Phóng viên: Ủy ban Di sản thế giới là cơ quan điều hành quan trọng nhất của UNESCO, có quyền quyết định những vấn đề then chốt liên quan việc công nhận di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Bà đánh giá thế nào về sự kiện Việt Nam vừa trúng cử thành viên ủy ban này?
- PGS-TS LÊ THỊ THU HIỀN: Đây là lần thứ 2 chúng ta đảm nhận vai trò tại cơ quan điều hành then chốt nhất về văn hóa của UNESCO. Từ năm 1987, Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước Di sản thế giới UNESCO 1972 (Công ước 1972). Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên tham gia với tư cách là thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013 - 2017.
PGS-TS Lê Thị Thu Hiền
Từ đó đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm lồng ghép nội dung và tinh thần Công ước 1972 vào các luật, chương trình, dự án liên quan di sản văn hóa, thiên nhiên và các vấn đề kinh tế - xã hội. Chúng ta đã chủ trì tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng trong lĩnh vực di sản thế giới. Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quan trọng trong thời gian tới.
Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo đánh giá việc Việt Nam được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới thực sự là một tin rất tốt đối với UNESCO. Bởi lẽ, nước ta là một ví dụ điển hình trong hoạt động gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản thế giới.
Với tư cách là thành viên Ủy ban Di sản thế giới, Việt Nam sẽ cùng 20 quốc gia thành viên khác đảm nhận trọng trách giám sát việc thực thi Công ước 1972; bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của 1.199 di sản thế giới trên toàn cầu; xem xét các tiêu chí để ghi danh những di sản thế giới mới nhằm gìn giữ, phát huy và trao truyền giá trị lịch sử, văn hóa cho các thế hệ tương lai, đóng góp vào sự phát triển bền vững của thế giới…
Việt Nam có một kho tàng vô cùng phong phú các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên. Bà nhìn nhận thế nào về vai trò của kho tàng di sản này trong việc phát triển kinh tế - xã hội?
- Hiện cả nước có khoảng 40.000 di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Trong đó, 32 di sản đã được UNESCO công nhận, ghi danh.
Về phương diện xã hội, các di sản thế giới ở nước ta có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển xã hội bền vững. Trên phương diện kinh tế, các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản thế giới ở Việt Nam, có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Nguồn thu từ ngành du lịch và dịch vụ thương mại nói chung, từ các di sản thế giới nói riêng đã đóng góp đáng kể vào tổng GDP của các địa phương có di sản thế giới - có thể minh chứng điều này qua trường hợp phố cổ Hội An ở Quảng Nam.
Du khách khám phá Di sản Thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam, những tuyến, điểm du lịch được hình thành, vừa tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới vừa góp phần giảm tải cho các khu vực vùng lõi của di sản, giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại di sản thế giới, nhất là làng nghề truyền thống, nghệ thuật biểu diễn truyền thống, được khôi phục, phát huy, ngày càng thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế; từ đó mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Trên thực tế, nhiều địa phương đang có tình trạng khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản, đặt nặng mục tiêu lợi nhuận mà coi nhẹ việc bảo tồn. Những trường hợp này cần xử lý như thế nào?
- Đây là chuyện không chỉ của riêng Việt Nam mà có lẽ là thách thức, mối quan ngại của tất cả các quốc gia thành viên Công ước 1972. Trên thế giới hiện có 57 di sản thế giới được UNESCO đưa vào danh sách bị đe dọa. Thậm chí, 3 di sản từng bị UNESCO loại khỏi danh sách di sản thế giới.
35 năm qua, Việt Nam chưa có di sản thế giới nào bị đưa vào danh sách bị đe dọa. Tuy nhiên, thực tế, ở một số di sản, một số địa phương, do nhận thức chưa đúng đắn, không đầy đủ về di sản văn hóa và đặc thù của di sản văn hóa - đã mất đi thì không lấy lại được - nên việc bảo tồn chưa được ưu tiên, coi trọng.
Để hạn chế tác động của việc phát triển các khu du lịch lớn, phát triển đô thị đối với di sản thiên nhiên và văn hóa, các cấp, ngành, địa phương có di sản cùng phải chung tay thực hiện. Đối với việc phát triển các khu du lịch lớn, phát triển đô thị gắn với di sản, địa phương phải đánh giá sự tồn tại của di tích, danh thắng, di vật, cổ vật, di sản văn hóa phi vật thể và không gian văn hóa liên quan; cần phải nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về di sản và các pháp luật liên quan… để bảo vệ di sản trước những nguy cơ tác động, ảnh hưởng.
Khi thẩm định những dự án này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương tổ chức lấy ý kiến của người dân và các cơ quan liên quan để bảo đảm nguyên tắc khoa học, tạo sự đồng thuận theo quy định pháp luật.
Để mối quan hệ giữa bảo tồn di sản, đặc biệt là di sản thế giới, với phát triển kinh tế - xã hội trở nên hài hòa, theo bà cần những giải pháp nào?
- Chúng ta cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản, bảo đảm sự thống nhất, hạn chế sự chồng chéo. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, hỗ trợ cộng đồng sinh sống trong di sản.
Ngoài ra, phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong khu vực di sản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ di sản…
Bình luận (0)