xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cục nghệ thuật Biểu diễn "làm trò": Đếm sao trên trời

Nhóm Phóng Viên

Nhiều nhạc sĩ tỏ ra lo lắng khi thấy cơ quan này thể hiện sự tùy tiện, cách quản lý thiếu khoa học, gây rối ren, tạo tâm lý bức xúc trong xã hội

Việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) công bố thêm 300 bài hát ra đời trước năm 1975, chủ yếu là nhạc truyền thống cách mạng trong danh sách các ca khúc được cấp phép phổ biến đã gây ra phản ứng của công luận. Dù được giải thích bằng thông cáo báo chí phát đi vào ngày 21-5 rằng cục này chỉ đưa vào danh mục bài hát được phổ biến chứ không cấp phép phổ biến nhưng không ai hiểu được vì sao Cục NTBD lại có sáng kiến quái lạ này.

Đánh đồng khái niệm

Trong thông cáo báo chí phát ngày 21-5, lãnh đạo Cục NTBD cho biết cục này thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) trong việc rà soát, cập nhật, bổ sung vào danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975. Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng, vừa qua, Cục NTBD đã tiến hành rà soát đợt đầu và cập nhật, bổ sung vào danh mục bài hát cho phép phổ biến 300 bài hát đã phổ biến rộng rãi trong những năm qua đưa lên website cucnghethuatbieudien.gov.vn. Cục NTBD chỉ rà soát và công bố những tác phẩm sáng tác trước năm 1975 để các tổ chức, cá nhân thuận tiện khai thác, sử dụng.

Cục nghệ thuật Biểu diễn làm trò: Đếm sao trên trời - Ảnh 1.

Bài “Tiến quân ca” (Quốc ca) là một trong 300 bài hát nhạc truyền thống cách mạng được Cục NTBD đưa vào danh sách bài hát được phép phổ biến. Trong ảnh: Tiết mục trình diễn “Tiến quân ca” trong chương trình “Giai điệu tự hào” trên VTV1. (Ảnh cắt từ clip chương trình)

Tại sao là ca khúc ra đời trước năm 1975? Cơ sở pháp lý nào để Cục NTBD thực hiện việc này?

Sau ngày đất nước thống nhất, các bản nhạc sáng tác trước năm 1975 dưới chế độ chính quyền Sài Gòn đều bị đưa vào diện xem xét cấp phép phổ biến một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, từ năm 1989, các thông báo số 1, 2, 3, 4, 5 của Bộ Văn hóa - Thông tin đã cho phép phổ biến hầu hết các bài hát có nội dung lành mạnh như ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu đôi lứa trong sáng, những kỷ niệm, xúc cảm, ước mơ lành mạnh, những đề tài bình thường về cuộc sống đời thường. Dựa trên tinh thần này, các cơ quan quản lý chức năng trung ương và địa phương đã cấp phép sản xuất cho nhiều ca khúc sử dụng trong các chương trình ghi âm, ghi hình, các chương trình biểu diễn trên sân khấu trong hàng chục năm qua cho đến khi Quyết định 55/1999/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin ngày 5-8-1999 ban hành, quy định "nghiêm cấm sử dụng bài hát Việt Nam sáng tác trước năm 1945 trong toàn quốc, trước năm 1954 ở vùng tạm chiếm, trước năm 1975 ở miền Nam để sản xuất băng, đĩa mà bài hát đó chưa được Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép phổ biến".

Ngay trong điều 29 Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 5-10-2012 cũng quy định "các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam" hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phát hành dưới hình thức xuất bản phẩm phải thực hiện hồ sơ xin Cục NTBD cấp phép phổ biến.

Như vậy, không có khái niệm chung "ca khúc trước 1975" như cách Cục NTBD đưa ra và đang tổ chức thực hiện. Rõ ràng ở đây là đánh đồng khái niệm.

"Ca khúc trước 1975" theo cách hiểu của Cục NTBD là có cả ca khúc truyền thống cách mạng sáng tác trước năm 1975; ca khúc đấu tranh của phong trào học sinh, sinh viên đô thị miền Nam trước năm 1975, như "Hát cho đồng bào tôi nghe".

Ai cần Cục NTBD thống kê?

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD, nêu quan điểm: "Tất cả các bài hát có chất lượng nghệ thuật cao, có nội dung tốt đều được cập nhật và phổ biến rộng rãi đến công chúng. Trong thời gian tới, Cục NTBD từng bước thu thập tư liệu, rà soát để tiếp tục bổ sung vào danh mục các bài hát ra đời trước năm 1975 trên website cucnghethuatbieudien.gov.vn tiện cho các tổ chức, cá nhân có thông tin và thuận tiện trong khai thác, sử dụng".

Đa phần phản ứng của các nhạc sĩ là không cần Cục NTBD làm công việc thống kê như đang làm. Việc này đã có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Đó là chưa kể việc sưu tập các ca khúc truyền thống cách mạng lên đến hàng ngàn bài vừa tốn kém vừa không tránh khỏi sai sót như từng có càng làm rối rắm thêm. Nhiều nhạc sĩ cho rằng nếu làm công việc thống kê thì tại sao chỉ có ca khúc trước năm 1975? Còn ca khúc sáng tác ở Việt Nam sau năm 1975 sao không thống kê? Nếu thống kê cả ca khúc sáng tác sau năm 1975 thì liệu Cục NTBD có làm nổi với lượng ca khúc khổng lồ lên đến hàng vạn, hàng triệu. Người trong giới ví việc Cục NTBD đang làm như đếm sao trên trời vậy!

Cục NTBD là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về biểu diễn lẽ ra chỉ làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phụ trách chứ không phải làm những việc không thuộc chức năng và không cần thiết như vậy. Thay vì rà soát và công bố danh sách những bài hát cấm phổ biến, Cục NTBD làm điều ngược lại.

Nhiều nhạc sĩ tỏ ra lo lắng khi thấy cơ quan này thể hiện sự tùy tiện, cách quản lý thiếu khoa học, gây rối ren, tạo tâm lý bức xúc trong xã hội. 

Nhạc sĩ PHÓ ĐỨC PHƯƠNG - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam:

Cơ quan quản lý không thể tùy tiện!

Việc Cục NTBD lý giải là định công bố tất cả các tác phẩm được phép phổ biến nghe rất buồn cười, không cần thiết, thiếu khoa học, tốn kém tài chính, gây phiền toái, rối ren trong công chúng và bất khả thi. Tại sao lại chỉ có 300 bài? Tại sao lại chỉ công bố những bài sáng tác trước 1975? Phạm vi thời gian thế nào? Phạm vi vùng miền ra sao? Đã mở rộng ra công bố tất cả các bài hát có thể phổ biến thì làm sao có thể thống kê được tất cả vì quyền tự do sáng tạo là của công dân, tác phẩm mới có thể xuất hiện từng ngày, từng giờ.

Không được nhầm lẫn giữa các quyền .Chỉ có tác giả và chủ sở hữu tác phẩm mới có quyền cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng tác phẩm, việc này luật đã quy định, không cần lý giải nữa. Cơ quan chức năng chỉ làm công việc kiểm duyệt các tác phẩm có thể gây hại cho an ninh, chính trị, quốc phòng… Đã là sinh mệnh của tác phẩm mà muốn cấm lưu hành thì cần phải lập hội đồng chuyên trách thẩm định, trong đó có cơ quan quản lý văn hóa, ban tuyên giáo, hội âm nhạc và phải giải thích rõ lý do vì sao lại cấm!

Cục NTBD là cơ quan đứng đầu quản lý văn hóa về nghệ thuật biểu diễn lẽ ra phải rất hiểu về chuyên môn của mình nhưng thời gian gần đây, tôi rất lo lắng khi thấy cơ quan này thể hiện sự tùy tiện, cách quản lý thiếu khoa học, gây rối ren, dị nghị, dẫn đến nhiều ý kiến phản biện trái chiều, gây tâm lý bức xúc trong xã hội.

Nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam:

Đến cả "Quốc ca" cũng phải công bố được phép phổ biến rộng rãi?

Hiện tại, chúng tôi chưa có trên tay danh sách cụ thể 300 bài hát mà Cục NTBD vừa công bố. Chúng tôi cũng đang liên lạc với Cục NTBD để xem cụ thể họ muốn cấp phép hay công bố để người sử dụng biết liên lạc đến các tác giả liên quan. Nhưng ngay cả khi Cục NTBD công bố các bài hát đã phổ biến, vấn đề đặt ra là tại sao lại 300 mà không phải 500 hay thậm chí 3.000 hay 3 triệu bài? Năng lực quản lý ở đâu mà lại chỉ công bố có 300 bài? 300 bài đó được lựa chọn theo tiêu chí nào (thời gian, lượng người nghe, được yêu thích nhất…) hay là thích bài nào công bố bài đó? Nếu chưa đủ năng lực thì phải tập hợp con người, tiềm lực tài chính để rà soát một lượt xong rồi công bố một lần thôi. Thậm chí, đến cả bài "Quốc ca" mà cả nước đã hát từ bao nhiêu năm nay giờ cũng "được" công bố đến cho công chúng nữa thì buồn cười quá! Tại sao không công bố những bài không được phép phổ biến, số lượng các bài đó chắc chắn là ít hơn và cần thiết hơn cho những người tham gia biểu diễn có phương tiện tham khảo.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18, 19 và 22-5

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo