Hầu như mọi trạm thu phí BOT nằm chắn ngang con đường quốc lộ khi đi vào vận hành đều vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân, những người sử dụng phương tiện phải móc hầu bao, trả thêm một khoản tiền không nhỏ mà họ cho rằng không sòng phẳng và minh bạch. Những trạm thu phí BOT này dù nằm ở địa phương hay nhà đầu tư nào đều có chung điều bất cập mức phí cao và sai vị trí.
Bất bình về mức phí cao một thì người dân bất bình gấp bội về vị trí đặt trạm thu phí mà như tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã phải thốt lên rằng thu phí kiểu "trấn lột". Người dân khi điều khiển phương tiện trên đường đã phải trả nhiều loại thuế và phí, trong đó có phí bảo trì đường bộ. Thế nhưng, khi đi trên nhiều con đường mang danh quốc lộ, họ vẫn bị những trạm thu phí BOT ách lại thu thêm tiền.
Những bất cập của các trạm thu phí BOT, vốn là căn nguyên gây ra những xung đột lợi ích và bức xúc xã hội, đã được chỉ rất rõ trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết luận của Thanh tra Chính phủ, kiểm toán… Theo đó, nhiều dự án BOT có "vấn đề" từ khâu quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, mức đầu tư… cho tới thời gian thu phí, vận hành dự án. Tất cả những điều này, thay vì được cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trong lĩnh vực giao thông - Bộ GTVT giải quyết rốt ráo, công khai và minh bạch lại bị đùn đẩy, dây dưa kéo dài.
Từ khi "quả bóng" BOT căng phồng bởi nhiều dồn nén, biện pháp "xì hơi" duy nhất mà Bộ GTVT áp dụng cho mọi trạm thu phí bị phản ứng là giảm mức phí. Trong khi điều cốt lõi gây ra những hệ lụy không mong muốn là vị trí đặt trạm thu phí BOT lại không được giải quyết. Giảm mức phí, rút ngắn thời gian thu phí chỉ là liều thuốc giảm đau, xoa dịu chứ tuyệt nhiên không thể giải quyết được căn nguyên dẫn tới vấn đề BOT hiện nay.
Để không còn cảnh tài xế dùng tiền lẻ, treo biểu ngữ phản ứng… thì giải pháp căn cơ không gì khác là làm minh bạch mọi vấn đề liên quan tới dự án BOT, nhất là đưa trạm thu phí về đúng vị trí của nó. Chính vì thế, việc Bộ GTVT với trách nhiệm quản lý ngành của mình mà cho tới nay chưa vào cuộc để giải quyết hữu hiệu vấn đề BOT là điều rất khó hiểu? Vì lý do, nguyên nhân gì mà Bộ GTVT chưa thực thi trách nhiệm được giao của mình?
Cho ý kiến về một kết luận của Thanh tra Chính phủ đầu tháng 10 này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ rõ Bộ GTVT chịu trách nhiệm chung, toàn diện trong công tác quản lý nhà nước về các tồn tại, bất cập trong thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải theo hình thức BT, BOT.
"Quả bóng" BOT rõ ràng đang trong "chân" của Bộ GTVT chứ không phải ai khác. Đó cũng sẽ là vấn đề được đưa Quốc hội, theo lời của vị trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk.
Bình luận (0)