Sau trường hợp "Nối vòng tay lớn" gây ồn ào dư luận, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) vừa công bố thêm 10 ca khúc sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam và ca khúc sáng tác của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp phép phổ biến. Ca khúc nổi tiếng được lưu hành rộng rãi lâu nay: "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của cố nhạc sĩ Bắc Sơn cũng nằm trong số này.
"Chuyện lạ đời"
Người trong giới tỏ ra rất ngỡ ngàng trước thông tin này. Ca sĩ Hương Lan bày tỏ: "Ca khúc "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của cố nhạc sĩ Bắc Sơn rất hay. Tôi đã hát ca khúc này từ rất lâu trong nhiều chương trình băng, đĩa và trên sân khấu ca nhạc trong nước, cả trên sóng truyền hình. Tôi rất bất ngờ khi biết đến bây giờ, ca khúc này mới được cho phép lưu hành".
Không chỉ ca sĩ Hương Lan, hầu hết những giọng ca từng thể hiện "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của nhạc sĩ Bắc Sơn trên sân khấu, sóng truyền hình và trong album nhạc của mình đều tỏ ra bất ngờ khi biết đến nay, ca khúc này mới được cấp phép phổ biến, lưu hành. Ca sĩ Phi Nhung thốt lên: "Ủa, sao kỳ vậy? Ca sĩ hát nhiều lắm rồi mà... Tôi thấy hoang mang quá!".
Không chỉ lưu hành qua băng đĩa, trình diễn trong các chương trình ca nhạc hợp pháp, “Còn thương rau đắng mọc sau hè” còn được phát sóng rộng rãi trên nhiều đài truyền hình trong nước. Trong ảnh: Tiết mục trình diễn của Hồ Văn Cường trong “Thần tượng âm nhạc nhí”, phát trên sóng VTV3. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Ca sĩ Uyên Trang ngạc nhiên cho biết: "Ngày trước, tôi xin phép biểu diễn ca khúc này trong live show của mình cũng đơn giản thôi. Không ai thắc mắc về việc ca khúc này có được phép phổ biến hay chưa. Vả lại, cứ nhìn vào lượng đĩa nhạc sản xuất và phát hành hợp pháp lâu nay có "Còn thương rau đắng mọc sau hè" thì đủ biết ca khúc này được phổ biến từ rất lâu rồi và phạm vi lưu hành của nó rộng lớn đến mức nào. Đây rõ ràng là chuyện lạ đời".
Cứng nhắc, máy móc
Gia đình cố nhạc sĩ Bắc Sơn cũng cảm thấy bất ngờ khi hay tin ca khúc quen thuộc của ông đến nay mới được cho phép lưu hành. Nghệ sĩ Bích Thủy, con gái thứ 9 của cố nhạc sĩ, đặt vấn đề: "Còn thương rau đắng mọc sau hè" là sáng tác nổi tiếng của cha tôi, được lưu hành và được công chúng đón nhận từ rất lâu cả trong và ngoài nước, sao đến nay mới được cấp phép phổ biến?".
Sau hơn 40 năm ra đời, đến nay, "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của nhạc sĩ Bắc Sơn nằm trong nhiều chương trình biểu diễn vì thuộc dòng nhạc âm hương dân ca, có giai điệu đầy cảm xúc và ý nghĩa nhân văn. Nhiều ca sĩ đã gắn tên tuổi của mình với ca khúc nổi tiếng này: Hương Lan, Như Quỳnh, Phi Nhung, Cẩm Ly, Uyên Trang, Hiền Thục, Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường… Không chỉ được công chúng yêu thích, "Còn thương rau đắng mọc sau hè" còn được xem là chuẩn mực của lĩnh vực sáng tác. Vì thế, trong rất nhiều chương trình, ca khúc này luôn được ca sĩ và nhà tổ chức lựa chọn.
