xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cực như sáng tác tranh khắc gỗ

Bài và ảnh: Ngọc Lê

Ít ai nghĩ rằng đội ngũ họa sĩ làm tranh khắc gỗ, sử dụng dao búa đục, đẽo đa phần là giới nữ

Các nữ họa sĩ thường được gắn với hình ảnh nhẹ nhàng, nữ tính bên cây cọ, bảng màu. Ít ai nghĩ rằng có những người lại đam mê dao, búa và đục đẽo của mảng tranh khắc gỗ. Đôi tay họ không mềm mại vì phải dùng sức cho các nhát dao khắc lên gỗ, phải khiêng các tấm gỗ to gấp 3 lần mình bỏ lên máy in hay ngay cả công đoạn đơn giản nhất là dùng ru-lô (cây lăn mực) nặng hơn 1 kg chà mực lên các tấm gỗ cũng vô cùng nhọc nhằn.

Công việc cần sức khỏe

Nữ họa sĩ Tố Uyên, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM, cho rằng để theo nghề này, ngoài sự say mê còn cần sức khỏe bởi làm tranh đồ họa rất vất vả, trong đó tranh khắc gỗ là tương đối đỡ cực. Những môn khác của ngành như khắc đá, khắc kẽm, in lưới không những phải khiêng vác nặng hơn mà còn tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm. “Quy trình sáng tạo tranh khắc gỗ là kết quả của một quá trình lao động công phu phức tạp; công việc khắc và in rất tỉ mỉ, khó khăn nhưng cũng rất hứng thú với người sáng tác vì thớ gỗ chất màu tạo nên những hiệu quả bất ngờ” - nữ họa sĩ nhận xét.


Lê Thị Như Hoài đang khắc một bức tranh gỗ

Lê Thị Như Hoài đang khắc một bức tranh gỗ


Xuân vùng cao

Xuân vùng cao


Tác phẩm “Mùa cấy” của Hồng Quyên

Tác phẩm “Mùa cấy” của Hồng Quyên


“Những chiếc ô” của Tố Uyên

“Những chiếc ô” của Tố Uyên


Tác phẩm “Rừng cao su” của Như Hoài (tranh kích thước 80 x 160 cm)

Tác phẩm “Rừng cao su” của Như Hoài (tranh kích thước 80 x 160 cm)


Tác phẩm “Tay mẹ” của Nguyễn Thị Khuyên

Tác phẩm “Tay mẹ” của Nguyễn Thị Khuyên

Mỗi lần làm tranh khắc phá bản gỗ (cách in tranh khắc gỗ nhiều màu chỉ trên một tấm gỗ) tốn rất nhiều thời gian và công sức. Bức “Mùa cấy” mà họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Hồng Quyên dùng làm đồ án tốt nghiệp đã in phá bản 20 lần. “Mỗi lần in tranh mất cả ngày trời vì phải làm liên tục không ngơi nghỉ để cho màu in không bị khô, in xong tranh là chân tay rã rời!” - Nguyễn Hồng Quyên, vừa tốt nghiệp Khoa Đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM, cho hay.

Tranh phá bản có cái khó như vậy, còn tranh mộc bản lại cần sự cẩn trọng và tỉ mỉ từng chi tiết. Họa sĩ Lê Thị Như Hoài cho biết tranh mộc bản phải giữ nguyên thớ gỗ và dùng dao khắc trực tiếp lên, nếu lỡ tay khắc không khéo tranh bị hỏng, chỉnh sửa lại cũng không như ý mình. Vì vậy, bức tranh “Rừng cao su” của chị mất 3 tháng mới hoàn thành.

Khắc tranh tuy cực nhưng không mệt nhọc bằng in tranh. Thêm nữa, không phải ai cũng sắm sẵn máy in tranh khắc gỗ, nữ họa sĩ Hoàng Xuân Liên cho biết Trường Đại học Mỹ thuật TP có máy in tranh phục vụ cho giáo viên và sinh viên Khoa Đồ họa, còn các họa sĩ khác muốn in tranh phải chở tranh lên Hội Mỹ thuật TP HCM in. Mỗi lần mang vác tranh gỗ rất nặng nề nên hiện chị chỉ làm tranh khổ nhỏ hay lớn lắm cũng chỉ cỡ 40 x 60 cm. Một số họa sĩ tự chế tạo “đồ in” tại nhà cho tiện lợi. Họa sĩ Nguyễn Thị Khuyên nhờ thầy của mình là họa sĩ Trần Văn Quân chế tạo một khối sắt có kích thước như vòi sen, thay vì cho tranh lên máy in, chị dùng vật này thay thế. Cứ mỗi lần lăn một lớp mực lên tấm gỗ, dán giấy gió thấm mực lên, chị nhấc khối sắt nặng gần 3 kg chà đều tay lên bức tranh gỗ và đâu phải in một lần, nếu làm tranh phá bản thì phải in từ 4 lần trở lên. “Dù sử dụng “máy in” tự chế này rất cực nhưng tôi có thể tự điều chỉnh độ đậm nhạt của mực trên tranh khiến mình rất hài lòng với tác phẩm” - chị Khuyên cho biết.

Tranh “ế” nhưng vẫn mê

Học và theo nghề tranh khắc gỗ cực nhưng tranh khắc gỗ hiện khó bán trên thị trường, hầu hết các nữ họa sĩ đều không sống bằng chính nghề của mình. Họa sĩ Hoàng Xuân Liên làm việc tại NXB Giáo Dục, chị Nguyễn Thị Khuyên làm giảng viên Bộ môn Đồ họa Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TP HCM, ngay cả 2 nữ họa sĩ trẻ Như Hoài và Hồng Quyên hiện là giáo viên dạy vẽ cho trẻ em.

Đã sáng tạo nghệ thuật thì ai chẳng mong sản phẩm của mình được đón nhận. Thế nhưng, tranh khắc gỗ hiện đại ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ với người cảm thụ. Người dân chỉ quen với tranh khắc dân gian Đông Hồ, ít ai biết rằng tranh khắc gỗ giờ đây cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, họa sĩ dòng tranh này gặp khó khăn khi đem tranh đến thị trường. Họa sĩ Hoàng Xuân Liên đã gắn bó với nghề mấy chục năm cũng chẳng bán được bao nhiêu tranh. Tố Uyên là một trong các nữ họa sĩ ở TP HCM có tranh khắc gỗ bán được nhiều hơn các nữ họa sĩ khác nhưng theo chị “vẫn ít lắm!”.

Thỉnh thoảng, tại các triển lãm mỹ thuật, tranh khắc gỗ của các chị có người hỏi mua. Bức tranh “Nhà tôi” của chị Liên được mua tại một triển lãm mỹ thuật ở Singapore đã là một thành công, còn chị Khuyên cũng từng bán được một bức cho nhà sưu tập tranh nước ngoài. Từ đó đến nay, những bức tranh khắc gỗ do các chị làm ra chủ yếu thỏa mãn niềm đam mê cho mình. Theo chị Khuyên, tranh khắc gỗ hiện chưa phổ biến trên thị trường là bởi ít người biết tới, chưa được quảng bá nhiều. Thêm nữa, tranh khắc gỗ hiện có bán vẫn chỉ bán tác phẩm thương mại phổ biến là khắc trên ván ép, không đạt độ bền cao và chỉ phù hợp trang trí, còn với những nhà sưu tập tranh, chất lượng bức tranh phải song hành với cái đẹp của tác phẩm. Giấy in tranh tốt nhất hiện nay là giấy dó vẫn không chất lượng bằng loại giấy cao cấp bên Nhật. Để bảo đảm tranh tốt, họa sĩ phải bỏ tiền ra nhập giấy tốt về hay mua loại gỗ công nghiệp có chất chống ẩm nhưng giá cả rất đắt đỏ nên không phải ai cũng có khả năng đầu tư, nhất là trong tình hình tranh khắc gỗ không nổi bật trên thị trường tranh.

Họa sĩ Tố Uyên cho hay mặc dù loại tranh này chưa được ưa chuộng song chị vẫn sáng tác đều đặn vì đam mê. Có hôm chị Nguyễn Thị Khuyên khắc tranh tới 4 giờ sáng, bên cạnh là 2 đứa con nhỏ mắt thao láo nhìn mẹ. Những đêm khuya vừa khắc tranh vừa trông con như vậy đã tạo cảm hứng sáng tác cho chị. Đa số các bức tranh khắc gỗ của chị Khuyên đều miêu tả về tình mẫu tử hay các em bé với hai má phúng phính nằm ngủ say sưa.

Theo họa sĩ Trần Văn Quân, giảng viên Khoa Đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật TP, chỉ cần các nữ họa sĩ không phải lo lắng mưu sinh, họ chỉ chuyên tâm làm tranh theo cảm xúc, không bị thị trường tác động thì “vườn tranh” khắc gỗ của các nữ họa sĩ sẽ vô cùng phong phú.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo