Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch Điện VIII vào ngày 15-5-2023, trong đó, 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 được đưa vào danh mục các dự án tiềm năng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng sạch Tây Nguyên (Công ty NLS Tây Nguyên) đã có những bước đi rất nhanh.
Vội vã đưa thủy điện vào rừng
Ngày 30-5-2023, Công ty NLS Tây Nguyên có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở, ngành, địa phương tỉnh này tích hợp 3 dự án thủy điện nói trên vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Ông Điểu K’ Bôi kể lại mấy ngày trước có đoàn hơn chục người đi “khảo sát thủy điện”. Ảnh TRƯỜNG NGUYÊN
Trước đề nghị của doanh nghiệp, ngày 13-6-2023, Sở Công Thương có văn bản gửi UBND tỉnh cho biết sẽ tổng hợp kiến nghị, đề xuất đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tích hợp 3 dự án thủy điện. Đến ngày 16-6-2023, Sở Công Thương thông tin tới Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc góp ý, bổ sung hồ sơ quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, đưa 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 vào quy hoạch phát triển mạng lưới công trình điện tỉnh Lâm Đồng.
Tất cả đều diễn ra suôn sẻ. Vì vậy, đến ngày 24-6-2023, Công ty NLS Tây Nguyên có thêm động thái tiếp theo bằng văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở Công Thương đề nghị thực hiện việc khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3. Tuy nhiên, "bước nhảy" này đã không được chấp nhận.
Ngày 24-7-2023, công văn của Sở Công Thương do giám đốc Hoàng Trọng Hiền ký gửi UBND tỉnh Lâm Đồng nói rõ việc triển khai nghiên cứu, khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Hiện chưa có doanh nghiệp nào được cấp chủ trương đầu tư 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 nên chưa có cơ sở để xem xét, đề xuất UBND tỉnh chấp thuận đề nghị của công ty.
Thiếu nhiều căn cứ
Cũng theo Sở Công Thương, trong quyết định phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, Thủ tướng Chính phủ có giao Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch để thực hiện Quy hoạch Điện VIII và trình Thủ tướng xem xét. Sau khi kế hoạch này được phê duyệt mới làm cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Một cánh rừng nguyên sinh nằm bên sông Đồng Nai, trong khu vực đề xuất làm thủy điện Đắk R'lấp 1
Ngoài ra, mặc dù các dự án thủy điện này đã được cập nhật vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 nhưng chưa được Thủ tướng phê duyệt. Do đó, chưa có cơ sở để xem xét, đề xuất cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án. Hơn nữa, theo quy định của Luật Đấu thầu, việc lựa chọn nhà đầu tư phải qua đấu thầu. Nếu công ty tham gia đấu thầu và trúng thầu, được cấp quyết định chủ trương đầu tư thì lúc đó công ty mới đủ cơ sở pháp lý để tiến hành nghiên cứu, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi 3 dự án thủy điện nói trên.
Ngày 17-8-2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 7170/UBND-MT gửi Sở Công Thương và Công ty NLS Tây Nguyên. Theo đó, chưa cho phép Công ty NLS Tây Nguyên nghiên cứu, khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, Công ty NLS Tây Nguyên được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần lần đầu vào tháng 6-2015, địa chỉ trụ sở chính ở tổ 3, phường Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Một cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi nằm trong khu vực đề xuất làm thủy điện Đắk R'lấp 2
Thế nhưng phóng viên đi khắp tổ 3, phường Nghĩa Trung vẫn không tìm thấy bảng hiệu doanh nghiệp này. Liên hệ với ông Vũ Mạnh Cường, Tổ trưởng tổ 3, phóng viên được biết trước đây họ có thuê một căn nhà trong tổ để đặt trụ sở, sau đó chuyển đi đâu thì không rõ và cũng không báo cho tổ dân phố. Một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông cho biết doanh nghiệp này không thông báo chuyển địa điểm nên hiện không biết ở đâu.