Cẩm Ly - Hương Lan thể hiện ca khúc "Còn thương rau đắng mọc sau hè" trong chương trình Duyên dáng Việt Nam lần thứ 21
Hơn 40 năm qua, "Còn thương rau đắng mọc sau hè" đã được sản xuất và được cấp phép phổ biến trong nhiều băng đĩa, chương trình biểu diễn ở nhà hát, sân khấu ca nhạc; được nhiều đài truyền hình dàn dựng thành tiết mục trình diễn trong hàng loạt chương trình. Không hiểu sao đến nay, Cục NTBD lại có thể cấp phép phổ biến cho một ca khúc đã lưu hành hợp pháp hàng chục năm trước?
Ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại TP HCM, cho biết : "Trung tâm được ủy quyền thu tiền tác quyền của ca khúc này từ rất lâu rồi. Có khá nhiều chương trình sử dụng ca khúc này, đặc biệt là trong các chương trình lễ hội".
Như vậy, nếu việc cấp phép cho "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của Cục NTBD là đúng thì đồng nghĩa những chương trình biểu diễn, sản phẩm ghi âm, ghi hình có ca khúc này phổ biến, lưu hành thời gian qua là phạm pháp? Các tổ chức, cá nhân thực hiện sản phẩm, thể hiện "Còn thương rau đắng mọc sau hè", cấp phép sản xuất và biểu diễn ca khúc này thời gian qua cũng vi phạm? Liệu với quyết định này của Cục NTBD, các sản phẩm âm nhạc, chương trình ghi âm, ghi hình về ca khúc "Còn thương rau đắng mọc sau hè" đã phổ biến trên băng đĩa, sóng truyền hình, trên các trang mạng âm nhạc... có bị thu hồi, hủy bỏ?
Sau ca khúc "Nối vòng tay lớn" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - được cấp phép phổ biến sau gần 50 năm ra đời và lưu hành, gây bức xúc cho công chúng và người trong giới - bây giờ lại có thêm bài hát cực kỳ nổi tiếng "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của nhạc sĩ Bắc Sơn. Giới âm nhạc thẳng thắn gọi đó là "trò hề".
"Quyết định cấp phép phổ biến cho ca khúc "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của cố nhạc sĩ Bắc Sơn, trước đó là ca khúc "Nối vòng tay lớn" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thể hiện sự thiếu hiểu biết, không am hiểu thời cuộc. Ở cấp cục mà không nắm được đâu là ca khúc đã được lưu hành rộng rãi lâu nay như 2 ca khúc này thì làm sao tạo được lòng tin nơi người dân và người làm nghề? Tôi quá thất vọng về cách quản lý cứng nhắc, máy móc của cơ quan quản lý này" - nhạc sĩ Tiến Luân nhận xét.
Cấp phép vì sáng tác trước 1975
Ngoài "Còn thương rau đắng mọc sau hè", 10 ca khúc sáng tác trước năm 1975 và của tác giả người Việt Nam ở nước ngoài vừa được Cục NTBD cấp phép phổ biến lần này gồm: "Xa người mình yêu" (Song Phượng), "Những chuyến xe trong cuộc đời" (Hoài Linh), "Con đường mang tên em" (Trúc Phương), "Tình nghèo có nhau" (Đài Phương Trang), "Giã từ cố đô" (Phạm Mạnh Cương), "Tôi bước vào yêu" (Trúc Bạch - Hoàng Sơn), "Vỹ Dạ đò trăng" (Canh Thân), "Lại nhớ người yêu" (Giao Tiên), "Tìm em nơi đâu" (Nguyễn Công Phương Nam - Thiên Hương).
Cố nhạc sĩ Bắc Sơn (tên thật là Trương Văn Khuê, sinh năm 1932 tại Đồng Nai). Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1997, mất năm 2005, để lại cho đời khoảng 500 bài hát với phong cách âm hưởng dân ca, trữ tình. Ngoài ra, ông còn để lại khoảng 100 vở kịch nói và khoảng 80 kịch bản phim. Những ca khúc nổi tiếng của ông là:"Còn thương rau đắng mọc sau hè", "Sa mưa giông", "Em đi trên cỏ non", "Tháng mấy anh về", "Gió đưa bông sậy", "Còn thương góc bếp chái hè", "Con sáo sậu"... Trong đó, "Còn thương rau đắng mọc sau hè" được nhạc sĩ Bắc Sơn sáng tác làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình "Bếp lửa ấm" năm 1974.
Bình luận (0)