Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, thông tin về tình hình phát triển kinh tế thành phố từ sau Đại hội Đảng toàn quốc.
Theo ông, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng kinh tế thành phố đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2021, từ mức giảm sâu chưa từng có trong lịch sử, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 của TP HCM tăng trên 9% so với năm 2021.
Hội thảo nhận nhiều ý kiến đóng góp cho sự phát triển của TP HCM
Đến quý I/2023, kinh tế thành phố phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thách thức và tăng trưởng quý I chỉ ở mức 0,7%. Trước tình hình đó, TP HCM tự nhìn nhận, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tạo chuyển biến trong quý II/2023.
Đến nay, thành phố có sự phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đáng kể so với quý I, tốc độ tăng trưởng GRDP ước tăng trên 5%, đưa bình quân 6 tháng ước tăng 3,55%. Qua đó, khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo khơi thông nguồn lực phát triển trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố.
Cũng theo ông Nguyễn Hồ Hải, Quốc hội đang xem xét thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Thành phố phấn khởi đón nhận và xác định khi nghị quyết mới ra đời sẽ tạo đà và động lực để phát triển hơn.
TS Trần Du Lịch đánh giá kinh tế Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng có nhiều điểm sáng hơn là điểm tối. Nhìn tất cả các yếu tố như vị trí địa kinh tế, hạ tầng kinh tế, tiềm lực khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực, sự tiếp tục đổi mới về quản lý kinh tế và chính sách kinh tế vĩ mô… thì triển khai tốt nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ tạo ra điều kiện để TP HCM chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới trong 10-15 năm tới.
Bình luận (0)