"Cầm đèn chạy trước ô tô"
Tuy chính quyền địa phương chưa cho phép nhưng theo ghi nhận của nhóm phóng viên Báo Người Lao Động, từ giữa tháng 10-2023, Công ty NLS Tây Nguyên đã thuê đơn vị vào các khu vực rừng dự kiến làm 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 để tiến hành khảo sát. Đơn vị được thuê là Công ty CP Tư vấn và Xây dựng 23.
Trong những ngày tiếp cận tọa độ dự kiến thực hiện dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, chúng tôi đã gặp ông Nông Văn Lực (xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông). Ông Lực hành nghề đánh cá trên sông Đồng Nai, đoạn dự kiến thực hiện dự án thủy điện Đắk R’lấp 1. Ông Lực kể vừa qua có 1 đoàn hơn 10 người chèo thuyền khảo sát đoạn sông này.
Còn theo ông Điểu K’ Bôi (xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), người mà chúng tôi gặp tại bìa rừng khi tiếp cận vị trí dự án thủy điện Đắk R’lấp 2, thì mấy ngày trước một đoàn hơn chục người cũng đến khu vực rừng thuộc VQG Cát Tiên để khảo sát thủy điện. "Họ thuê người dân ở đây dẫn đường đi, thuê cả người lái xuồng để chạy dọc sông Đồng Nai đo vẽ" - ông Điểu K’ Bôi cho hay.
Tương tự, trong lúc tìm đường tiếp cận vị trí Đắk R’Lấp 3 từ hướng huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động cũng đã gặp được ông Điểu Hai trên đường đi làm rẫy. Ông Hai kể chỉ vài ngày trước, có đoàn hơn chục người cũng tổ chức đi khảo sát thủy điện Đắk R’Lấp 3. "Họ nhờ người trong làng chở đi khảo sát bằng xuồng, đo vẽ dọc sông. VQG Cát Tiên là rừng cấm nên không ai dám qua đó" - ông Điểu Hai nói.
Ông Nguyên cho biết Công ty CP Tư vấn và Xây dựng 23 đang khảo sát 3 dự án thủy điện Đắk R'lấp 1,2,3
Ông Nguyễn Đức Nguyên, phụ trách trạm quản lý và bảo vệ rừng số 2, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (Đắk Nông), cho biết mới đây, trong tháng 10-2023, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng 23 gửi văn bản thông báo thực hiện công tác đo đạc, thu thập số liệu về 3 dự án nhà máy thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3. "Sau đó, 1 đoàn theo danh sách là 17 người vào khảo sát. Khi tôi làm việc với đơn vị khảo sát thì họ đưa ra các văn bản, quyết định của cấp trên nên tôi nhắc nhở đoàn không được tác động vào rừng và chúng tôi giám sát việc thực hiện" - ông Nguyên nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-11
(Điều tra riêng của Báo Người Lao Động, mọi hình thức sao chép phải được sự đồng ý)
"Bình mới, rượu cũ"?
2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A bị Chính phủ loại khỏi Quy hoạch Điện VII vào năm 2013 vì lý do chiếm hơn 327 ha rừng, trong đó có 128 ha vùng lõi VQG Cát Tiên. Thế nhưng không hiểu sao Bộ Công Thương tiếp tục đưa 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 vào Quy hoạch Điện VIII khi 3 dự án này cũng nằm trong khu vực rừng của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trước đây. Trong đó, dự án thủy điện Đắk R’lấp 2 có vị trí gần như trùng với dự án thủy điện Đồng Nai 6 đã bị loại.
Doanh nghiệp đề xuất 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trước đây là Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Đáng chú ý, trong nội dung đăng ký thành lập mới của Công ty NLS Tây Nguyên vào năm 2015 thì cổ đông có số vốn góp lớn thứ 2 của công ty này là ông Trần Văn Phương với số vốn góp là 20 tỉ đồng. Trong khi đó, năm 2017, người có cùng số chứng minh nhân dân, địa chỉ và cùng tên Trần Văn Phương được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đức Long Gia Lai phụ trách mảng thủy điện. Ông Phương làm việc tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện năng Đức Long Gia Lai năm 2009. Đến năm 2013, ông giữ chức vụ giám đốc công ty này.
Bình luận (0)