xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giao lưu trực tuyến: Làm sao để người bệnh là "thượng đế"?

N.Dung

(NLĐO)- Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng đưa ra thông điệp: Xem người bệnh là khách hàng và phục vụ họ như thượng đế. Tuy nhiên, đường dây nóng ngành y tế thời gian qua vẫn còn nhận không ít phàn nàn, bức xúc.


Giao lưu trực tuyến: Làm sao để người bệnh là thượng đế? - Ảnh 1.

"Nếu xem bệnh nhân là khách hàng thì phải phục vụ như thượng đế"- Bộ trưởng Bộ Y tế

Làm thế nào để nâng cao chất lượng bệnh viện nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của người dân? Vấn đề này sẽ được giải đáp chi tiết trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân" được tổ chức từ 9 giờ đến 11 giờ ngày 22-9, tại hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM.

Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham gia của các khách mời: 

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ truyền thông, Bộ Y tế 

PGS-TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội)

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Lương Hoàng Liêm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP HCM

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, TP HCM

Kính mời độc giả đặt câu hỏi!

Ngoc Hien

  09:32 ngày 22/09/2017

Sinh con là điều thiêng liêng và là mối quan tâm của nhiều người nhất. Tuy nhiên, khi đưa người đi sinh, đặc biệt khi bất đắc dĩ phải đưa vào bệnh viện không phải chuyên khoa là nỗi lo lắng, hồi hộp từng giây từng phút. Các bệnh viện tuyến quận có thể chủ động chuyên môn để xử trí vấn đề sinh nở, ngăn chặn tai biến sản khoa trong những giờ phút căng thẳng nhất?

Bác sĩ Trần Văn Khanh

Xin cảm ơn chị đã quan tâm. Hiện nay, các bệnh viện quận, huyện trên cả nước là bệnh viện đa khoa. Trong đó, ngành Y tế Việt Nam đã từng bước đầu tư các chuyên khoa sâu, trong đó có khoa sản và khoa nhi tại các bệnh viện này. Do đó, khi chị đến các bệnh viện này, bộ phận tiếp nhận sẽ tư vấn và khám theo chuyên khoa cho chị. Hiện các bệnh viện quận, huyện được đầu tư đội ngũ và trang thiết bị khá tốt, đầy đủ để chẩn đoán và điều trị tốt chuyên khoa sản.

Trong trường hợp vượt quá khả năng điều trị, bệnh viện sẽ chuyển tuyến lên bệnh viện chuyên khoa tuyến trên. Trong trường hợp cấp cứu vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện tuyến quận, huyện mà việc chuyển tuyến không an toàn, chúng tôi sẽ khởi động quy trình "báo động đỏ liên viện" để các bệnh viện tuyến trên đến hỗ trợ ngay lập tức.

Xin chúc chị luôn đặt niềm tin ở bệnh viện quận huyện và kỳ sinh nở này sẽ "mẹ tròn con vuông". Chị có thể trao đổi thêm với chúng tôi qua địa chỉ e-mail bv.q2@tphcm.gov.vn để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Khang

  09:32 ngày 22/09/2017

Đôi khi chúng tôi rất muốn đi khám ở bệnh viện gần nhà nhưng lại lo nếu lỡ mình bệnh nặng, bệnh viện tuyến dưới do không đủ khoa chuyên sâu xử lý không được thì sao. Vì vậy, tôi cố đăng ký ở bệnh viện tuyến trên, dù đôi khi cũng mệt vì bệnh viện tuyến trên đông quá. Xin hỏi quý bệnh viện quận/huyện có phương án gì để người dân thực sự yên tâm và thú hút mọi người mạnh dạn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bệnh viện gần nhà?

Ông Nguyễn Trọng Khoa

Những lo lắng của độc giả cũng hoàn toàn giống tâm lý của nhiều độc giả khác, chưa tin tưởng vào khả năng năng lực của bệnh viện tuyến dưới. Điều này cũng dễ hiểu, tuy nhiên trong thời gian vừa qua các bệnh viện tuyến duới đã có rất nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng phục vụ, năng lực chuyên môn, để phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn thông qua việc chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho chuyến dưới, cải tiến chất lượng khám chữa bệnh.

Việc khám chữa bệnh ban đầu ở các bệnh viện tuyến dưới là cần thiết, vì nếu tất cả đều dồn lên tuyến trên sẽ làm quá tải bệnh viện, điều đó sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ. Trong trường hợp này nếu người bệnh đến khám tại bv Huyện mà tình trạng vượt quá khả năng bv tuyến dưới thì sẽ chuyển lên Bv tuyến trên. Độc giả không nên quá lo lắng về vấn đề này.

 

Tuấn Minh

  09:34 ngày 22/09/2017

Tôi thấy đi khám bệnh giá cả rất đắt đỏ nhưng chất lượng vẫn còn hạn chế. Xin được hỏi ông Hệ, theo ông chất lượng bệnh viện hiện đã tương xứng với mức phí người dân bỏ ra để khám chữa bệnh?

PGS Đồng Văn Hệ

Do mặt bằng chung của khu vực giá dịch vụ y tế của Việt Nam không phải là cao khi so sánh với tỉ lệ thu nhập bình quân/người/năm. Chẳng hạn một ca mổ nội soi cắt u tuyến yên tại BV Việt Đức có giá khoảng 1.000 USD, tuy nhiên tại Singgapore, một ca mổ tương tự giá từ 40.000- 45.000 USD, và thu nhập của người dân ở đây gấp 20 lần người dân Việt Nam.

Vũ Minh Toàn

  09:38 ngày 22/09/2017

Tại sao các BV tuyến trên thường xuyên quá tải còn BV tuyến dưới dù được đầu tư máy móc, xây mới cơ sở nhưng vẫn “vắng khách”?

Ông Nguyễn Đình Anh

Thực ra, chỉ có một số chuyên khoa như ngoại, chấn thương, sản, nhi, ung thư ở các bệnh viện tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội là quá tải do tuyến dưới chuyển lên tuyến trên. Hầu hết các bệnh nặng, điều trị lâu khỏi, tâm lý người bệnh mong muốn chuyển viện lên tuyến trên. Mặt khác, do điều kiện đi lại hiện nay cũng thuận tiện hơn, đời sống kinh tế người dân cao hơn, quan tâm đến sức khoẻ nhiều hơn nên mong muốn đi lên những tuyến trên để có chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn.

Còn việc nói BV tuyến dưới được đầu tư máy móc, xây mới cơ sở nhưng vẫn vắng bệnh nhân chưa thực sự hoàn toàn chính xác. Bởi vì, để làm được những kỹ thuật cao đòi hỏi phải đầu tư thiết bị, đào tạo nhân lực có trình độ. Rất nhiều bệnh viện tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh vẫn chưa được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị kỹ thuật cao.

Hiện nay, Bộ Y tế đang đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật cho tuyến tỉnh, tuyến huyện và thiết lập các bệnh viện vệ tinh để giúp cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp cận được các dịch chất lượng cao.

Vũ Văn Trình

  09:45 ngày 22/09/2017

Quá tải BV vẫn là thực trạng chung của nhiều BV chuyên khoa, tuyến cuối và cả tuyến tỉnh. Đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh phải gánh chịu những tai biến y khoa hay không?

Ông Nguyễn Trọng Khoa

Hiện nay, vẫn còn một số BV luôn trong tình trạng quá tải, nhất là một số bv tuyến cuối và bv chuyên khoa. Đây là một trong những nguyên nhân dễ phát sinh tai biến y khoa, do nhân viên y tế phải làm việc với một cường độ lớn dễ dẫn tới mệt mỏi, gây nên tình trạng quên hoặc nhầm lẫn có thể là một nguyên nhân gây tai biến. Người bệnh phải nằm ghép cũng dễ gây nên tình trạng lây nhiễm chéo, nhầm lẫn người bệnh khi cung cấp dịch vụ. Môi trường bv cũng khó được đảm bảo về công tác vệ sinh, an ninh trật tự... Vì vậy, việc giảm quá tải đòi hỏi cần phải triển khai quyết liệt và đồng bộ với nhiều giải pháp khác nhau.

Minh Quân

  09:49 ngày 22/09/2017

Cháu tôi bị chệch khớp tay, trước đây mổ ở BV tỉnh Nghệ An nhưng vẫn bị lệch nên ra BV Việt Đức mổ lại. Nhưng BV cứ hẹn hết lần này đến lần khác, ít nhất 3 lần. Rồi hỏi thẳng nếu muốn mổ sớm phải mổ dịch vụ. Cho tôi hỏi, vậy phải chăng ở Việt Đức giờ chỉ mổ cấp cứu, còn tất cả các ca mổ thông thường muốn mổ đúng lịch đều phải chuyển sang mổ dịch vụ?

PGS Đồng Văn Hệ

Hiện tại, phần lớn những bệnh nhân có chỉ định mổ ở Việt Đức được thực hiện theo kế hoạch và mổ cấp cứu. Chỉ một số ít những trường hợp mổ theo kế hoạch mới là mổ theo yêu cầu và tỉ lệ mổ theo yêu cầu tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế. Trường hợp cụ thể của cháu bác có thể là trường hợp khó, nên phải hội chẩn với nhiều chuyên ngành trước khi lên lịch mổ... Một số trường hợp khó phải được hội chẩn nhiều lần hoặc cho nằm viện một thời gian trước khi quyết định phẫu thuật. Nếu đến thời điểm này người nhà bác vẫn chưa được phẫu thuật, bác có thể tới bệnh viện gặp trực tiếp tôi hoặc cung cấp thông tin cho bệnh viện qua đường dây nóng bệnh viện để chúng tôi xem xét trả lời bác trong thời gian sớm nhất.

Vũ Minh Toàn

  09:50 ngày 22/09/2017

Từng là một bệnh nhân, cá nhân tôi thấy đến nay các BV đã thay đổi rất nhiều, nhất là tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế, tiếp đến là môi trường cảnh quan bệnh viện. Dĩ nhiên cảnh xếp hàng dài chờ mua phiếu khám thì vẫn chưa thể chấm dứt nhưng thời gian khám đã nhanh hơn, những người không “quen biết” với bác sĩ đã không phải khó chịu vì bị chen ngang, bệnh nhân nhập viện không phải nằm ghép nhưng cảnh chờ mổ, chờ khám, chờ xét nghiệm thì vẫn còn phổ biến. Vậy bao giờ tình trạng này sẽ chấm dứt?

PGS Đồng Văn Hệ

Quá tải bệnh viện hiện nay một phần là do tâm lý của người bệnh thích lên tuyến trên khám chữa bệnh trong khi với nhiều bệnh lý thông thường hoàn toàn có thể khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Thực tế các BV tuyến trung ương đã đầu tư rất mạnh cho cơ sở vật chất và tăng số giường bệnh và nhân viên y tế gấp nhiều lần so với trước đây. Tại BV Việt Đức, số nhân lực và giường bệnh, phòng mổ, máy móc phục vụ cho việc khám chữa bệnh, thăm dò... đã gấp 4 lần so với 20 năm trước đây nhưng vẫn còn tình trạng dồn ứ, quá tải.

Viet

  09:51 ngày 22/09/2017

Tôi muốn hỏi bác sĩ Khanh, BV Quận 2, có phải BV cứ áp dụng nhiều kỹ thuật mới, y tế chuyên sâu trong khám chữa bệnh sẽ càng thu hút người bệnh hay không? Với BV Quận 2, vấn đề chuyên môn được cập nhật như thế nào?

Bác sĩ Trần Văn Khanh

Xin cám ơn chị về câu hỏi. Bệnh viện Quận 2 là một bệnh viện đa khoa hạng 2 ở cửa ngõ phía Đông TP HCM, với quy mô 450 giường, công suất sử dụng giường bệnh 96%. Bệnh viện được đầu tư khá đồng bộ với 45 khoa, phòng (620 nhân viên, 198 bác sĩ, đa số có trình độ sau đại học). Bệnh viện là bệnh viện đa khoa, tập trung vào các chuyên khoa sâu như: mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, sản phụ khoa, tim mạch, hô hấp, thận nhân tạo...; thực hiện nhiều kỹ thuật cao như mổ mắt Phaco, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, phẫu thuật thần kinh sọ não, thay khớp gối - khớp háng, các kỹ thuật chuyên sâu trong hồi sức cấp cứu... Chúng tôi cũng trang bị nhiều thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất tốt, đội ngũ chuyên môn lành nghề, được tập huấn về cách ứng xử, giao tiếp với bệnh nhân, giá cả các dịch vụ khám chữa bệnh hợp lý...

Ngoài ra, Bệnh viện Quận 2 cũng nhận được sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện lớn trong TP HCM như Bệnh viện Ung Bướu, Từ Dũ, Nhi Đồng 2, Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược...

Bệnh viện luôn chú trọng đến vấn đề đào tạo và nghiên cứu khoa học, bao gồm đào tạo trong và ngoài nước, cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới của các nước tiên tiến trên thế giới và đã ứng dụng thực tiễn vào công tác chuyên môn tại bệnh viện.

Nguyễn Đình Quyền

  09:52 ngày 22/09/2017

Chấm điểm bệnh viện có phải là cách để các BV nâng cao chất lượng BV không thưa ông Nguyễn Trọng Khoa? Làm thế nào để người bệnh có thể giám sát chất lượng BV?

Ông Nguyễn Trọng Khoa

Chất lượng bệnh viện là hoàn toàn có thể đo đếm được thông qua những tiêu chí, chỉ số cụ thể. Chấm điểm BV là một trong những phương pháp đo lường chất lượng dịch vụ. Bộ Y tế đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV nhằm đưa ra thước đo cụ thể để các BV tự đánh giá, trên cơ sở đó từng bước cải tiến chất lượng dịch vụ.

Người bệnh hiện nay có thể tham gia bằng nhiều kênh khác nhau để giám sát và đóng góp nâng cao chất lượng BV. Cụ thể, người bệnh đóng góp thông qua hộp thư góp ý của BV, thông qua đường dây nóng, trả lời bảng khảo sát hài lòng người bệnh, góp ý trực tiếp cho bộ phận tiếp nhận ý kiến người dân của BV.

Một bác sĩ

  09:53 ngày 22/09/2017

Có ý kiến cho rằng áp lực ở bệnh viện công quá lớn, đòi hỏi của bệnh nhân quá nhiều, lại không tương thích với thu nhập dẫn đến "chảy máu" bác sĩ giỏi ra bệnh viện tư. Theo ông, làm thế nào để giữ chân bác sĩ giỏi vốn là điều kiện tiên quyết để có chất lượng khám chữa bệnh tốt, giữ chân được khách hàng?

PGS Đồng Văn Hệ

Đã chọn nghề y ai cũng muốn chữa bệnh cứu người, theo tôi môi trường làm việc công hay tư không phải là vấn đề quan trọng vì mục đích cao cả nhất của nghề y là chữa được bệnh, cứu được người bệnh. Bạn là bác sĩ, bạn làm ở phòng mạch tư, bệnh viện công hay bệnh viện tư thì cũng là cứu người, vậy không có gì khác nhau cả.

Nguyen Manh

  09:55 ngày 22/09/2017

Nghe thông tin rằng Bệnh viện Quận Thủ Đức sẽ phát triển bệnh viện hạng 1, trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, chuyên sâu và có cả bãi đáp trực thăng. Vậy, tiến độ đến nay như thế nào?

Bác sĩ Lương Hoàng Liêm

Hiện tại, Bệnh viện quận Thủ Đức là bệnh viện hạng 1 được Bộ Y tế công nhận từ năm 2014. Từ đó đến nay, bệnh viện liên tục phát triển để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Với mục tiêu phát triển thành bệnh viện đa khoa chuyên sâu hoàn chỉnh, bệnh viện cũng đã làm thủ tục xin được mở rộng, nâng cấp, xây dựng thêm khu điều trị quy mô 19 tầng. Hồ sơ thủ tục đang trong giai đoạn hoàn tất, dự kiến đầu năm 2018 sẽ đấu thầu xây dựng và khởi công vào quý 3-2018.

Diệu Linh

  09:57 ngày 22/09/2017

Coi bệnh nhân - khách hàng là thượng đế nhưng các thượng đế ngày càng đòi hỏi cao, thậm chí đòi hỏi vô lý, thiếu hiểu biết, thiếu tình người. Có người đòi hỏi không được thì mắng chửi, đánh đập nhân viên y tế. Trong các ngành nghề khác như hàng không có thể cấm bay. Theo ông, có nên "cấm khám bệnh" với các đối tượng đánh đập, hành hung bác sĩ hay cần phải xử lý họ như thế nào để có thể hạn chế các vụ hành hung bác sĩ tiếp theo?

Ông Nguyễn Đình Anh

Đối với ngành y, mục đích tối thượng là chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Người bệnh đến với bệnh viện, bác sĩ với mong muốn được khám, chữa khỏi bệnh. Còn việc hành hung nhân viên y tế cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm theo pháp luật. Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nhiệm vụ của bác sĩ, nhân viên y tế là khám chữa bệnh cứu người, còn việc đảm bảo an ninh, an toàn cho bác sĩ, nhân viên y tế là việc của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Những người nào gây rối, tấn công bác sĩ cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Nguyên

  09:58 ngày 22/09/2017

Chất lượng bệnh viện ở Việt Nam đang ở vị trí nào so với khu vực? Hạn chế lớn nhất của chất lượng bệnh viện ở Việt Nam là gì thưa ông?

PGS Đồng Văn Hệ

Hiện tại, ở Việt Nam, mỗi năm có hàng chục nghìn người nước ngoài sang chữa bệnh, trong đó có nhiều người tới từ Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc... Họ sang chữa bệnh tại Việt Nam vì chất lượng khám chữa bệnh không thua kém ở nước họ và giá dịch vụ lại rẻ hơn. Hàng năm cũng có hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế từ nước ngoài sang Việt Nam học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, chúng ta không thể so sánh với các nước phát triển. Như vậy, nếu so về chất lượng, ngành y Việt Nam hoàn toàn có thể tự nào nếu so với các nước trong khu vực. Với những phẫu thuật khó như ghép tạng (tim, gan, phổi), phẫu thuật sọ não (vi phẫu thuật, nội soi, điều trị động kinh...), phẫu thuật bụng (nội soi ổ bụng), hồi sức... có trình độ ngang bằng với khu vực.

 

Dan Di

  10:10 ngày 22/09/2017

Nghe nói Bệnh viện quận 2 hợp tác theo hình thức công-tư để xây khu điều trị theo yêu cầu kỹ thuật cao với các phương tiện chẩn đoán hiện đại như: Hệ thống chụp cộng hưởng từ 1,5 Tesla giúp thầy thuốc chẩn đoán sớm, chính xác các bệnh lý tim mạch, cột sống, u tạng trong ổ bụng… hệ thống DSA giúp chẩn đoán và can thiệp động mạch vành, điều trị thuyên tắc mạch máu não, thủ thuật TOCE để điều trị ung thư gan… Như vậy, khi đưa khu này vào sử dụng, người bệnh có chịu trả chi phí cao không. Làm sao biết được để nhà đầu tư mau thu hồi vốn, người bệnh bị áp đặt đẩy qua khám chữa bệnh tại khu này?

Bác sĩ Trần Văn Khanh

Xin cám ơn chị đã quan tâm. Thực hiện chủ trương xã hội hóa về y tế, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của người dân được tốt hơn. Bệnh viện Quận 2 đã được sự chấp thuận của lãnh đạo các cấp và sự đồng thuận của người dân, đầu tư Khu Khám chữa bệnh theo yêu cầu - Kỹ thuật cao, với các trang thiêt bi hiện đại, cơ sở vật chất tốt, đội ngũ chuyên môn sâu, giỏi chuyên môn, giàu y đức; bệnh viện cũng mời các chuyên gia giỏi chyên môn từ các bệnh viện lớn ở TP HCM để điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là tầm soát bệnh, bảo đảm dù là bệnh viện tuyến quận nhưng chất lượng tương đương tuyến thành phố, giá cả hợp lý.

Khi đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP), chúng tôi cũng đã tính toán tới lợi ích của người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế này. Giá cả được công khai, minh bạch, theo quy định của Nhà nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, bệnh viện và nhà đầu tư, vì mục tiêu an sinh xã hội.

Việc sử dụng các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh hoàn toàn mang tính chất tự nguyện, tùy vào nhu cầu của người dân.

Ngọc

  10:11 ngày 22/09/2017

Một vụ tai biến chạy thận do nguồn nước cung cấp cho máy lọc làm 8 người tử vong xảy ra tại khu vực phía Bắc gây chấn động. Bệnh viện quận Thủ Đức đang có nhiều người chạy nhân tạo tại trạm y tế phường. Vậy xin hỏi có đảm bảo được không tránh những rủi ro này?

Bác sĩ Lương Hoàng Liêm

Hiện nay, bệnh nhân được chạy thận nhân tạo tại bệnh viện cũng như ở trạm y tế đều được bệnh viện thực hiện đúng quy trình, từ lúc bệnh nhân vào cho đến khi ra viện. Hệ thống, trang thiết bị, nguồn nước... đều được kiểm tra đánh giá định kỳ đạt chuẩn trước khi thực hiện liệu trình chạy thận cho bệnh nhân. Đội ngũ y bác sĩ đảm trách đơn vị thận nhân tạo đều được đào tạo đúng chuyên ngành. Đặc biệt, khi triển khai chạy thận nhân tạo ở trạm y tế thì tất cả các quy trình càng được thực hiện một cách nghiêm ngặt hơn. Cụ thể: bệnh nhân được các cán bộ y tế theo dõi suốt trong quá trình chạy thận, tại trạm cũng được trang bị đầy đủ thuốc chống sốc, xe cấp cứu vận chuyển để cấp cứu kịp thời bệnh nhân trong những trường hợp xảy ra tai biến.

Lê Văn Quyền

  10:14 ngày 22/09/2017

Nhờ sự nỗ lực của ngành y tế mà cái nhìn của người dân về ngành y đã có nhiều “thiện cảm” hơn, song thời gian qua vẫn có hiện tượng một bộ phận nhân viên y tế còn hạch sách người bệnh. Phải chăng do chế tài xử phạt của ngành y tế còn quá nhẹ?

Ông Nguyễn Đình Anh

Ngành y tế đang phát động phong trào đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đây là một chủ trương đúng mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo thực hiện, được người dân ủng hộ. Những vụ việc báo chí và người dân phản ánh thời gian qua chỉ là thiểu số bởi vì mỗi năm ngành y tế khám và điều trị cho 160 triệu lượt bệnh nhân. Cả nước hiện nay có trên 40 vạn nhân viên y tế đang làm việc trên mọi miền tổ quốc. Những phản ánh của người bệnh về thái độ phục vụ của nhân viên y tế thời gian qua giúp ngành y tế chấn chỉnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

 

Ngọc Minh

  10:15 ngày 22/09/2017

Nhiều bệnh viện cơ sở đang có những cú “lột xác” ngoạn mục để thu hút bệnh nhân. Dư luận nói rằng người bệnh đến bệnh viện chỉ cần chữa bệnh tốt là được còn cơ sở vật chất chỉ là vấn đề phụ. Tuy nhiên, với không ít bệnh nhân, môi trường bệnh viện có sạch đẹp thì người bệnh mới yên tâm chữa bệnh? Với vai trò là người quản lý, theo ông vấn đề nào cần đầu tư trước?

Ông Nguyễn Đình Anh

Theo tôi, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chúng ta vừa phải nâng cao chất lượng chuyên môn của nhân viên y tế, vừa đầu tư nâng cao chất lượng trang thiết bị và giữ cho môi trường BV xanh - sạch - đẹp. Chất lượng chuyên môn được nâng lên, đặc biệt ở các tuyến dưới, sẽ giúp cho điều trị hiệu quả, cụ thể là bệnh nhân khỏi bệnh, số ngày nằm viện giảm đi, chi phí điều trị giảm... Đầu tư trang thiết bị giúp thầy thuốc có đầy đủ phương tiện để chẩn đoán và điều trị tốt. Môi trường xanh - sạch - đẹp trong bệnh viện giúp không gian bệnh viện sạch sẽ, chống lây chéo bệnh viện. Đặc biệt, khu vệ sinh trong bệnh viện cần đảm bảo sạch sẽ, điều này ngoài sự đầu tư, quản lý của bệnh viện, đòi hỏi ý thức giữ gìn vệ sinh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Nguyen Ngoc Dung

  10:16 ngày 22/09/2017

Bệnh viện quận 2 có Khoa vệ tinh của BV Ung bướu đặt tại đây. Mặc dù đã khánh thành nhưng chưa hoàn thiện về thiết bị và cơ sở hạ tầng nên rất khó khăn khi chuyển bệnh nhân qua điều trị. Vậy, xin hỏi hiện khoa này đã đầy đủ về thiết bị, con người để tiếp nhận bệnh nhân ung thư chưa?

Bác sĩ Trần Văn Khanh

Xin cảm ơn chị đã quan tâm. Khoa vệ tinh của Bệnh viện Ung Bướu được đặt tại Bệnh viện Quận 2 đã khánh thành và đưa vào sử dụng với đầy đủ đội ngũ cán bộ y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị... sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đến khám và điều trị của người dân.

 

(Linh, nhân viên y tế, Hà Nội)

  10:18 ngày 22/09/2017

Nhân viên y tế bây giờ "hở" một cái là bị quay clip, chụp ảnh tung mạng xã hội, khiến họ hết sức căng thẳng. Thật ra, cũng có những lúc vì mệt mỏi, căng thẳng mà nhân viên y tế sơ suất(ví dụ vụ bác sĩ Minh ở BV mắt đưa chân lên ghế trả lời bệnh nhân và bị quay clip). Xin hỏi, lời khuyên nào dành cho nhân viên y tế trong hoàn cảnh phải "căng thẳng mọi lúc" như vậy?

PGS Đồng Văn Hệ

Tôi rất chia sẻ với những áp lực mà bạn cũng như các đồng nghiệp của tôi đang phải chịu đựng ở thời điểm hiện tại. Tôi cho rằng truyền thông và dư luận cũng nên có cái nhìn công bằng với nghề y. Mối quan hệ giữa cán bộ ngành y với bệnh nhân và gia đình bệnh cần phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng, thấu hiểu, chia sẻ và theo đúng quy định của pháp luật. Trong lúc yêu cầu khám chữa bệnh đòi hỏi ngày càng cao hơn, các cơ sở y tế cũng cần có những biện pháp để bảo vệ nhân viên y tế, tạo môi trường làm việc thuận lợi để các y bác sĩ yên tâm làm việc.

Hải Phương

  10:28 ngày 22/09/2017

Bộ Y tế có kế hoạch truyền thông như thế nào để người dân thấy sự thay đổi của y tế cơ sở? Tôi thấy nhiều bệnh viện tuyến dưới thực hiện được nhiều ca bệnh khó, nhưng người dân không biết, cứ có bệnh lại đổ về tuyến trên?

Ông Nguyễn Đình Anh

Hằng năm, Bộ Y tế đều có kế hoạch truyền thông để hướng dẫn sở y tế và các bệnh viện thuộc Bộ Y tế triển khai các hoạt động truyền thông, giúp cho người dân nâng cao kiến thức về phòng chữa bệnh và biết các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về y tế.

Đối với vấn đề y tế cơ sở, theo phân cấp quản lý của Luật tổ chức chính quyền địa phương, UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Sở y tế và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ, đặc biệt là hệ thống truyền thông ở địa phương như các đài phát thanh - truyền hình, cơ quan báo chí. Truyền thông cấp tỉnh, huyện cần tuyên truyền các kiến thức về phòng chống bệnh tật, chăm sóc sức khoẻ, chính sách của Đảng, Nhà nước về y tế và những thành tựu của y tế địa phương để người dân biết.

Quốc Tuấn

  10:29 ngày 22/09/2017

Gặp "khách hàng" có hành vi xúc phạm thầy thuốc vậy chúng tôi có quyền từ chối điều trị không? Bệnh viện có được cho những “khách hàng” này vào “danh sách đen” để sử dụng quyền "cấm bay" như hàng không hay không thưa ông Khoa?

Ông Nguyễn Trọng Khoa

Dịch vụ y tế khác với dịch vụ hàng không bởi tính nhân văn của nó. Ngành y tế không được từ chối khám chữa bệnh bất kể đó là ai, dù họ có hành vi bạo hành và xúc phạm thầy thuốc. Tuy vậy, với những khách hàng này cũng cần quản lí đặc biệt nhằm bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế. Với những hành vi như vậy thì phải được nghiên cứu, bổ sung vào bộ luật hình sự, coi như một tình tiết tăng nặng bởi tính đặc thù ở môi trường y tế, các y bác sĩ không được phép có hành vi phản kháng. Ngoài những hành vi hình sự thì tuỳ vào mức độ vi phạm có thể xử phạt hành chính.

Vũ Thị An

  10:29 ngày 22/09/2017

Tôi có nghe nói đến việc các bệnh viện công lập bố trí các máy ghi nhận những ý kiến không hài lòng của bệnh nhân. Vậy khi chúng tôi phản ánh vào máy này, phản ánh của chúng tôi sẽ đi đến đâu, ai tiếp nhận và xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Anh

Ý kiến phản ánh của người bệnh có thể được gửi bằng hộp thư góp ý tại bệnh viện. Những ý kiến này sẽ được lãnh đạo bệnh viện trực tiếp xem xét và trả lời. Ngoài ra, người bệnh có thể phản ánh qua đường dây nóng. Các số điện thoại của đường dây nóng được công khai trong các bệnh viện. Cụ thể, người bệnh có thể gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo bệnh viện hoặc gọi đến số máy của Sở y tế nếu ở các bệnh viện tuyến dưới. Người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân cũng có thể gọi đến số đường dây nóng của Bộ Y tế: 19009095. Sau khi tiếp nhận được ý kiến phản ánh, bộ phận trực sẽ kiểm tra và xử lý.

Ngọc Ẩn

  10:30 ngày 22/09/2017

Tâm lý của bà con là muốn khám bệnh gần nhà nhưng vì không tin tưởng BV tuyến dưới nên hay “chạy” về trung ương. Làm thế nào để BV không mất bệnh nhân, nhất là khi tỉ lệ phủ BHYT ngày càng rộng và các BV cũng cần có nguồn thu từ người bệnh BHYT?

Ông Nguyễn Trọng Khoa

Để không mất bệnh nhân hoặc không để bệnh nhân phải lên tuyến trên thì bắt buộc phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Chất lượng là sự sống còn của bệnh viện trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ và người dân có quyền lựa chọn cơ sở có chất lượng. Điều này lệ thuộc rất nhiều vào năng lực quản lý của lãnh đạo BV cũng như sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương.

Vũ Vinh

  10:31 ngày 22/09/2017

Tôi bị bệnh hen mãn tính tháng nào cũng đi bệnh viện khám lấy thuốc. Bác sĩ khám chỉ 10 phút nhưng thời gian đợi chờ xếp hàng lấy số, đến lượt khám cũng hơn 3 tiếng. Để nâng cao chất lượng, Bộ Y tế có tính phương án hẹn giờ khám cho những người bệnh khám định kỳ như tôi được không? Là người dân nghèo, không có tiền ra bệnh viện tư, nên phải vào bệnh viện công khám, nhưng thực sự chúng tôi thấy oải nhất khi khám bệnh viện tuyến trung ương. Xin hỏi Bộ Y tế có giải pháp gì để người bệnh đỡ mệt mỏi khâu chờ đợi?

Ông Nguyễn Trọng Khoa

Thời gian qua, các BV đã có nhiều cải tiến trong việc giảm thời gian chờ của người bệnh như rút ngắn quy trình khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian chờ xét nghiệm và đặc biệt như độc giả nêu một số bệnh viện đã ứng dụng phương pháp hẹn giờ khám qua điện thoại, email để giảm bớt thời gian chờ đợi cho người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải có sự phối hợp của BV với nhà cung cấp dịch vụ và đặc biệt là với người bệnh.

Trần Quang Vinh, Hà Nội

  10:31 ngày 22/09/2017

Xin chào các bác sĩ. Tôi thấy nâng cao chất lượng bệnh viện đang là mối quan tâm không chỉ của ngành y tế mà còn là mong mỏi của tất cả người dân Việt Nam khi hệ thống bệnh viện, dịch vụ khám chữa bệnh chưa được như mong đợi. Vậy, Bộ Y tế và các BV đang làm gì để người bệnh bớt đi nỗi sợ khi đến BV?

Ông Nguyễn Trọng Khoa

 Chất lượng khám chữa bệnh là mối quan tâm chung của mọi người dân cũng như toàn ngành y tế. Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp nên việc đầu tư cho y tế vẫn còn khó khăn, không thể so sánh với các nước phát triển được. Tuy nhiên, cải thiện chất lượng là việc mà ngành y tế luôn luôn phải nỗ lực để từng bước đáp ứng mong mỏi của người dân. Trong thời gian, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như: Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp một số BV; xây dựng chương trình hành động quốc gia về nâng cao chất lượng quản lí khám chữa bệnh; thiết lập hệ thống quản lí chất lượng từ cấp Bộ đến các cơ sở; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ số chất lượng làm căn cứ cho việc đo lường và cải tiến chất lượng; đổi mới phong cách thái độ phục vụ; phát động phong trào bBV xanh sạch đẹp; đo lường sự hài lòng của người dân về chất lượng phục vụ. Sau một thời gian ngắn triển khai đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Tuy vậy, cũng cần phải có thời gian và có sự phối hợp hỗ trợ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền cũng như sự hợp tác của người dân.

Nguyễn Thị Thu Hương

  10:31 ngày 22/09/2017

Người dân đôi khi rất ngại đến bệnh viện công vì không gian đông đúc, xô bồ (sợ móc túi, hành lang nhiều người nằm ngồi, có gì thắc mắc hay lạc đường không biết hỏi ai, nhà vệ sinh không sạch sẽ…). Bệnh viện của ông/bà có phương án nào kiểm soát các vấn đề này không?

PGS Đồng Văn Hệ

Tại Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi đã có hẳn một bộ phận là phòng công tác xã hội. Hàng ngày, gần 20 nhân viên của phòng từ 6 giờ sáng đã có mặt ở khu vực khám bệnh để hướng dẫn người dân làm các thủ tục khám chữa bệnh. Cùng đó, bệnh viện đã tăng cường nhân lực bảo vệ, lắp camera an ninh tại các khu vực khám chữa bệnh để tăng cường giám sát và phát hiện kịp thời các hành vi trộm cắp, móc túi. Bệnh viện cũng liên tục thông báo trên loa, tờ rơi để người bệnh cảnh giác và hợp tác với bệnh viện nhằm ngăn chặn những vụ việc này.

Phạm Văn An

  10:32 ngày 22/09/2017

Tôi nghe nói nhiều về việc “đánh giá sự hài lòng của khách hàng” ở các bệnh viện. Vậy quý bệnh viện đánh giá điều này như thế nào, làm thế nào để bảo đảm kết quả đánh giá này là thực chất để có sự sửa đổi cần thiết.

PGS Đồng Văn Hệ

Tại Bệnh viện Việt Đức chúng tôi có thực hiện những khảo sát sự hài lòng của người bệnh bằng cách phát phiếu thăm dò kín hoặc hòm thư góp ý. Nhân viên y tế và người thực hiện khảo sát hoàn toàn không biết ai là người trả lời, do đó kết quả thăm dò này là hoàn toàn khách quan.

(nguyentuanhp712@)

  10:32 ngày 22/09/2017

Tôi thấy viện phí tăng nhưng vào viện vẫn phải đi mua thuốc, vật tư nhiều. Như vào BV nội soi dạ dày thì người bệnh phải tự đi mua thuốc gây mê. Vì sao lại vậy?

PGS Đồng Văn Hệ

Tại BV Việt Đức không có chuyện để bệnh nhân phải đi mua thuốc gây mê. Nếu bạn gặp tình huống này, đề nghị phản ánh với bệnh viện ngay.

Vinh, Hà Nội.

  10:32 ngày 22/09/2017

Người bệnh chưa bao giờ ở đâu là "khách hàng" vì sức khỏe không phải là hàng hóa và dịch vụ sức khỏe càng không phải hàng hóa nên không có kẻ mua người bán. Người bệnh cũng không thể là thượng đế, vì đó là mỹ từ của dân thương mại mà người bệnh và thầy thuốc là mối quan hệ đặt biệt, quan hệ giữa người và người bên cạnh những quyết định đôi khi mang tính sinh tử, do vậy Người bệnh và Thầy thuốc đúng nghĩa chỉ là "đối tác", và cả hai hoạt động và quan hệ trên nguyên tắc tôn trọng nhau và trao đổi đưa đến một quyết định hợp lý nhất dựa trên nền đạo đức xã hội và pháp luật quy định. Đây là quan điểm của một nhân viên y tế. Là một thầy thuốc trực tiếp điều trị cho bệnh nhân hàng ngày, theo ông mối quan hệ giữa bệnh và người bệnh là gì?

PGS Đồng Văn Hệ

Mỗi quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc là mối quan hệ tôn trọng, chia sẻ, thấu hiểu dựa trên các quy định về luật pháp, đạo đức xã hội.

Nguyễn Thị Minh

  10:39 ngày 22/09/2017

Tôi hiện nay sức khỏe khá yếu, đi lại hơi khó khăn. Nếu tôi đăng ký khám chữa bệnh ở bệnh viện công thì có dịch vụ bác sĩ tận nhà giống các bệnh viện tư nhân không? Nếu có, tôi sẵn sàng chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên BHYT.

Ông Nguyễn Trọng Khoa

Việc khám chữa bệnh tại nhà hiện nay theo Luật BHYT chưa được thanh toán vì vậy người bệnh sẽ phải tự trả phí theo dịch vụ mà bệnh viện quy định. Tại một số cơ sở y tế công lập cũng tổ chức các dịch vụ theo yêu cầu đó là thăm khám bệnh tại nhưng người bệnh phải trả theo phí dịch vụ.

Hong Ngoc

  10:40 ngày 22/09/2017

Bệnh viện quận Thủ Đức đã “chia lửa” như thế nào đối với bệnh viện tuyến cuối trong việc giảm quá tải?

Bác sĩ Lương Hoàng Liêm

Bệnh viện quận Thủ Đức là bệnh viện hạng 1 tuyến quận đầu tiên trên cả nước. Với phương châm "Lấy người bệnh làm trung tâm", các y bác sĩ trong bệnh viện không ngừng học tập nâng cao chuyên môn tay nghề trong nước cũng như nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng điều trị, đồng thời luôn chú trọng vấn đề giao tiếp ứng xử giữa nhân viên y tế với bệnh nhân, thân nhân người bệnh.

Tại bệnh viện đã triển khai gần như đầy đủ các chuyên khoa, trong đó có các chuyên khoa sâu như tim mạch can thiệp, ung bướu, ngoại thần kinh... với trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho công tác khám chữa bệnh như máy CT.scan 3.0 Tesla, máy DSA (hỗ trợ can thiệp mạch vành, mạch máu não), máy CT.scan 128 lát cắt, máy Fibroscan (đo độ chắc của gan)...

Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu khoảng 150-200 bệnh nhân, thu hút số lượt khám chữa bệnh ngoại trú mỗi ngày từ 4.500-5.000 bệnh nhân. Số bệnh nhân nội trú mỗi ngày từ 700-750 bệnh. Bệnh viện cũng đã được Sở Y tế TP HCM quyết định là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến về điều trị với 3 nhóm bệnh: Cấp cứu đa chấn thương, đột quỵ, rắn cắn.

Nhờ tạo được niềm tin nên hiện nay số lượng bệnh nhân tìm đến khám chữa bệnh tại bệnh viện ngày càng đông, điều này giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Họ tên Hoàng Thảo Hương

  10:52 ngày 22/09/2017

Các cơ sở khám chữa bệnh đang phải chiu áp lực lớn từ BHXH, can thiệp sâu vào chỉ định chuyên môn của BS, dùng thuốc... Các BS luôn lo lắng bị "xuất toán", người bệnh tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Bộ Y tế có giải phâp gì can thiệp với BHXH để giải quyết tình trạng trên thưa ông Nguyễn Trọng Khoa?

Ông Nguyễn Trọng Khoa

Chào chị. Đây là nỗi lo của rất nhiều bệnh viện hiện nay vì sự can thiệp quá sâu vào chuyên môn của BHXH Việt Nam. Đôi khi sự can thiệp này gây ra sự méo mó trong chuyên môn, ví dụ có những bác sĩ khi chẩn đoán phải đưa ra rất nhiều triệu chứng hoặc bệnh để kê đơn thuốc. Điều này không chỉ làm khó các thầy thuốc trong quá trình hành nghề mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có rất nhiều cuộc làm việc với BHXH để giải quyết những vướng mắc liên quan đến vấn đề này.

Hiện nay, trình độ quản lý về chất lượng của các cơ sở khám chữa bệnh không đồng đều, cần có những nỗ lực và giải pháp cụ thể hơn để kiểm soát về mặt chuyên môn và chất lượng dịch vụ nhằm hạn chế sai sót hoặc sử dụng quá mức thuốc, vật tư, kỹ thuật cận lâm sàng... Không thể quy kết tất cả vấn đề này là lạm dụng, trục lợi mà BHXH cần phải phối hợp với Bộ Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh để cùng kiểm soát chất lượng chuyên môn ngày càng tốt hơn, mang lại lợi ích cho người bệnh, bệnh viện và sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả. Việc giám định chuyên môn cần phải khách quan và trong tương lai nên do một cơ quan độc lập thực hiện, coi đây như một đơn vị trọng tài giữa hai bên.

 

Hải Đạt

  10:54 ngày 22/09/2017

Với các thông tin phản ánh về đường dây nóng mà bệnh nhân cố tình quy chụp, bôi nhọ nhân viên y tế, Bộ y tế sẽ xử lý như thế nào? Trách nhiệm của Bộ Y tế về việc xử lý các thông tin phản ánh về đường dây nóng, đánh giá về thông tin, trách nhiệm xác minh...

Ông Nguyễn Trọng Khoa

Đường dây nóng y tế là một kênh thông tin có nhiều ý nghĩa. Trước hết đó là nơi để giải toả bức xúc tức thời của người bệnh. Qua kênh thông tin này, cơ quan quản lý và người trực tiếp quản lý cơ sở khám chữa bệnh có thể đáp ứng ngay lập tức yêu cầu của người bệnh. Thực tế thời gian qua, đường dây nóng cũng nhận được hàng chục nghìn cuộc gọi mỗi năm về các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, quy trình chuyên môn, thái độ phục vụ, thắc mắc liên quan đến viện phí, chuyển tuyến điều trị... Các phản ánh này đều được tiếp nhận và xử lý theo các cập độ. Trong quá trình tiếp nhận chúng tôi cũng có những phản ánh từ một phía và chưa thực sự khách quan. Sau khi xác minh nội dung người dân phản ánh, có những vấn đề người dân chưa thực sự hiểu và thông cảm với nhân viên y tế và cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, với những vi phạm của nhân viên y tế đều được xử lý nghiêm.

Từ những phản ánh của người dân, các cơ sở y tế đã có những nỗ lực trong việc thay đổi phong cách, thái độ phục vụ để giảm thiểu những bức xúc của người dân trong quá trình khám chữa bệnh. Một số bệnh viện đã nâng vấn đề giao tiếp ứng xử thành mức độ công nghệ trong giao tiếp (tức là chuẩn hoá và xây dựng những mô thức giao tiếp trong tình huống cụ thể để hướng tới hài lòng người bệnh).

 

 

Tuấn Anh

  10:54 ngày 22/09/2017

Đổi mới phong cách đến đâu mà bệnh viện chật chội, cũ nát hay phòng khám đẹp thế nào mà nhà vệ sinh bẩn thì cũng không thể làm hài lòng người bệnh được. Vậy theo ông, cần phải có thêm sự thay đổi nào để tiến tới "hài lòng thực sự"?

Bác sĩ Trần Văn Khanh

Cảm ơn chị, điều chị quan tâm hoàn toàn chính xác. Việc cải tiến chất lượng, an toàn người bệnh, nâng cao chất lượng điều trị đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ nhiều mặt:

1. Đội ngũ cán bộ y tế phải chuyên nghiệp, phải có tâm, giàu lòng nhân ái, ứng xử đúng mực.

2. Cơ sở vật chất phải luôn khang trang, sạch, đẹp; phòng ốc phải rộng, thoáng mát, nhất là các nhà vệ sinh phải được chăm chút, không được có mùi.

3. Trang thiết bị y tế phải hiện đại, đầy đủ.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, cải cách thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân, rút ngắn thời gian chờ đợi khi khám chữa bệnh.

5. Thuốc men phải tốt.

6. Giá cả hợp lý.

7. Người bệnh đến được tiếp đón niềm nở, khi ở thì được chăm sóc chu đáo, khi về thì được dặn dò kỹ lưỡng.

8. "Một lời góp ý, vạn lời biết ơn".

Thu Hà

  10:59 ngày 22/09/2017

Tôi thấy việc đi khám ở bệnh viện công khiến nhiều người không hài lòng bởi mọi thứ cứ gấp gáp ở phòng khám, bác sĩ chỉ kịp nói mấy câu, lặng lẽ khám rồi hí hoáy viết, trái hẳn với việc chờ đợi lâu bên ngoài phòng đợi (có lẽ vì đông). Trong khi đó, việc giao tiếp giữa bác sĩ và người bệnh là rất quan trọng. Quý bệnh viện có phương án gì để giải quyết vấn đề này?

Ông Nguyễn Trọng Khoa

Tôi rất chia sẻ với độc giả và có lẽ nhiều người cũng có tâm trạng này khi đi khám bệnh. Trong bối cảnh số lượng người bệnh khám đông, đôi khi người thấy thuốc phải cố gắng giải quyết hết người bệnh trong một buổi khám nên thời gian trò chuyện, trao đổi thêm với người bệnh còn hạn chế. Vì vậy, Bộ Y tế cũng đưa ra những chỉ tiêu phấn đấu nhằm giảm dần số lượt khám trên 1 bàn khám để tăng thời gian thầy thuốc và người bệnh được trao đổi trực tiếp, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị có chất lượng hơn.

Trần Thị Minh

  11:01 ngày 22/09/2017

Bộ Y tế hiện cũng phản ứng rất nhanh với các vụ tiêu cực, lùm xùm: Yêu cầu đình chỉ, xử phạt nhân viên y tế phạm lỗi hoặc (mới nghi phạm lỗi và trong quá trình xem xét). Điều này khiến nhiều nhân viên y tế cũng có ý kiến rằng không thể "trăm dâu đổ đầu bác sĩ" được. Nếu cứ nhanh nhẹn xử phạt như vậy thì bác sĩ sẽ rất nản lòng? Ông có ý kiến như thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Trọng Khoa

Với trách nhiệm của Bộ Y tế thì với bất cứ sự việc gì xảy ra liên quan đến ngành y thì Bộ Y tế cần vào cuộc và xử lý kịp thời. Vấn đề là việc làm rõ và xử lý các tình huống cụ thể là do các cơ sở y tế thực hiện trên tinh thần khách quan, công khai, minh bạch với yêu cầu đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh cũng như nhân viên y tế.

Trần Văn Bình

  11:01 ngày 22/09/2017

Tôi nghe nói cụm từ “nâng cao chất lượng” khám chữa bệnh nhiều rồi, nhưng chưa hiểu cụ thể. Xin gửi câu hỏi đến một lãnh đạo bệnh viện: Ở bệnh viện của ông/bà, việc “nâng cao chất lượng” cụ thể là những hành động gì?

