xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi: TP HCM khẩn trương triển khai Nghị quyết mới

Báo NGƯỜI LAO ĐỘNG

(NLĐO)- 8 giờ sáng nay, 27-6, Báo Người Lao Động tổ chức Hội thảo "Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM" để góp thêm ý kiến nhằm đa dạng phương án tiếp cận, phong phú cách thức triển khai.

Chiều 24-6, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Với 481/487 đại biểu tán thành, chiếm tỉ lệ 97,37% tổng số đại biểu, nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1-8-2023.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi: TP HCM khẩn trương triển khai Nghị quyết mới - Ảnh 1.

Hội thảo "Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM" bắt đầu từ 8 giờ sáng 27-6

Với mong muốn góp thêm ý kiến nhằm đa dạng phương án tiếp cận, phong phú cách thức triển khai, lúc 8 giờ sáng nay, 27-6, Báo Người Lao Động tổ chức Hội thảo "Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM".

Tham dự hội thảo có:

- Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

- Ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp.

- Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM. 

- Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Ủy viên UBND TP HCM, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tổ phó Tổ Công tác triển khai thực hiện các nội dung thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. 

- Ông Lê Trương Hải Hiếu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP HCM.

- Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM. 

- Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC).

- TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

- TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

- TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Về phía Báo Người Lao Động: Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.

Tiêu điểm sự kiện

    16:11 ngày 28/06/2023

    Hội thảo được tường thuật trực tiếp trên Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc đã gửi đến Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai câu hỏi "Người dân TP HCM được lợi gì từ Nghị quyết mới".

    Thông tin đến bạn đọc Báo Người Lao Động, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai khẳng định với những cơ chế, chính sách đặc thù từ nghị quyết mới, TP HCM sẽ có thêm nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển, nhiều dự án sẽ được bổ sung nguồn vốn để thực hiện, qua đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.

    Đi vào cụ thể, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết như ở lĩnh vực văn hóa - thể thao. Nếu trước đây thì ở lĩnh vực này chưa được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thì với Nghị quyết mới vừa được Quốc hội thông qua thì TP HCM được phép kêu gọi hình thức này. 

    Điều đó cho thấy TP HCM sẽ có điều kiện để kêu gọi thêm nhiều nguồn lực, đầu tư vào các dự án văn hóa - thể thao. Nhiều công trình về văn hóa - thể thao sẽ được thực hiện, từ đó TP HCM sẽ đa dạng về dịch vụ văn hóa, thể thao, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân thành phố ngày càng tốt hơn. 

    17:30 ngày 27/06/2023

    Ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp:Tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở pháp lý

    Nghị quyết 98 được thông quan lần này trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi nguồn lực bị suy giảm do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; tâm lý của một bộ phận cán bộ, công chức e dè, sợ trách nhiệm.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Thanh Bình

    Để triển khi Nghị quyết 98 thành công, TP HCM cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh cơ sở pháp lý.  Bên cạnh đó, yếu tố con người cần được chú trọng hơn, có những cơ chế thúc đẩy sự cống hiến của cán bộ. Đây là những yếu tố quan trọng trong việc triển khai Nghị quyết mới trong thời gian tới.

    Mặt khác, cần có sự cam kết của Trung ương trong việc hỗ trợ thành phố triển khai Nghị quyết. Bản thân Bộ Tư pháp sẽ luôn luôn đồng hành, ủng hộ TP HCM để những nội dung của Nghị quyết thành hiện thực.

    11:17 ngày 27/06/2023

    Hi vọng và tin tưởng những trái ngọt trong tương lai

    Phát biểu kết thúc hội thảo, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết hội thảo diễn ra trong niềm vui rất lớn là Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua. 

    "Không chỉ TP HCM mà cả nước cùng chờ đợi Nghị quyết này rất lâu, như cơn nắng hạn chờ những giọt mưa rào. Giọt mưa rào đó được chờ đợi như những giọt mưa vàng vì có rất nhiều vướng mắc, điểm nghẽn làm TP HCM trì trệ, không thể cất cánh nay được khai thông" - ông Tô Đình Tuân chia sẻ.

    undefined - Ảnh 1.

    TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

    Tổng Biên tập Tô Đình Tuân khẳng định Nghị quyết này không chỉ cho TP HCM, vì TP HCM mà cho cả nước, vì cả nước. Với tinh thần đó, không khí của buổi hội thảo hôm nay khác hẳn so với rất nhiều buổi hội thảo mà Báo Người Lao Động tổ chức suốt nhiều năm qua. Bởi vì có một niềm tin, một sinh khí mới, một kỳ vọng mãnh liệt, đó là TP HCM sẽ mạnh mẽ vươn lên trong thời gian tới. 

    Đối với Nghị quyết này, TP HCM đã sẵn sàng, các sở ngành cũng rất sẵn sàng. Chưa có công việc nào mà TP HCM có một sự chuẩn bị công phu trong một tâm thế tiến về phía trước. "Hy vọng và tin tưởng Nghị quyết này sẽ đi vào cuộc sống và có những hiệu quả nhất định, có những trái ngọt trong tương lai khi mà tất cả đồng lòng, hướng về phía trước"- Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhấn mạnh.

    11:04 ngày 27/06/2023

    TS Trần Du Lịch: Hoan nghênh Báo Người Lao Động tổ chức kịp thời hội thảo

    Với nghị quyết này, phần lớn những tiêu chí lâu nay dựa trên bộ, ngành thì nay giao cho TP quyết, kể cả định mức giao HĐND TP cho thấy  vai trò giám sát được nâng cao. 

    Đề án đầu tiên TP nghiên cứu là cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển TP theo quy mô, vị trí nhưng sau đó sửa lại thành cơ chế đặc thù, vì những gì trái luật pháp và luật chưa quy định là phải gọi là "đặc thù", dù chưa chắc vượt trội.

    undefined - Ảnh 1.

    Với 7 nội dung tại nghị quyết mới này, với trách nhiệm, quyền hạn, tính tự chủ thì đây là điểm phát triển tương đối. Nói chung, chúng ta thống nhất đây là động lực quan trọng để TP gỡ điểm nghẽn thể chế, cái áo quá chật nay mở ra được nhiều hơn. Đây là điều quan trọng.

    Vậy triển khai thế nào? Như các ý kiến đưa ra tại hội thảo, việc triển khai mới là quyết định. Về giải pháp thì đã được nghe báo cáo rất rõ để triển khai. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang được giao phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai một số nghị định chi tiết. 

    Về triển khai bộ máy, cán bộ công chức, con người, nguồn nhân lực... thì chính sách này có thêm phụ cấp hơn mặt bằng chung. Tuy nhiên, vấn đề tổ chức, sắp xếp, bộ máy, nâng cao năng lực là yếu tố quyết định. Chúng ta cũng thống nhất, tin rằng Quốc hội đồng thuận thì cả hệ thống chính trị của TP phải nhập cuộc. 

    Như 2 điểm nghẽn lâu nay tồn tại ở TP là cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt hạ tầng giao thông và thể chế nay có sự hỗ trợ của nhà nước, góp phần để đầu tư công tăng khá, đây là cái nền tảng. 

    Hoặc chính vành đai 3 giao TP điều phối tương đối thành công cũng là cơ sở xây dựng cơ chế hội đồng vùng, và TP đang nghiên cứu, làm sao lần đầu tiên xử lý giao thông, kết nối vùng… Lần này, cũng là cơ sở để luật pháp cho phép. 

    TP ngoài hệ thống giải quyết điểm nghẽn giao thông còn đang triển khai một số dự án là Rạch Nước Lên, và Rạch Xuyên Tâm, giải quyết bài toán môi trường, nhà trên kênh rạch, chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt mới cho TP. Sự thay đổi cho TP trên trên các mặt rất triển vọng.

    Cuối cùng, tất cả những điều ở hội thảo hôm nay đều kỳ vọng, gửi gắm sự triển khai thành công. Làm được, sẽ nâng được phúc lợi người dân, tạo niềm tin cho người dân và sự phát triển vì lợi ích của người dân. Mong Báo Người Lao Động tiếp tục đi trước những vấn đề nóng của TP trong các vấn đề phát triển, tập hợp cùng nhiều chuyên gia hơn nữa truyền tải ý kiến, góp ý, đề xuất vì sự phát triển chung của TP HCM và cả nước. 

    10:49 ngày 27/06/2023

    Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM: Phát huy tinh thần chiến binh, năng động, sáng tạo

    Chia sẻ tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM hoan nghênh Báo Người Lao Động tổ chức một hội thảo rất sớm, sớm nhất ngay khi Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết. 

    Không đợi đến lúc này mà trong suốt quá trình TP HCM xây dựng Nghị quyết, Báo Người Lao Động liên tục có hội thảo, tọa đàm, cuộc thi hiến kế để góp sức cùng TP HCM.

    undefined - Ảnh 1.

    Bà Phạm Phương Thảo

    Theo bà Phạm Phương Thảo, trong quá trình thực hiện Nghị quyết phải liên tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ phía Trung ương, mà không phải đợi đến 3 năm sơ kết hay 5 năm. 

    Trung ương cần tạo cho TP HCM sự chủ động nhiều hơn nữa, nhất là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Cùng với đó, cần tạo điều kiện cho TP HCM thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị, phát huy vai trò đầu tàu.

    Bà Phạm Phương Thảo cho rằng với sự chuẩn bị tốt, tâm thế tốt, thành phố sẽ phát huy tinh thần của "chiến binh"; tinh thần của doanh nhân; tinh thần năng động, sáng tạo của người dân TP HCM để TP phát triển nhanh, bền vững.

    10:42 ngày 27/06/2023

    TS Nguyễn Đình Cung: Cần tổ chuyên trách độc lập và thiện chiến


    undefined - Ảnh 1.

    TS Nguyễn Đình Cung

    Cần tổ chuyên trách và độc lập, rất thiện chiến và có sự tham gia của bên ngoài gồm cả giới doanh nhân và giới nghiên cứu. Tổ này cần lên kế hoạch và có một việc luôn phải làm là đánh giá tình hình kết quả triển khai thực hiện… 

    Đồng thời, TP cũng nên kiến nghị trung ương có một tổ theo dõi thực hiện cơ chế trong nghị quyết mới, để cùng kiến nghị và gỡ khó ngay trong quá trình thực hiện. Hiện tại đang có sự thiết kế hội đồng vùng cho Đông Nam Bộ và có thể kiến nghị một số điều để hội đồng tiếp nhận báo cáo, chỉ đạo những điều vướng để xử lý hoặc xin ý kiến kiến nghị, tránh chờ đợi mất thời gian trong quá trình triển khai.

    10:36 ngày 27/06/2023

    GS-TS Hoàng Văn Cường: Mong TP HCM trở thành sandbox cho những cơ chế mới


    Cơ chế về nguồn lực đang mở ra những cơ hội và nếu khai thác được thì TP HCM sẽ mở ra sự phát triển mới. Do đó, rất mong muốn xây dựng cơ chế để vận hành chính quyền đô thị cho đô thị lớn như TP HCM.

    undefined - Ảnh 1.

    GS-TS Hoàng Văn Cường

    Phân cấp, phân quyền không phải là để trao quyền nhiều hơn mà phân định quyền hạn, trách nhiệm từ người thực thi và người quản lý, không có việc làm xong rồi hỏi… Từ đó, đánh giá hiệu quả của bộ máy.

    Tôi cho rằng nếu không có phân cấp, phân quyền, tính hiệu quả bằng đầu ra sẽ khó có thể giải quyết được công việc hành chính, đem lại lợi ích cho người dân. Và mỗi người cán bộ trong bộ máy hành chính nếu trước đây có nhũng nhiễu nay phải xem lại, gắn trách nhiệm cao hơn. 

    Tôi rất muốn TP HCM trở thành sandbox (cơ chế thí điểm) vì đây là môi trường năng động, sáng tạo, sẵn sàng thử nghiệm những cái mới. Đi kèm với việc đó là giao quyền, trách nhiệm, chế độ đãi ngộ thỏa đáng, đúng tầm để cán bộ phục vụ người dân tốt hơn.

    Cũng cần cơ chế khuyến khích người tài. Cần lồng ghép 2 cơ chế này để tạo ra cơ chế vượt trội, làm sao để sử dụng cơ chế, chính sách, trả lương cho cán bộ công chức toàn tâm, toàn ý, cuộc sống được bảo đảm. Đây có lẽ không phải riêng TP HCM mà cả nước đều mong muốn cơ chế này, cần hướng vào để thực hiện mạnh mẽ hơn. 

    10:23 ngày 27/06/2023

    TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: Dồn nguồn lực cho một số dự án ưu tiên, trọng điểm

    Nhìn một cách khách quan thì nghị quyết đang gỡ những thứ lâu nay mà TP gặp phải hàng ngày, mà chưa gỡ hết nên vẫn còn nhiều thứ phải làm. Do đó, trong quá trình triển khai TP cần đặt ở tâm thế vị trí sẵn sàng.

    undefined - Ảnh 1.

    TS Nguyễn Đình Cung

    Cùng với nghị quyết, điều quan trọng không chỉ triển khai thành công mà phải xem cuộc sống của người dân thay đổi thế nào, kinh tế phát triển ra sao… Như Khoản 6, Điều 4: HĐNĐ, UBND TP HCM trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định của mình, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân… Để triển khai những điều này đúng hoàn toàn là rất khó. 

    Nhìn vào các cơ chế trong nghị quyết, tôi thấy một số cái làm được ngay: Đầu tiên, là gỡ những nút thắt giao thông, phát triển đô thị theo hướng mở của giao thông và cải thiện đời sống của cán bộ công chức nhà nước. Đồng thời, TP nên ưu tiên tập trung vào một số dự án thật sự làm được, có tác động lan tỏa bởi trong bối cảnh nguồn lực của TP không nhiều, đặc biệt là nguồn lực con người. 

    10:20 ngày 27/06/2023

    TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: TP HCM đang có điều kiện tốt nhất

    Khi Quốc hội thông qua nghị quyết này, rất nhiều người theo dõi, quan tâm và chưa khi nào có sự đồng thuận cao như vậy, đây là điều đặc biệt.

    Về tinh thần, khi xây dựng nghị quyết, về hệ thống quan điểm, ngay từ đầu chúng tôi có báo cáo Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP HCM là làm sao phát triển TP và trong tương lai để Quốc hội xây dựng Luật đô thị, hình thành 2 nhóm cơ chế chính sách, không còn cảnh xin – cho… 

    undefined - Ảnh 1.

    TS Trần Du Lịch

    Quá trình đô thị hóa là con gà đẻ trứng vàng cho ngân sách, nếu có các nguồn lực, TP dư sức để có thể mạnh hơn nữa. Và hiện tại, có 2 công cụ mà không địa phương nào có được trong đó có công cụ tài chính là HFIC với mô hình hoạt động vượt trội. Nếu sử dụng tốt những công cụ đang có cùng cơ chế hỗ trợ của nhà nước sẽ góp phần tăng sức bật cho kinh tế TP HCM. 

    Tôi được giao phụ trách một nhóm chuyên gia 14 người, xây dựng kịch bản trong tương lai TP HCM này từ vấn đề kinh tế số, kinh tế xanh, các chính sách làm sao để hỗ trợ để đi đầu trong phù hợp với Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Các quá trình tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị… cũng được kết nối với nhau để đồng bộ. 

    Vậy triển khai ra sao? Hiện nay, quá trình chuẩn bị để hiện thực hóa ngay các cơ chế trong nghị quyết là khá tốt. Nhưng để nâng chất lượng nền công vụ về hành chính thì chúng ta thiết kế trước nay: thể chế, tổ chức bộ máy vận hành và cán bộ công chức. Sự đồng bộ này cần triển khai để nâng năng lực lên, bởi chế độ đãi ngộ hiện nay vẫn chưa đủ, cần tính toán lại. Như TP Thủ Đức, cần bộ máy tương ứng với quy mô, đây là vấn đề khó vì đầu tư nguồn lực vào cán bộ công chức rất khó. Cần triển khai làm rõ, để quá trình vận hành trôi chảy, thể chế, bộ máy con người vận hành trôi chảy.

    Với nguồn lực hiện nay, nếu trách nhiệm rõ, đội ngũ cán bộ công chức sẽ làm. Nếu lờ mờ sẽ không ai dám làm. Do đó, nghị quyết mới này, cộng với tất cả sự chuẩn bị đầu tư, về hạ tầng đô thị, nhất là giao thông, thì 2 điểm nghẽn lớn nhất của TP là thể chế và hạ tầng sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới để hướng tới sự phát triển. 

    Chưa bao giờ TP có được điều kiện tốt, gỡ được căn bản, tạo sức bật như hiện nay. Và tôi nghĩ rằng, TP tích cực làm không chỉ đóng góp cho TP mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.  

    10:07 ngày 27/06/2023

    PGS-TS Trần Đình Thiên: 3 việc quan trọng cần làm ngay

    PGS-TS Trần Đình Thiên nhìn nhận hội thảo hướng đến câu chuyện thực tiễn là hiện thực hóa Nghị quyết rất thích hợp.

    TP HCM có Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù là thành công của một quá trình nỗ lực lâu dài của TP HCM và cả nước. "Đây là 1 thành công rất lớn, đặc biệt là giới chuyên gia như tôi" - PGS-TS Trần Đình Thiên chia sẻ. 

    undefined - Ảnh 1.

    PGS-TS Trần Đình Thiên

    Theo ông, đây không chỉ là thành công cho TP mà là cả nước. Bởi đây là cú đột phá cho một hình mẫu phát triển mới, mở ra một hình mẫu của cả nước về đổi mới. Khi mà có một hình mẫu tốt thì các địa phương khác cứ thế mà làm vì tạo một độ mở, độ tích cực. "Quan trọng hơn nữa đây là thành công của tinh thần cải cách của cả nước" - PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

    Một điều nữa mà PGS-TS Trần Đình Thiên cực kỳ tâm đắc từ Nghị quyết này là cho TP HCM được phép thí điểm những gì chưa có.

    "Cái này rất quan trọng. Điều này là một một cơ sở pháp lý, một thể chế đảm bảo cho quá trình thực thi tới đây của TP HCM tránh được rủi ro rất nhiều. Nhất là trong bối cảnh mọi thứ đang chậm lại, một bộ phận cán bộ, công chức e dè, không dám làm" - ông Trần Đình Thiên bình luận. 

    Để hiện thực hóa Nghị quyết, PGS-TS Trần Đình Thiên gợi mở 3 việc quan trọng cần làm ngay. 

    Một là công tác con người. "Một trong những cơ chế vượt trội trong Nghị quyết chính là cách tiếp cận tổ chức bộ máy cho thấy phù hợp với vai trò, tầm vóc của TP HCM. Đó là cho phép TP HCM có cơ quan chức năng phù hợp với mình; cho phép chủ động biên chế cấp cơ sở" - PGS-TS Trần Đình Thiên nói. 

    Do đó, ông cho rằng TP HCM cần nhấn mạnh vào để sắp xếp lại bộ máy tổ chức hiệu quả, chịu trách nhiệm cá nhân, công việc có đầu mối rõ ràng… Từ đây, TP HCM sẽ có "khuôn mặt con người mới". Đây chính là điều kiện hàng đầu để hiện thực hóa Nghị quyết này.

    Hai là phải thống nhất quan điểm, nhận thức là thực hiện Nghị quyết mới hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ của TP HCM, là việc riêng của TP HCM mà phải là sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả, tích cực từ Trung ương. Trung ương phải có một sự đảm bảo  mạnh mẽ để TP thực hiện tốt, hiệu quả Nghị quyết.  

    "Cơ chế, chính sách tại Nghị quyết này vượt qua thể chế thông thường, nếu không được hỗ trợ từ Trung ương và cơ chế đảm bảo thì khó thành công. Tất nhiên là bản thân TP HCM phải làm hết lòng, hết sức nhưng Trung ương phải có trách nhiệm như thế nào để Nghị quyết thành công" - PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

    Ba là phối hợp hành động. 

    Bên cạnh đó, TS Trần Đình Thiên cho rằng cơ chế, chính sách này cần được mở ra cho cả 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Bốn địa phương này đã liên kết trên nhiều lĩnh vực, giờ liên kết được thể chế là không gì bằng. 

    "Được vậy, sự liên thông, cộng hưởng sức mạnh của bốn địa phương không có gì cản được, không thế lực nào kìm lại được"- ông Trần Đình Thiên nói. 

    10:02 ngày 27/06/2023

    Ông Nguyễn Quang Thanh: Thúc đẩy doanh nghiệp vào chuỗi kích cầu

    Nghị quyết cho phép nguồn thu từ cổ phần hoá DNNN trên địa bàn được dùng để tăng vốn điều lệ cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HIFC). HĐND được bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách TP để hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đây là chương trình kích cầu mà TP mong muốn phát triển ngay trong năm nay. 

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Quang Thanh

    Trước đó, giai đoạn từ 2016-2020, tổng nguồn vốn huy động được từ chương trình kích cầu này lên tới 30.000 tỉ đồng, vốn được hỗ trợ khoảng 15.000 tỉ đồng. Hy vọng chương trình này sắp tới sẽ thúc đẩy các DN tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi kích cầu trong lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, các lĩnh vực về môi trường như sử dụng phương tiện sạch, xe buýt chạy điện, phương tiện công cộng chạy điện, các ngành công nghiệp như tự động hóa, hóa dược, công nghệ thực phẩm, dệt may và da giày…

    Với Nghị quyết mới, TP đã đưa ra chương trình tiếp sức cho DN cùng TP phát triển mạnh mẽ hơn nữa và bổ sung vốn điều lệ cho HFIC từ nguồn thu cổ phần hóa của DNNN.

    Chúng tôi đang tiếp cận Ngân hàng Thế giới, IFC, ADB để huy động nguồn lực trái phiếu, nguồn vốn giá rẻ. Và ngay từ đầu tháng 5, HFIC đã phối hợp với Sở KH-ĐT soạn dự thảo trình HĐND. Đến nay, dự thảo này đã cơ bản hoàn thành để dự kiến trình UBND và HĐND trong kỳ họp gần nhất. Sắp tới, với nhiều cơ chế như thế thì sẽ giúp TP phát triển vượt bậc hơn. 

    09:39 ngày 27/06/2023

    Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM: Chủ động xây dựng kế hoạch

    Theo nội dung đột phá chiến lược để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn TP, tổng kinh phí dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 266.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách thành phố khoảng 92.000 tỉ đồng và vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 174.000 tỉ đồng.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Bùi Hòa An

    Như vậy, đối với cơ chế đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOT, sẽ tập trung đối với các tuyến đường trục chính đô thị, kết nối vùng, quốc lộ đi qua địa phận TP HCM như Quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22… Quy mô đầu tư mở rộng thông qua việc thu hút được vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ khu vực tư nhân, thông qua hình thức BOT là rất cần thiết. 

    Việc chủ động triển khai thực hiện cơ chế chính sách, thành phố đã có sự chuẩn bị ngay khi dự thảo nghị quyết được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua. Về phía Sở Giao thônng vận tải đã chủ động bám sát kế hoạch của UBND TP HCM để xây dựng kế hoạch triển khai.

    Sở đã tổ chức thực hiện đối với việc áp dụng hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu. Thực hiện rà soát, đánh giá và tham mưu, đề xuất quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính và danh sách các dự án áp dụng hợp đồng BOT đối với đầu tư, xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu…

    Đối với cơ chế áp dụng mô hình TOD: Sở chủ động rà soát, xác định phạm vi vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt đô thị, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận TP; phối hợp với Sở Quy hoạch kiến trúc đề xuất danh mục các dự án đầu tư công độc lập để khai thác quỹ đất bảo đảm đồng bộ, hiệu quả. 

    Ngoài ra, trong phạm vi nhiệm vụ, chức năng, Sở cũng phối hợp xây dựng một số nội dung liên quan trong dự thảo nghị định của Chính phủ ban hành để triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội. 

    09:17 ngày 27/06/2023

    Ông Lê Trương Hải Hiếu: Đáp ứng mong mỏi của nhân dân TP HCM

    Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP HCM chia sẻ hội thảo diễn ra trong không khí đang hừng hực, nóng hổi của một nghị quyết mới, cơ chế mới của TP HCM. 

    "HĐND TP HCM trên tâm thế sẵn sàng, quyết liệt để cùng TP HCM thực hiện Nghị quyết này thành công, hiệu quả để TP HCM mạnh mẽ tiến lên"- ông Lê Trương Hải Hiếu nhấn mạnh.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Lê Trương Hải Hiếu

    Ông nhìn nhận Quốc hội đã cho TP HCM một cơ chế mở, giúp TP huy động, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. 

    Ngay khi Nghị quyết được thông qua, Thường trực HĐND TP đã phân công cho các ban lên kế hoạch và đã hoàn thành kế hoạch thực hiện Nghị quyết này. 

    "Với vai trò, trách nhiệm của HĐND TP HCM, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND TP HCM, các sở, ban, ngành để sớm đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả tối đa, đáp ứng được nhu cầu và mong mỏi của nhân dân TP HCM" - ông Lê Trương Hải Hiếu nói.

    09:12 ngày 27/06/2023

    Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi: Thành phố đang chuẩn bị rất khẩn trương

    Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã nhận lời tham dự hội thảo. Tuy nhiên, do có công tác đột xuất nên Chủ tịch UBND thành phố không tham gia trực tiếp được.  Từ Hà Nội, ông gửi đến hội nghị những ý kiến quý báu.

    undefined - Ảnh 1.

    Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi gửi ý kiến tới hội thảo

    "Trước hết, tôi xin cảm ơn Báo Người Lao Động đã có sáng kiến tổ chức hội thảo hết sức ý nghĩa này. Tôi cũng trân trọng cảm ơn các diễn giả đã nhận lời tham gia hội thảo"- Chủ tịch UBND TP HCM gửi lời chào đến hội thảo từ Hà Nội.

    Chủ tịch UBND TP HCM cho biết TP HCM rất mong muốn lắng nghe các ý kiến của các diễn giả, các chuyên gia và bạn đọc Báo Người Lao Động để giúp cho TP HCM hiện thực hóa nghị quyết, để nghị quyết đạt được kết quả cao nhất.

    Từ TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chia sẻ nhiều thông tin tới hội thảo


    TP HCM đang rất khẩn trương chuẩn bị về tâm thế, các nội dung, các điều kiện triển khai Nghị quyết này. Đầu tháng 7-2023, TP HCM sẽ tổ chức hội nghị toàn TP  để triển khai Nghị quyết. Trong quá trình đó, TP HCM sẽ phối hợp với các cơ quan trung ương, các viện, trường, các chuyên gia để cụ thể hóa hơn các cơ chế, chính sách, sắp xếp ưu tiên để triển khai trong thời gian sắp tới.

    "Chúng tôi hiểu rằng việc triển khai Nghị quyết rất khó khăn nên TP HCM sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan trung ương, chuyên gia để chuẩn bị tốt nhất. TP HCM rất mong muốn các cơ quan trung ương hỗ trợ TP để triển khai Nghị quyết đạt kết quả cao nhất"- Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ.

    Song song đó, Chủ tịch UBND TP HCM mong muốn các diễn giả, các chuyên gia, bạn đọc Báo Người Lao Động tiếp tục đồng hành, theo dõi, góp ý cho TP HCM trong suốt quá trình triển khai Nghị quyết.

    08:55 ngày 27/06/2023

    Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP HCM: Tiếp thu ý kiến nhiều chuyên gia

    Nghị quyết mới vừa được Quốc hội thông qua là Nghị quyết 98 với mong muốn làm sao khơi thông nguồn lực để TP HCM có thể tự bứt phá bằng nguồn lực của mình. Việc ban hành thông qua Nghị quyết 98 thay thế Nghị quyết 54 là 1 trong 5 điểm nhấn của kỳ họp Quốc hội, với việc ban hành cho TP HCM một số cơ chế, chính sách để phát triển vượt trội. 

    undefined - Ảnh 1.

    Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM

    Nghị quyết này đã được ban hành một cách tâm huyết ngay khi Quốc hội cho phép gia hạn Nghị quyết 54. TP đã đề xuất cơ chế chính sách để nghiên cứu đề xuất ban hành nghị quyết mới với việc tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế ngay từ ngày đầu. 

    Rút kinh nghiệm của 3 khía cạnh từ Nghị quyết 54 không đạt như mong muốn kỳ vọng, do đó lần này TP đặt mục tiêu là tổ chức thực hiện thế nào để hiệu quả nhất đáp ứng mong đợi của người dân TP và cả nước. Và do đó, TP ngày từ đầu đã ban hành kế hoạch, bám sát với các cơ quan trung ương, bộ ngành và từng cơ quan liên quan để có kế hoạch dự thảo.

    Như Tổng biên tập Báo Người Lao Động đã thông tin, TP đã ban hành kế hoạch trong đó đề ra những nhiệm vụ cụ thể, và sẽ trình 8 tờ trình tới HĐND TP về các cơ chế chính sách; các nội dung cụ thể về TOD, thu hồi đất… Từng quý sẽ có từng nhiệm vụ riêng như quý 3 có 11 nhiệm vụ và quý 4 có 34 nhiệm vụ, từng sở, ngành phải triển khai các đầu việc để hoàn thành…

    Với sự quyết tâm của cán bộ, sở ngành, TP bám sát kế hoạch của Quốc hội, sự quyết tâm, đồng lòng làm sao hiện thực hóa nghị quyết tốt nhất. Hiện TP đang trong quá trình hoàn tất nghị định để triển khai các cơ chế cụ thể trong thời gian sớm nhất. Dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành tất cả cơ chế chính sách để thực hiện; và Bộ KHĐT đang phối hợp với thành phố để ban hành nghị định sớm nhất triển khai nghị quyết này.

    08:45 ngày 27/06/2023

    GS-TS Hoàng Văn Cường: Chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay

    Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đánh giá cao Báo Người Lao Động khi nhanh chóng truyền sức nóng từ nghị trường Quốc hội đến người dân TP khi Nghị quyết mới được thông qua. Qua đó, để TP HCM bắt tay ngay vào thực hiện Nghị quyết này.

    undefined - Ảnh 1.

    GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

    "Chúc mừng TP trình một nghị quyết lớn, một nghị quyết mà có rất ít ý kiến trái chiều từ các đại biểu Quốc hội. Tinh thần của Quốc hội, đại biểu Quốc hội là ủng hộ cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM" - ông Cường nói.

    Theo ông GS-TS Hoàng Văn Cường, đây là cơ chế, chính sách đặc thù khổng lồ nhất từ trước đến nay mà Quốc hội thông qua, gồm 44 cơ chế, chính sách. Cụ thể: 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết 54; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế đang quá trình trao đổi, thông qua thời gian tới mà TP HCM được đi trước; 27 cơ chế, chính sách chỉ dành riêng cho TP HCM, chỉ TP HCM mới có.

    Ông Cường nói thêm: Mặc dù Hà Nội có những Luật Thủ đô nhưng cũng không có những cơ chế, chính sách đặc thù như TP HCM. Điều đặc biệt nữa là đây là một nghị quyết được sự đồng thuận rất cao từ đại biểu Quốc hội khi đạt hơn 97%. Điều đó cho thấy sự đồng thuận và ủng hộ rất cao đối với TP HCM với mong muốn nhằm khơi dậy đúng mảng đất của những con người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới; không chỉ giữ vững mà phát huy hơn nữa tính đầu tàu cả nước. 

    08:26 ngày 27/06/2023

    Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động:

    Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa bế mạc cách đây 3 ngày, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đã được thông qua với 481/487 đại biểu tán thành, chiếm tỉ lệ 97,37% tổng số đại biểu. 

    undefined - Ảnh 1.

    Tiến sĩ, nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

    Từ ngày 1-8, khi nghị quyết chính thức có hiệu lực, với nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt là cho phép thí điểm những mô hình mới, cách làm mới, TP HCM sẽ có cơ hội tối ưu hóa mọi nguồn lực, tiềm năng sẵn có để phát triển vượt bậc. Đây là chìa khóa quan trọng không chỉ cho TP HCM mà còn thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như lan tỏa cho cả nước. 

    Nghị quyết đã có, song việc hiện thực hóa để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống là điều quan trọng hơn. TP HCM khẳng định sẽ bắt tay ngay vào triển khai các đầu việc cần làm trên tinh thần quyết tâm, tập trung cao độ để đạt hiệu quả cao nhất, như Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã nói: "Cả nước đã vì TP HCM, giờ là lúc TP HCM phải tập trung thực hiện để vì cả nước". 

    Thực tế, TP HCM đã chủ động, sẵn sàng đón nhận nghị quyết mới với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu. TP phân công từng đầu việc cho các sở, ban, ngành, địa phương với trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng nhằm triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ và yêu cầu tương ứng 7 lĩnh vực, gồm: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy TP HCM và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.

    Trong đó, Sở Tư pháp được giao tham mưu, trình UBND TP HCM dự thảo nghị định cụ thể những cơ chế, chính sách mà nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp bộ, ngành trình Chính phủ sớm ban hành nghị định này. Sở Nội vụ tham mưu các cơ chế nhằm nâng cao sức hấp dẫn của chính sách thu hút con người vào bộ máy. Sở Giao thông vận tải soạn thảo danh mục dự án đầu tư theo hình thức BOT để trình HĐND TP HCM thông qua khi có nghị quyết mới…

    Trong quá trình từ khi TP HCM tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14, chuẩn bị nội dung cho dự thảo nghị quyết mới cũng như chuẩn bị các đầu việc để sẵn sàng bắt tay thực hiện khi nghị quyết mới được thông qua, Báo Người Lao Động đã đồng hành với thành phố thông qua việc tổ chức các tọa đàm, hội thảo và hàng chục bài báo, chuyên đề được thực hiện công phu, kỹ lưỡng… Các bài viết không chỉ phản ánh nguyện vọng, đề xuất của lãnh đạo và người dân TP HCM; ghi nhận ý kiến các bộ, ngành, cơ quan trung ương mà còn nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, chất lượng từ phía các chuyên gia kinh tế.

    Nhằm tiếp tục đồng hành với TP HCM, hôm nay, Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo nhằm mong muốn ghi nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn từ phía cơ quan của Quốc hội, UBND TP HCM, HĐND TP HCM và các sở, ngành cùng góp ý của nguyên lãnh đạo TP, các chuyên gia kinh tế.

    Hy vọng thông qua hội thảo này, TP HCM sẽ nhận được nhiều hơn những tiếng nói ủng hộ để có thể tự tin triển khai nghị quyết mới hiệu quả và nhanh nhất. Về phía TP HCM, rút kinh nghiệm từ việc triển khai Nghị quyết 54, mong rằng TP sẽ tăng tốc hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để không chỉ khai thác tốt những cơ chế đặc thù được trung ương trao cho nhằm phát triển bứt phá mà còn thực hiện thắng lợi sứ mệnh đầu tàu kinh tế, "vì cả nước, cùng cả nước".

    Lên trên
    Lên đầu Top

    Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.

    Thanh toán mua bài thành công

    Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

    • Tặng bằng link
    • Tặng bạn đọc thành viên
    Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

    Chọn phương thức thanh toán

    Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

      Chọn phương thức thanh toán

      Chọn một trong số các hình thức sau

      Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

      Thông báo