Bộ Luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) quy định về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông mà còn được mở rộng đối tượng tham gia gồm cả người đi bộ. Cụ thể, nếu người đi bộ băng qua đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3, điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 thì có thể đối diện với việc bị phạt tù cao nhất là 15 năm.
Đã khởi tố nhiều vụ
Thực trạng tại nhiều đô thị ở Việt Nam hiện nay, ý thức của người đi bộ chưa cao khi còn "tùy hứng", tiện điểm nào thì sang đường điểm đó. Không ít vụ tai nạn đã xảy ra do người đi bộ chưa chấp hành luật an toàn giao thông. Trước đó, một nữ sinh viên tại tỉnh Hưng Yên đã bị TAND huyện Mỹ Hào tuyên phạt 9 tháng tù giam, 18 tháng thử thách về hành vi cản trở giao thông đường bộ. Nữ sinh này đã trèo qua hàng rào phân cách để sang đường, khiến người điều khiển xe máy không kịp xử lý đã đâm vào lề đường tử vong.
Tại TP HCM, Công an quận 1 đã từng khởi tố chị N.T.M.Y (trú quận 4) về hành vi này. Trong lúc băng qua đường trên cầu Ông Lãnh, chị Y. đã va chạm với xe máy do anh Phạm Văn Vân điều khiển khiến nạn nhân ngã xuống đường, chấn thương sọ não và chết khi đi cấp cứu. Sau khi khám nghiệm hiện trường, CSGT khẳng định chị Y. đã qua đường không đúng nơi quy định. Chị Y. bị tuyên phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ và phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 7,5 triệu đồng.
Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM, cho biết thời gian qua, PC67 cũng đã từng xử phạt nhiều trường hợp người đi bộ vi phạm luật giao thông. Thậm chí có những vụ người đi bộ băng ngang qua đường bị xe tông gây thương tích nặng cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường phương tiện ô tô, xe máy. "Nghị định mới phải bảo đảm được tính răn đe. Tuy nhiên, thay vì tập trung việc xử phạt thì vỉa hè phải bảo đảm thông thoáng, đầu tư các cầu vượt dành cho người đi bộ" - ông Bình nói.
Vi phạm vẫn tràn lan
Vào đầu năm 2016, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã ra quân xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông trên toàn TP, đặc biệt tại một số quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa… Thời điểm đó, nhiều người đi bộ bất ngờ bị xử phạt hành chính với 2 lỗi chính: Đi không đúng phần vạch sơn dành riêng cho người đi bộ và đi đúng vạch sơn nhưng không đúng hiệu lệnh đèn giao thông. Nhiều người thừa nhận không có thói quen chấp hành luật giao thông khi đi bộ, sẵn sàng đi xuống lòng đường nếu thông thoáng. Việc xử phạt thời điểm đó chỉ như "muối bỏ bể" khi tình trạng người đi bộ vi phạm giao thông xảy ra nhan nhản khắp TP Hà Nội.
Người dân phải ý thức và hạ tầng giao thông đúng chuẩn
Một cán bộ Đội CSGT số 1 Phòng CSGT TP Hà Nội cho biết hiện các tổ công tác gần hồ Hoàn Kiếm chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền người dân chấp hành luật giao thông, sang đường đúng vạch kẻ sơn. Để việc đi bộ vào nền nếp, phụ thuộc phần lớn ý thức của người dân và hạ tầng giao thông phải bảo đảm. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông hiện cũng đẩy người đi bộ vào tình cảnh vi phạm do vỉa hè nhiều tuyến phố ở các đô thị lớn đang bị chiếm dụng để buôn bán, phần diện tích dành cho người đi bộ không đủ chuẩn.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Cần xác định đúng lỗi
Tôi ủng hộ việc tăng chế tài xử phạt hành vi này để ngăn chặn vi phạm. Nếu trường hợp người đi bộ vi phạm ở những tuyến đường cấm đi bộ thì hành vi đã quá rõ ràng, trách nhiệm của người đi bộ trong vụ tai nạn là rất rõ. Tuy nhiên, nếu người đi bộ liên quan đến một vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở đường hỗn hợp, có nhiều phương tiện cùng tham gia vào thời điểm xảy ra tai nạn thì quá trình điều tra cần xác định rõ lỗi chính có phải do người đi bộ hay không? Việc xác định lỗi của người đi bộ trong các trường hợp giao thông hỗn hợp là khá phức tạp, có phải là nguyên nhân chính gây ra hậu quả nghiêm trọng, từ đó mới có căn cứ để buộc tội.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông:
Xử lý nặng là không công bằng
Mức phạt tù có thể đến 15 năm đối với người đi bộ gây ra TNGT là quá nặng, không công bằng. Việc đưa ra các chế tài là cần thiết để răn đe, giáo dục về pháp luật. Tuy nhiên, nếu xử lý quá nặng thì không hợp lý, cần xem xét để có mức xử phạt hợp lý hơn. Chúng ta không đáp ứng được hạ tầng cho người đi bộ thì tại sao lại xử phạt họ nặng như vậy?
Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông Cục CSGT - Bộ Công an:
Phải bình đẳng trước pháp luật
Khi tham gia giao thông, dù là tài xế điều khiển ô tô, người đi xe máy hay người đi bộ đều phải bình đẳng trước pháp luật nếu gây ra TNGT với hậu quả nghiêm trọng. Nếu người đi bộ thiếu ý thức, vi phạm luật giao thông gây chết người thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định, không thể lấy lý do là người đi bộ thì giảm nhẹ tội.
Minh Chiến ghi
Bình luận (0)