Bác sĩ Lương Hoàng Liêm

Với phương châm "lấy người bệnh làm trung tâm", ngoài chú trọng nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh thường xuyên như: Nâng cao chuyên môn tay nghề đội ngũ y bác sĩ, trang bị máy móc hiện đại, nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất...,bệnh viện còn chú trọng đến các nhu cầu thiết yếu khác của bệnh nhân cũng như thân nhân người bệnh, như:

- Nâng cao thái độ phục của cán bộ y tế

- Đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên để an tâm công tác.

- Cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính khám chữa bệnh (bệnh viện đã áp công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi)

-Cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho bệnh nhân cũng như người nuôi bệnh: Dịch vụ tắm-gội-giặt-ủi, dịch chăm sóc tại nhà, có đội ngũ xe sẵn sàng đưa đó bệnh nhân khi có nhu cầu, thành lập siêu thị mini phục vụ 24/24...

- Có đội ngũ chăm sóc khách hàng chủ động tiếp thu, xử lý kịp thời thắc mắc cũng như thăm hỏi người bệnh và thân nhân trong quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Kim Minh

  11:01 ngày 22/09/2017

Với cương vị là giám đốc BV ông có buồn không khi nghe bệnh nhân, thậm chí cả đồng nghiệp “chê” trình độ của nhân viên y tế tuyến dưới? Thực tế thì BV đã làm gì để y tế cơ sở là điểm đến tin cậy và đầu tiên của người bệnh?

Bác sĩ Trần Văn Khanh

Cảm ơn chị vì đã quan tâm. Với cương vị lãnh đạo một bệnh viện tuyến quận/huyện, chúng tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để nâng cao chất lượng khám và điều trị ở tuyến cơ sở, tăng sự hài lòng của người dân đến bệnh viện khám và điều trị, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Trong thực tế, cũng còn một số cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của người dân như: Chất lượng khám và điều trị chưa đảm bảo, còn đâu đó một số ít nhân viên y tế tắc trách trong thực thi công vụ, ứng xử giao tiếp chưa tốt; trang thiết bị thiếu thốn, cơ sở vật chất xuống cấp... đã làm mất niềm tin ở người dân.

Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chúng ta cần những hành động cụ thể, thiết thực:

1. Đội ngũ cán bộ y tế phải chuyên nghiệp, có tâm, giàu lòng nhân ái, ứng xử đúng mực.

2. Cơ sở vật chất phải luôn khang trang, sạch, đẹp; phòng ốc phải rộng, thoáng mát, nhất là các nhà vệ sinh phải được chăm chút, không được có mùi.

3. Trang thiết bị y tế phải hiện đại, đầy đủ.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, cải cách thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân, rút ngắn thời gian chờ đợi khi khám chữa bệnh.

5. Thuốc men phải tốt.

6. Giá cả hợp lý.

7. Người bệnh đến được tiếp đón niềm nở, khi ở thì được chăm sóc chu đáo, khi về thì được dặn dò kỹ lưỡng.

8. "Một lời góp ý, vạn lời biết ơn".

9. Đẩy mạnh công tác truyền thông những gì bệnh viện tuyến quận/huyện làm được để người dân biết và đến điều trị.

Ngoc Ha

  11:20 ngày 22/09/2017

Với cương vị là giám đốc bệnh viện, ông có buồn không khi nghe bệnh nhân, thậm chí cả đồng nghiệp “chê” trình độ của nhân viên y tế tuyến dưới? Thực tế thì bệnh viện đã làm gì để y tế cơ sở là điểm đến tin cậy và đầu tiên của người bệnh?

Bác sĩ Lương Hoàng Liêm

Năm 2007, khi mới thành lập, Bệnh viện quận Thủ Đức mang tên là bệnh viện "kính chuyển". Lúc đó, chỉ có 17 bác sĩ cấp cứu mỗi ngày 20-30 lượt, điều trị ngoại trú 400 lượt mỗi ngày. Thời điểm đó, bệnh viện thực sự khó khăn, chưa tạo được niềm tin cho người bệnh. Nhưng với sự quyết tâm cao độ của Ban giám đốc cùng toàn bộ đội ngũ y bác sĩ bệnh viện phải làm sao để bệnh không còn mang tên "kính chuyển" nữa, bệnh viện đã đồng loạt thực hiện các giải pháp:

- Chiêu mộ y bác sĩ, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn

- Đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh

- Mở rộng xây mới bệnh viện.

- Truyền thông đến tất cả người dân biết được có sự hiện diện của Bệnh viện quận Thủ Đức trên địa bàn...

Sau 10 năm, từ bệnh viện "kính chuyển" giờ Bệnh viện quận Thủ Đức đã là bệnh viện hạng 1 với đầy đủ các chuyên khoa sâu, nhân sự là 1.500 người (trong đó 500 bác sĩ), mỗi ngày tiếp nhận từ 4.500-5.000 bệnh nhân. Đến nay, Sở Y tế TP HCM đã công nhận là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận điều trị 3 nhóm bệnh: Cấp cứu đa chấn thương, đột quỵ, rắn cắn.

Người dân quận TĐ

  12:29 ngày 22/09/2017

Tôi là dân Thủ Đức, nghe nói về Bệnh viện quận Thủ Đức rất nhiều nhưng thật sự rất rất thất vọng khi khám bệnh tại đây. Gần như các bệnh nhân khi đến khám bệnh các anh đều tìm cách đưa vào khám dịch vụ, tư vấn cho bệnh nhân phẫu thuật quá chỉ định không cần thiết. Rất mong bệnh viện xem xét việc này và điều chỉnh cách phục vụ của mình.

Bác sĩ Lương Hoàng Liêm

Trước tiên, bệnh viện gửi lời xin lỗi vì chưa làm hài lòng khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện, đồng thời ghi nhận tiếp thu ý kiến đóp góp của chị. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đến Bệnh viện quận Thủ Đức khám chữa bệnh, nếu bệnh nhân có nhu cầu được phục vụ khám chữa bệnh dịch vụ thì sẽ có đội ngũ y bác sĩ hướng dẫn, tư vấn cụ thể để người bệnh có sự chọn lựa trước khi thực hiện dịch vụ. Những trường hợp có chỉ định phẫu thuật thì bác sĩ phải thực hiện đúng quy trình chuyên môn (phải thông qua hội đồng chuyên môn của bệnh viện duyệt mổ).

Nguyễn Hồng Minh

  12:54 ngày 22/09/2017

Tôi ở Thủ Đức, khá xa trung tâm TP HCM, gia đình có nhiều người lớn tuổi. Trước đây, tôi nghe nói TP HCM có một trung tâm cấp cứu nằm ở tận quận 10. Vậy nếu có chuyện cần kíp, tôi gọi cấp cứu 115 thì phải đợi xe từ quận 10 chạy lên hay sẽ có cơ sở y tế địa phương xử lý?

Bác sĩ Lương Hoàng Liêm

Hiện Bệnh viện quận Thủ Đức là Trạm Cấp cứu 115 của Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM. Bệnh viện trang bị 4 xe cứu thương có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu chuyên dụng và đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu 24/24 bệnh nhân trên địa bàn quận và các vùng lân cận.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo