xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM: Hiện thực hóa nghị quyết mới càng sớm càng tốt

THÁI PHƯƠNG

Bên cạnh việc rốt ráo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để triển khai nghị quyết mới, TP HCM cần sắp xếp lại bộ máy một cách hiệu quả gắn với trách nhiệm cá nhân

Ngày 27-6, Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo "Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM" ngay sau khi nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa bế mạc cách đây ít ngày. Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến trao đổi và góp ý thẳng thắn, qua đó gợi mở cho thành phố cách thức tiếp cận và giải pháp triển khai nghị quyết mới nhanh chóng, hiệu quả.

Chủ động nhiều đầu việc

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết từ ngày 1-8, khi nghị quyết chính thức có hiệu lực, với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là cho phép thí điểm những mô hình, cách làm mới, TP HCM sẽ có cơ hội tối ưu hóa mọi nguồn lực, tiềm năng sẵn có để phát triển vượt bậc. "Đây là chìa khóa quan trọng không chỉ cho TP HCM mà còn thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như lan tỏa cho cả nước" - ông Tô Đình Tuân nhìn nhận.

Đánh giá cao Báo Người Lao Động đã nhanh chóng truyền sức nóng từ nghị trường Quốc hội đến người dân TP HCM, GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đánh giá nghị quyết đã đưa ra những cơ chế, chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay mà Quốc hội thông qua. "Nghị quyết nhận được sự đồng thuận rất cao từ phía các đại biểu Quốc hội với mong muốn khơi dậy tiềm năng của mảnh đất của những con người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới. TP HCM cần bắt tay ngay vào thực hiện một cách hiệu quả" - GS-TS Hoàng Văn Cường lưu ý.

Thay mặt lãnh đạo TP HCM thông tin về sự chuẩn bị của thành phố trong việc triển khai ngay nghị quyết khi có hiệu lực, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, cho hay TP HCM đặt mục tiêu phải tổ chức thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng mong đợi của người dân thành phố và cả nước. "TP HCM đã sớm ban hành kế hoạch, bám sát các bộ, ngành và cơ quan liên quan, đề ra những nhiệm vụ cụ thể với tinh thần chủ động, sẵn sàng đón nghị quyết mới" - bà Lê Thị Huỳnh Mai cho hay.

Theo đó, từng đầu việc được phân công cho các sở, ban, ngành với trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng; từng quý sẽ có từng nhiệm vụ riêng. Các đầu việc được yêu cầu triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ và tương ứng 7 lĩnh vực trong nghị quyết. Đáng chú ý, ngay trong tháng 7-2023, UBND TP HCM sẽ có 8 tờ trình gửi HĐND TP HCM về các cơ chế, chính sách liên quan phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD), thu hồi đất...

Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM: Hiện thực hóa nghị quyết mới càng sớm càng tốt - Ảnh 2.

Với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, thành phố sẽ được áp dụng thí điểm 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực quan trọng. Đồ họa: ANH THANH

Huy động nguồn lực, tiếp sức doanh nghiệp

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho hay tổng kinh phí dự kiến để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 266.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách thành phố khoảng 92.000 tỉ đồng và vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) là 174.000 tỉ đồng.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM thông tin thêm: Sở GTVT đã chủ động bám sát kế hoạch của UBND TP HCM để xây dựng kế hoạch triển khai việc áp dụng hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) đối với hệ thống đường bộ hiện hữu. Với mô hình TOD, Sở GTVT chủ động rà soát, xác định phạm vi vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt đô thị, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận TP HCM; phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM đề xuất danh mục dự án đầu tư công độc lập để khai thác quỹ đất bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.

Một nội dung cũng rất quan trọng là nghị quyết cho phép HĐND TP HCM được bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố để hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC, nhấn mạnh TP HCM mong muốn triển khai chương trình kích cầu ngay trong năm nay. Trước đó, giai đoạn năm 2016 - 2020, tổng nguồn vốn huy động từ chương trình kích cầu của TP HCM lên tới 30.000 tỉ đồng, vốn được hỗ trợ khoảng 15.000 tỉ đồng.

"HFIC hy vọng chương trình này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi kích cầu trong lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, môi trường, tự động hóa, hóa dược, công nghệ thực phẩm... Với việc HFIC được bổ sung vốn điều lệ từ nguồn thu cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, TP HCM đã đưa ra chương trình tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chúng tôi cũng đang tiếp cận các tổ chức tài chính quốc tế để huy động nguồn lực từ trái phiếu, nguồn vốn giá rẻ" - ông Nguyễn Quang Thanh cho biết.

TP HCM sẽ có "khuôn mặt mới"

Câu chuyện nguồn lực con người, tổ chức bộ máy được các chuyên gia, nhà quản lý đặc biệt quan tâm bởi đây là điểm mấu chốt để triển khai thành công nghị quyết mới. Nghị quyết đã cho phép TP HCM tổ chức bộ máy cán bộ, công chức phù hợp với vai trò, tầm vóc, cụ thể là cho phép thành phố có cơ quan chức năng phù hợp và chủ động biên chế cấp cơ sở.

Nhấn mạnh một trong những việc cần làm ngay khi triển khai nghị quyết mới là công tác con người, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, góp ý TP HCM cần sắp xếp lại bộ máy hiệu quả gắn với trách nhiệm của từng cá nhân và từng công việc có đầu mối rõ ràng. "Từ đây, TP HCM sẽ có "khuôn mặt con người mới" và đó chính là điều kiện hàng đầu để hiện thực hóa nghị quyết" - PGS-TS Trần Đình Thiên gửi gắm.

GS-TS Hoàng Văn Cường nhìn nhận cơ chế về nguồn lực đang mở ra nhiều cơ hội và nếu khai thác được, TP HCM sẽ có dấu ấn phát triển mới. "Phân cấp, phân quyền không phải để trao quyền nhiều hơn mà để phân định quyền hạn, trách nhiệm của người thực thi và người quản lý, từ đó sẽ đánh giá được hiệu quả của bộ máy. Nếu không phân cấp, phân quyền và tính hiệu quả bằng đầu ra thì sẽ khó vận hành bộ máy cũng như không đem lại lợi ích cho người dân" - ông Cường phân tích.

GS-TS Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ mong muốn TP HCM trở thành sandbox (mô hình thí điểm) bởi đây là môi trường năng động, sáng tạo, sẵn sàng thử nghiệm những cái mới. Cùng với đó là giao quyền, trách nhiệm; xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng, đúng tầm để cán bộ toàn tâm, toàn ý phục vụ người dân tốt hơn và khuyến khích người tài vào bộ máy. Lưu ý, cần lồng ghép 2 cơ chế này để tạo ra cơ chế vượt trội.

Cần trung ương hỗ trợ, phối hợp

Theo các chuyên gia, để triển khai nghị quyết mới thành công, TP HCM cần sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả, tích cực từ phía trung ương theo hướng với cơ chế bảo đảm mạnh mẽ.

"Bản thân TP HCM phải làm hết lòng, hết sức nhưng trung ương cũng phải có trách nhiệm để việc thực hiện nghị quyết thành công. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách vượt trội cũng cần được mở ra cho cả 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, bởi 4 địa phương đã liên kết trên nhiều lĩnh vực, nếu có thêm sự liên kết về thể chế thì cộng hưởng sức mạnh sẽ rất lớn" - PGS-TS Trần Đình Thiên góp ý.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo