn khoan nói trên cùng các tàu, thiết bị, nhân sự có liên quan ra khỏi khu vực lô 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam và không để tái diễn các hành động tương tự. Công hàm khẳng định: “Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, sẵn sàng thông qua các cơ chế đàm phán song phương để giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, bất đồng trên biển giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Trong ngày 6-5, Hội Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế biển TP HCM cũng ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan và lực lượng bảo vệ đi kèm xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hội Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế biển TP HCM cực lực phản đối hành động cố ý khiêu khích, áp đặt theo kiểu bá quyền nước lớn, gây nên sự bất ổn nghiêm trọng, đe dọa hòa bình ổn định, ảnh hưởng đến việc tự do hàng hải và làm ăn bình thường của nhân dân các nước có quyền lợi trên Biển Đông. “Chúng tôi kiên quyết yêu cầu CNOOC dừng ngay lập tức các hành động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển thềm lục địa của Việt Nam” - tuyên bố của hiệp hội nhấn mạnh.

Muốn độc chiếm tài nguyên biển Đông

Các hãng tin lớn trên thế giới hôm 6-5 đều tiếp tục đưa tin về việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam với toan tính hiện thực hóa đường lưỡi bò cũng như mưu đồ độc chiếm nguồn tài nguyên ở biển Đông.

Hãng tin AP dẫn lời nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược lấn chiếm dần dần trên biển Đông bằng cách đưa ra những hành động khiêu khích để thăm dò phản ứng của các nước liên quan. Bắc Kinh tin rằng những nước láng giềng nhỏ hơn không thể hoặc không dám làm gì để ngăn mưu đồ của họ. Trong khi đó, ông Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói với Bloomberg: “Trước đây, những kiểu tranh chấp nảy thường liên quan đến tàu khảo sát. Nhưng việc Trung Quốc sử dụng giàn khoan cho thấy sự leo thang căng thẳng ở biển Đông...”.

Bất chấp sự lo ngại của cộng đồng quốc tế, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 6-5 còn mạnh miệng kêu gọi nước này nên có thái độ cứng rắn với Việt Nam, đồng thời khẳng định sẽ không dừng hoạt động của giàn khoan. Bài xã luận viết với giọng điệu khiêu khích: “Hoạt động của giàn khoan này không bao giờ ngừng lại như Việt Nam muốn. Nếu ngừng lại, đây sẽ là một thất bại lớn đối với chiến lược biển Đông của Trung Quốc”. Bài viết này đã bị gỡ khỏi trang web của tờ báo sau vài giờ đăng tải.

Tạp chí Foreign Policy hôm 5-5 nhận định động thái trên của Trung Quốc không khác gì một “cái tát” vào Tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi ông vừa có chuyến công du châu Á. Bài viết cũng gọi hành động của Trung Quốc có nguy cơ gây ra sự leo thang căng thẳng ở biển Đông. Tạp chí dẫn lời ông Mike McDevitt, một đô đốc nghỉ hưu và hiện là chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ) cho biết: “Động thái này là một trong những bước đi nhỏ mới của Trung Quốc. Từng bước đi riêng lẻ như thế sẽ không dẫn đến xung đột song theo thời gian, toàn bộ những bước đi này sẽ dần thay đổi hiện trạng (ở biển Đông)”.

Cùng ngày, Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương - Tướng Hawk Carlisle - nhận định rằng Trung Quốc đang hành xử ngày càng khiêu khích ở Thái Bình Dương. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel hôm 6-5 cho biết Washington đang điều tra động thái di chuyển giàn khoan dầu của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thận trọng.

Hành động khiêu khích của Trung Quốc diễn ra trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ diễn ra ở Myanmar trong 2 ngày 10 và 11-5. Hiện Trung Quốc và ASEAN đang tìm cách thương thảo về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Phương Võ

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo