Hàng trăm hecta rừng sẽ biến mất, ngôi nhà chung của nhiều loài động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam sẽ bị xâm hại, hệ sinh thái bị tác động... là những viễn cảnh không ai muốn thấy.
Sau khi tìm hiểu đường đi, chuẩn bị các thiết bị định vị để vào đúng tọa độ được Công ty CP Đầu tư - Phát triển năng lượng sạch Tây Nguyên "chọn" làm thủy điện ở vùng lõi Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (tỉnh Đắk Nông), cuối tháng 10-2023, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động lên đường.
Lạc giữa rừng già
Chúng tôi tiếp cận dự án thủy điện Đắk R’lấp 1 (có vị trí cao nhất trong bậc thang 3 thủy điện Đắk R’lấp) theo hướng tỉnh Đắk Nông vì gần như không có đường vào từ hướng Lâm Đồng.
Thủy điện Đắk R’lấp 1 có thể mọc lên tại vùng bạt ngàn cây rừng này. Ảnh: HOÀNG HẢI
Từ Trạm Kiểm lâm liên xã Đắk Sin của Hạt Kiểm lâm huyện Đắk R’lấp nằm sát bìa rừng, chúng tôi di chuyển bằng xe máy được khoảng 2 km thì phải bỏ lại. Anh Nguyên, phụ trách Trạm Quản lý và Bảo vệ rừng số 2 - Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, mở định vị xác định vị trí khu vực dự kiến làm vai đập, lòng hồ và nhà máy thủy điện Đắk R’lấp 1.
Sau đó, tất cả đi bộ, cứ thế cắt rừng, men theo những khe suối dựng đứng. Mất 2 giờ như vậy thì vị trí dự kiến làm vai đập hiện ra.
Đây là khu vực rất hoang vắng. Những cây gỗ lớn tỏa bóng nên hiếm hoi mới thấy 1 khoảng nắng rộng. Đứng bên 1 cây đường kính đến 3 người ôm, xung quanh là các loại cây bụi, tre nứa, mây đan chằng chịt, anh Nguyên chỉ những dấu vết dưới đất, bảo đó là dấu chân heo rừng, hang dúi.
Sau khi ghi nhận thực tế, tới lúc quay ra, chúng tôi phải cắt rừng tìm đường mới vì đường cũ quá nhiều vực sâu nguy hiểm. Càng đi càng khó, cây rừng um tùm, đan xen chằng chịt. Tới khi không thấy bất cứ lối mòn nào thì cả nhóm nhận ra đang lạc giữa rừng già. Tất cả thực phẩm, nước uống, áo mưa, đèn pin... - những thứ phục vụ chuyến đi - đã để lại trên xe máy, trong khi nơi đây hoàn toàn không có sóng điện thoại để gọi cầu cứu.
Một cây gỗ lớn nằm trong khu vực được đề xuất dự án Đắk R'lấp 1
Chưa khi nào chúng tôi rơi vào trạng thái hoang mang như thế. Dù hằng ngày băng rừng tuần tra nhưng lúc đó, anh Nguyên cũng thừa nhận rất bối rối. Chúng tôi uống nước suối để lấy sức. Trời sập tối, khi những cơn mưa rừng bắt đầu nặng hạt thì ai nấy đều mệt lả, người đầy thương tích do té ngã. Chỉ cần dừng chân nghỉ 30 giây là muỗi, vắt rừng lao tới.
Không còn sức để cắt rừng, anh Nguyên dẫn mọi người men theo khe suối để hy vọng đến được bờ sông, nơi anh nhớ có 1 chòi đánh cá. Tuột xuống khe suối đầy đá nhọn khoảng 100 m, anh vui mừng hét lên: "Sống rồi anh em ơi! Ống dẫn nước của chòi đánh cá đây rồi"...
Tại chòi đánh cá trên sông Đồng Nai, một người dân cho chúng tôi mượn đèn pin rồi chỉ đường. Ra được đến vị trí để xe máy, chúng tôi đã thấy nhiều cán bộ quản lý - bảo vệ rừng và người dân mang nước, đồ ăn định vào tìm cứu cả nhóm.
Những ảnh hưởng không mong muốn
Sáng hôm sau, chúng tôi lại tìm đường vào vị trí dự kiến là lòng hồ thủy điện Đắk R’lấp 1. Lần này, nhóm phải thuê thêm 2 người địa phương quen rừng để đưa đi.
Đứng trên bãi đất bồi có chòi đánh cá của ông Nông Văn Lực giữa sông Đồng Nai - nơi dự kiến xây hồ thủy điện Đắk R’lấp 1, chúng tôi quan sát thấy một bên là rừng phòng hộ Nam Cát Tiên với vô số cây 2-3 người ôm mọc san sát nhau ở mép sông; một bên là VQG Cát Tiên với mật độ cây cối còn dày hơn. Trước cảnh này, ai cũng khó hiểu với lý do đề xuất xây dựng thủy điện ở đây.
Theo cán bộ kiểm lâm, nếu vì thủy điện mà phải “khai tử” những cổ thụ thế này thì thật xót xa. Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Trên đường đi, chúng tôi gặp cả rắn hổ chúa ra phơi nắng. Anh Nguyên bảo khu vực này được quản lý nguyên vẹn, có nhiều loại gỗ quý như còng, hồng đào. "Trước đây, dự án xây dựng nhà máy thủy điện 6 và 6A đã bị Chính phủ loại bỏ. Giờ nếu triển khai 3 nhà máy thủy điện Đắk R’lấp thì…" - anh bỏ lửng câu nói.
Những ngày kế tiếp, chúng tôi tiếp tục hành trình sang tỉnh Lâm Đồng để tiếp cận vị trí đề xuất xây dựng thủy điện Đắk R’lấp 2. Vượt hơn 200 km từ TP Đà Lạt để đến Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, đi thêm 30 km nữa thì chúng tôi tới Trạm Kiểm lâm Bù Sa. Sau khi các cán bộ kiểm lâm định vị đúng tọa độ dự án thủy điện Đắk R’lấp 2, chúng tôi luồn vào rừng. Rừng ở đây rậm rạp, chỉ đi chậm khoảng chục bước chân đã không thấy bóng người phía trước.
Đứng tại tọa độ ghi trong hồ sơ dự án thủy điện Đắk R’Lấp 2, ông Đinh Quốc Huy, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Cát Tiên, khẳng định rừng ở đây đều nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên. 3 khu vực đề xuất làm dự án thủy điện này là rừng lá rộng và rừng hỗn giao, rất có giá trị về kinh tế, môi trường và đa dạng sinh học. Việc nhà máy thủy điện mọc lên sẽ tác động đến môi trường, ảnh hưởng hệ sinh thái động, thực vật nơi đây.
Cây sao hơn 100 năm tuổi nằm trong khu vực đề xuất dự án thủy điện Đắk R'lấp 2
Chỉ vào gốc sao 2 người ôm không xuể bên cạnh, ông Huy cho biết cây này phải hơn 100 tuổi mới có được đường kính lớn như vậy. Nếu vì thủy điện mà phải "khai tử" những cổ thụ như thế thì thật xót xa, không biết bao giờ mới tìm lại được.
Lo thay, những cánh rừng tuyệt đẹp!
Để tiếp cận vị trí đề xuất dự án thủy điện Đắk R’lấp 3 thuộc xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi không thể xuôi theo dòng sông với nhiều ghềnh thác. Cả nhóm phải chọn hướng xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước - cách Trạm Kiểm lâm Bù Sa hơn 100 km.
Từ bờ sông bên Bình Phước nhìn sang bên kia là cả 1 khu rừng xanh mướt của VQG Cát Tiên. Không thể lội qua vì sông sâu và nước chảy xiết, chúng tôi buộc phải quay về thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng. Trên đường, may mắn chúng tôi gặp anh Điểu Truyền, người dân tộc Châu Mạ. Truyền cho biết chỉ có thể đến được vị trí đề xuất dự án thủy điện Đắk R’lấp 3 bằng thuyền. Chúng tôi nhờ Truyền dẫn đường và 1 lần nữa may mắn, được anh đồng ý dù đang mùa làm rẫy.
Khu vực dự kiến làm thủy điện có cây rừng phong phú, sinh thái đa dạng. Ảnh: HOÀNG HẢI
Chở nhiều người, chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ mỏng manh của Truyền dường như quá sức chịu đựng nên chênh vênh, nước tràn vào. Nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng qua được sông, đến vị trí cần đến.
Chúng tôi cho flycam bay quanh khu vực chấm tọa độ của dự án thủy điện Đắk R’lấp 3 khoảng 2-3 km. Ở đây là vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh, phía trái sông Đồng Nai (tính từ thượng nguồn về) là rừng của VQG Cát Tiên, phía phải sông là rừng phòng hộ thuộc huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông và huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Khu vực này có một con suối lớn đổ ra sông Đồng Nai và cũng là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Đắk Nông - Bình Phước. Hai bên suối là 2 quả đồi lớn với những cánh rừng nguyên sinh. Nếu đặt thủy điện ở đây thì đồng nghĩa cả khu vực rừng rộng lớn thuộc 3 tỉnh sẽ chìm dưới nước.
Chúng tôi đang say sưa ngắm những cánh rừng tuyệt đẹp thì Điểu Truyền gọi lớn với nét mặt lo lắng khi nước sông lên nhanh do thủy điện từ thượng nguồn đang xả nước, sợ không về được. Chúng tôi rời đi trong tâm trạng bâng khuâng, cảm xúc nôn nao rất khó tả...
Khu rừng nằm trong vị trí đề xuất dự án thủy điện Đắk R'lấp 2
Nơi phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cát Tiên cho hay khu vực đề xuất quy hoạch 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 là nơi từng phát hiện nhiều loài động vật nguy cấp quý hiếm nhóm IB như: sơn dương, tê tê, vọc chà vá chân đen, vượn, kỳ đà vân... và các loài nhóm IIb như: cheo, cầy vòi hương, kỳ đà hoa...
Theo ông Đinh Quốc Huy, đây là khu vực chưa bị tác động bởi con người nên nếu triển khai máy móc, công trình, đường sá đi vào làm thủy điện thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các loài thú tự nhiên.
(Điều tra riêng của Báo Người Lao Động, mọi hình thức sao chép phải được sự đồng ý)
Bình luận (0)