Trong báo cáo tóm tắt bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện mà Công ty CP Đầu tư - Phát triển năng lượng sạch Tây Nguyên (Công ty NLS Tây Nguyên) gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương vào ngày 12-6-2020, 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, Đắk R’lấp 2, Đắk R’lấp 3 nằm ở trung lưu sông Đồng Nai.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Cát Tiên và Trạm Kiểm lâm Bù Sa kiểm tra khu vực vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên - vị trí dự kiến làm thủy điện Đắk R’lấp 2. Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Doanh nghiệp "mạnh miệng"
Trong đó, Đắk R’lấp 1 nằm ở xã Đắk Sin (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) và xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng). Dự án thủy điện Đắk R’lấp 2 nằm ở xã Hưng Bình (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) và xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Dự án thủy điện Đắk R’lấp 3 nằm ở xã Đồng Nai (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), xã Hưng Bình (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) và 2 xã Phước Cát, Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).
Hồ sơ của Công ty NLS Tây Nguyên thể hiện diện tích mặt hồ của 3 dự án thủy điện nói trên ở cao trình mực nước dâng bình thường đã lên đến 411 ha. Tức chỉ tính ở cao trình này thì toàn bộ 411 ha (gồm lòng sông và thảm thực vật hai bên sông) đều chìm trong nước. Đó là chưa kể diện tích thực tế lồi lõm trên mặt đất sẽ lớn hơn và cũng chưa kể các hạng mục nhà máy, cụm công trình đầu mối, kênh xả và những công trình phụ trợ, bãi thải, đường giao thông… sẽ ngốn thêm diện tích không hề nhỏ.
Thế nhưng, tổng diện tích chiếm đất (tỉ lệ diện tích các công trình xây dựng chiếm trên một khu đất nhất định) của 3 dự án Công ty NLS Tây Nguyên đưa ra chỉ hơn 197 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng trên 145 ha, chủ yếu là rừng hỗn giao, một ít rừng có cây tái sinh, rừng tre nứa, còn lại là đất trống. Vì vậy, khi đề cập hiệu quả của 3 dự án thủy điện, Công ty NLS Tây Nguyên đã rất "mạnh bút" cho rằng "đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội khá lớn, có tác động ảnh hưởng đến môi trường, đất đai không đáng kể và có thể khắc phục được sau khi hoàn thành việc thi công các công trình" (?!).
Hồ sơ một đằng, thực tế một nẻo
Trong khi đó, biên bản cuộc họp lấy ý kiến của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên và ban, ngành tỉnh Lâm Đồng do Sở Công Thương tỉnh này chủ trì vào ngày 23-10-2020 thể hiện qua kiểm tra bản vẽ tổng mặt bằng sử dụng đất cho công trình thì diện tích mặt thoáng được đo trên bản vẽ nếu chỉ tính trên diện tích mặt hồ và cụm đầu mối, nhà máy, kênh xả đã trên 464 ha - cao hơn 2 lần so với diện tích chiếm đất trong hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch của Công ty NLS Tây Nguyên. Như vậy, diện tích đất sử dụng giữa hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch và thực tế đo trên bản vẽ đã có độ chênh lớn; diện tích đất có rừng của 3 dự án thủy điện cũng chẳng thể dừng lại ở con số 145 ha như hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp.
Hơn nữa, liệu rừng nằm trong diện tích chiếm đất của 3 dự án chỉ là rừng hỗn giao, có cây tái sinh, tre nứa như trong hồ sơ bổ sung quy hoạch hay là dạng rừng nào khác? Tại cuộc làm việc trên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng khẳng định qua kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, tổng diện tích đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nằm trong 3 dự án thủy điện đều thuộc đối tượng rừng đặc dụng. Trong đó, riêng dự án thủy điện Đắk R’lấp 1 có diện tích chiếm đất tại 2 tiểu khu 418 và 419 thuộc rừng phòng hộ xung yếu.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc VQG Cát Tiên, đã thẳng thừng chỉ ra số liệu thống kê diện tích đất rừng trong đề án quy hoạch không đúng với thực tế. Theo ông Minh, tất cả diện tích đất sử dụng cho cả 3 dự án thủy điện đều "nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn của VQG, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh; là di tích quốc gia đặc biệt".
Kết quả buổi làm việc này cho thấy cả đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng và VQG Cát Tiên đều khẳng định việc đề nghị bổ sung quy hoạch 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 không phù hợp quy định hiện hành và không đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).
Theo quy định tại điểm b, khoản 3, điều 41a Nghị định 83/2020, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng không được phép chuyển mục đích sử dụng rừng. Điểm a, khoản 1, điều 52 Luật Lâm nghiệp cũng nêu rõ không khai thác lâm sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Riêng việc xây dựng công trình nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 2, điều 7 Luật Đa dạng sinh học.
Ý kiến từ phía Vườn Quốc gia Cát Tiên tại buổi làm việc ngày 23-10-2020. Ảnh: KỲ NAM
Bất ngờ Công văn 2205
Ngay trong chiều 23-10-2020, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã có Công văn số 2124/SCT-QLCN gửi UBND tỉnh Lâm Đồng. Trong văn bản này, một lần nữa, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng khẳng định "Diện tích chiếm đất cả 3 dự án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là nằm trong VQG Cát Tiên và nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn của VQG, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh đã được phê duyệt".
Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ ra trong hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 chưa đánh giá, thống kê đầy đủ diện tích chiếm đất cũng như diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Không hiểu sao đến ngày 3-11-2020, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng ra thêm Văn bản số 2205/SCT-QLCN gửi UBND tỉnh. Nhiều nội dung văn bản này tương tự Công văn 2124, tuy nhiên, cụm từ "Diện tích đất chiếm của cả 3 dự án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là nằm trong VQG Cát Tiên và nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn của VQG, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh…" đã không còn.
Hôm sau, ngày 4-11-2020, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ký Văn bản số 8986 gửi Bộ Công Thương. Văn bản này cũng tuyệt nhiên không nhắc đến cụm từ có liên quan đến diện tích chiếm đất của 3 dự án thủy điện nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng VQG Cát Tiên.
Công văn 2124 và Công văn 2205 cách nhau 11 ngày đều do bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, ký gửi UBND tỉnh Lâm Đồng.
Một điều khó hiểu khác là đầu năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông thống nhất không đưa cụm thủy điện bậc thang Đắk R’lấp 1, 2, 3 vào quy hoạch làm thủy điện vì vị trí này nằm trong rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Nhưng sau đó, UBND tỉnh Đắk Nông lại có văn bản gửi Bộ Công Thương về xem xét bổ sung chúng vào Quy hoạch Điện VIII.
Từ đề nghị của các địa phương, Bộ Công Thương đưa 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 vào Quy hoạch Điện VIII để trình Thủ tướng Chính phủ. Và một lần nữa, diện tích chiếm đất của 3 dự án thủy điện nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng VQG Cát Tiên không được nhắc đến.
Phải đánh giá kỹ lưỡng
Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ có nội dung phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vị trí dự kiến làm thủy điện Đắk R’lấp 3. Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Theo đó, 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2 và 3 được đưa vào danh mục các dự án thủy điện tiềm năng. Tuy nhiên, trong quyết định, Thủ tướng Chính phủ lưu ý: "Các dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, Đắk R’lấp 2 và Đắk R’lấp 3 phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về tác động môi trường, đất đai, ảnh hưởng đến rừng của dự án".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-11
Bình luận (0)