Sau buổi làm việc với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở tỉnh Nam Định) vào ngày 8-9, cả 5 chủ tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/CP ở Bình Định đã đi đến quyết định chẳng đặng đừng, chấp thuận sử dụng tàu vỏ thép Trung Quốc chứ không buộc đóng mới.
Ngư dân Bình Định chấp nhận sơn lại tàu chứ không thay vỏ tàu Trung Quốc
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định thông báo kết quả kiểm tra, đánh giá của các chuyên gia về vật liệu thép được Công ty Đại Nguyên Dương sử dụng để đóng các tàu trên. Theo đó, hồ sơ ghi nhận vật liệu được dùng để đóng tàu là thép Trung Quốc đạt chuẩn mác A, đủ điều kiện đóng tàu. Trong quá trình sử dụng, các tàu bị hoen gỉ nhiều không phải do vật liệu vỏ tàu, mà vì không có biện pháp bảo vệ vỏ tàu theo quy định. Việc thành phần mangan (Mn) thấp hơn quy chuẩn Việt Nam - QCVN 21:2010/BGTVT - không ảnh hưởng đáng kể đến việc ăn mòn. Do vậy, các chuyên gia đề nghị cho sửa chữa và sơn tàu theo đúng quy trình.
Sau khi nghe thông báo trên, ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, chủ tàu vỏ thép BĐ 99567-TS, cho rằng theo hợp đồng ký với Công ty Đại Nguyên Dương, tàu ông được đóng bằng thép Hàn Quốc thì giờ phải thay lại toàn bộ vỏ tàu đúng như vậy. "Chứ để nguyên vỏ tàu làm bằng thép Trung Quốc rồi sơn sửa lại thì ai bảo đảm được độ bền của nó bao nhiêu năm? Giờ cũng sắp hết mùa đánh bắt rồi, đằng nào cũng chậm thì phải tháo thép ra thay lại thép theo hợp đồng!" - ông Mạnh dứt khoát.
Ngư dân Mai Văn Chương, chủ tàu vỏ thép BĐ 99179-TS, cũng đề nghị Công ty Đại Nguyên Dương thay lại vỏ tàu theo đúng hợp đồng vì lo ngại chất lượng không bảo đảm.
Trước những lo lắng của ngư dân, ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Phòng Đăng kiểm tàu cá thuộc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản), một mực khuyên ngư dân đổi ý vì cho rằng thép Trung Quốc đã lỡ đóng vẫn đạt chuẩn. "Độ bền của vỏ tàu như thế nào phần lớn phụ thuộc vào bảo quản, bảo trì trong quá trình sử dụng. Chứ giờ ngư dân hỏi vỏ tàu đó tồn tại được bao nhiêu năm thì chúng tôi không thể nào biết được" - ông Cường nói.
Sau khi nghe ông Cường và các chuyên gia lý giải, đặc biệt là trước những áp lực nợ nần do tàu nằm bờ lâu ngày, các chủ tàu thay đổi thái độ, đồng ý để nguyên vỏ tàu được làm bằng thép Trung Quốc rồi sơn sửa lại. Kèm theo đó là yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương phải cam kết rõ ràng sửa chữa trong thời gian bao lâu, đồng thời hoàn trả tiền chênh lệch giữa thép Trung Quốc và Hàn Quốc như hợp đồng đã ký.
"Hơn 2 tháng nay, cứ toàn họp hành mà chưa giải quyết được gì, còn Công ty Đại Nguyên Dương thì hứa suông. Đề nghị phải cam kết thời gian sửa chữa rõ ràng để ngư dân có kế hoạch đi biển kiếm tiền trả nợ" - ngư dân Trần Minh Vương (chủ tàu cá BĐ 99027-TS), bức xúc.
Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, cam kết sẽ thực hiện việc sơn sửa lại các tàu theo đúng quy trình dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng. "Nếu mọi điều kiện thuận lợi, tôi cam kết việc sửa chữa 5 chiếc tàu vỏ thép sẽ được hoàn tất trong vòng 15 ngày" - ông Nguyên hứa.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, đề nghị ngay trong ngày, Công ty Đại Nguyên Dương và các chủ tàu cùng ngồi với nhau để bàn bạc dứt điểm phương án và thời gian sửa chữa từng tàu cụ thể. Thời gian hoàn thành việc sửa chữa các tàu này chậm nhất ngày 27-9 để ngư dân ra khơi đánh bắt.
Bình luận (0)