Thị trường điện ảnh Việt ngày càng trở nên sôi động khiến cho nhiều dự án làm phim hợp tác với các đối tác nước ngoài của điện ảnh Việt Nam được công bố và thực hiện. Việc các nhà sản xuất Việt hợp tác với các công ty sản xuất Hàn Quốc, Trung Quốc... làm phim không mới nhưng gần đây, số lượng hợp tác nở rộ khi liên tục có dự án mới được giới thiệu, sắp công chiếu. Dẫu tỉ lệ phim hợp tác thành công doanh thu trên thị trường Việt chưa cao, chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng người trong giới vẫn kỳ vọng vào làn gió mới này.
Nhiều dự án hợp tác
Dự án phim hợp tác mới nhất được nhận định thuộc hàng “đình đám” là “Girls 2 - Những cô gái và gangster” do công ty giải trí của Trần Bảo Sơn và một công ty ở Hồng Kông cùng sản xuất; đạo diễn Barbara Wong Chun Chun (Hoàng Chân Chân); thuộc thể loại hành động, tâm lý, hài; tập trung dàn sao gồm: Trần Bảo Sơn, Trương Quân Ninh, Tiết Khải Kỳ, Trần Ý Hàm…, đặc biệt có sự góp mặt của tay đấm Mike Tyson. Nhà sản xuất cho biết phim có bối cảnh ở Việt Nam, dự kiến sẽ được công chiếu tại Hồng Kông và các nước châu Á vào mùa Giáng sinh năm nay trước khi phát hành ở Việt Nam.
Một dự án phim hợp tác khác giữa Việt Nam và Ấn Độ có tựa Việt là “Sám hối”. Nhà sản xuất Raja Ramani có hơn 1 năm để chuẩn bị dự án này. Đạo diễn phim là Peter Hiền (nghệ danh tại Ấn Độ là Peter Hein), từng là đạo diễn hành động của phim sử thi “Baahubali (2015): The Beginning”. Chia sẻ về “Sám hối”, Peter Hiền cho biết: “Về Việt Nam thực hiện phim lần này, ngoài tôi còn có nhà sản xuất Raja Ramani, đạo diễn hình ảnh và quay phim đều là người Ấn Độ. Bình Minh và Anh Thư là 2 diễn viên Việt Nam được mời vào vai chính trong phim”. Theo nhà sản xuất Raja Ramani, “Sám hối” quay ở Việt Nam rồi mang về Ấn Độ làm hậu kỳ, dự kiến công chiếu tại Việt Nam và Ấn Độ vào năm 2017.
Chuẩn bị ra mắt khán giả Việt vào tháng 9, phim kinh dị “Cô hầu gái” lại là một sản phẩm hợp tác tay ba giữa nhà sản xuất người Mỹ gốc Việt Timothy Linh Bùi; công ty sản xuất: HKFilm của Việt Nam và CJ Entertaiment của Hàn Quốc; đạo diễn phim là người Mỹ gốc Việt Derek Nguyễn; nam diễn viên chính người Pháp Jean-Michel Richaud, nhiều thành viên khác trong ê-kíp đều là Việt kiều. Phim này hiện được trông đợi sẽ làm nên chuyện tại thị trường Việt Nam.
Hợp tác làm phim giữa Việt Nam và các nước trên thế giới được người trong giới xác định là xu thế từ lâu. Việc hợp tác dựa trên nhiều hình thức khác nhau như hai bên cùng bỏ vốn làm phim, nhà làm phim trong nước cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho đoàn làm phim nước ngoài, nhà sản xuất trong nước bỏ vốn và mời các nhà làm phim nước ngoài tham gia.
Đang chuẩn bị một dự án hợp tác làm lại phim ăn khách của Hàn Quốc (hình thức góp vốn 50%; đạo diễn người Hàn thực hiện trên kịch bản Việt hóa 90%), bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, cho biết phim Hàn Quốc thường có vốn đầu tư lớn, gấp 7 lần Việt Nam. Nếu muốn hợp tác bình đẳng cùng khai thác chung ở các thị trường thì không đơn giản. Vì thế, giải pháp làm dạng remark (làm lại) có chi phí rẻ hơn.
Vẫn nuôi kỳ vọng
Bà Bích Thủy cho rằng Việt Nam đang cần hợp tác sản xuất phim với các nhà sản xuất nước ngoài là vì mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của họ. Điện ảnh Việt Nam vẫn đang bắt đầu phát triển và hội nhập, hợp tác với các nhà sản xuất phim nước ngoài là cơ hội tốt cho những người làm nghề trong nước. Dù hợp tác không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi và hiệu quả như mong đợi nhưng hầu hết những người trong giới đều kỳ vọng vào con đường này để phát triển phim Việt. Thông qua hoạt động hợp tác, điện ảnh Việt từng bước tiếp cận được công nghệ tiên tiến, tăng kinh phí đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng tác phẩm và khả năng cạnh tranh, mở rộng được thị trường ra các nước.
“Chúng tôi cũng mong được cơ hội hợp tác với nhà sản xuất quốc tế, luôn mở lòng với những ai muốn chung sức. Tuy nhiên, hiện chúng tôi chưa có cơ hội này” - diễn viên kiêm nhà sản xuất Thanh Thúy nói.
Theo nhà sản xuất Timothy Linh Bùi, hợp tác là xu thế hiện nay và có lợi cho đôi bên trong lúc điện ảnh Việt đang tăng trưởng tốt. Như bản thân anh không thể am tường nét văn hóa, thị hiếu khán giả Việt. Khi hợp tác, anh nhận được sự tư vấn từ những nhà sản xuất, đạo diễn có tiếng người Việt...
Điện ảnh Việt đang trên đà phát triển, khán giả cũng yêu thích phim Việt, muốn ủng hộ phim Việt và đây là lợi thế lớn. “Tôi có rất nhiều người bạn nước ngoài cũng mong muốn đến Việt Nam đầu tư sản xuất phim. Họ nhận ra tiềm năng của thị trường Việt Nam nhưng chưa có cơ hội cũng như tìm được ý tưởng ấn tượng. Trong tương lai, tôi nghĩ việc hợp tác này sẽ nhiều hơn và cũng mong đưa được phim Việt ra nước ngoài sau khi chinh phục thị trường trong nước” - Timothy Linh Bùi chia sẻ.
Nhiều người trong giới cho rằng phim hợp tác nở rộ cũng là một tín hiệu tốt cho phim Việt. Dù hiện tại số lượng thành công chưa nhiều nhưng có hợp tác, thực hiện sản phẩm mới rút được kinh nghiệm và dần dần đạt được đích đến mong muốn.
Chưa nhiều dấu ấn
Những dự án phim hợp tác được cho là thành công có thể kể: “Em là bà nội của anh” (làm lại từ kịch bản phim Hàn, do CJ Entertainment và HKFilm hợp tác sản xuất), “Để Mai tính 2” (do CJ Entertainment, Hãng phim Chánh Phương, Early Risers Media Group, Galaxy Studio hợp tác sản xuất). Những phim khác: “Oan hồn” (hợp tác giữa Metal Film - Việt Nam với Suptar House - Thái Lan), “Mười” (hợp tác Việt - Hàn)… đều chưa làm nên cơn sốt doanh thu. Đó là chưa kể đến các dự án được kỳ vọng nhiều nhưng lại bị tạm dừng đáng tiếc như “I am wanted” (nữ đạo diễn người Thụy Điển Beata Gardeler) từng được giới thiệu là sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam - Thụy Điển - Canada do công ty của Trương Ngọc Ánh là TNA Entertainments và 2 công ty sản xuất phim Rhombus Media, Eye Works thực hiện với kinh phí dự kiến lên đến 85 tỉ đồng. Tuy nhiên mới đây, Trương Ngọc Ánh cho biết dự án này dừng lại và chưa nói rõ lý do. Dự án phim kinh dị - hài do Mai Thu Huyền sản xuất định mời Quách Tấn An đóng chính cũng tạm ngừng, chờ chuyển hướng khác.
Không chỉ phim điện ảnh, ở mảng phim truyền hình, dạng hợp tác này cũng tạo được sự chú ý nhưng thành công nhất chỉ có phim “Tuổi thanh xuân”, đang được làm phần 2. Những phim hợp tác Việt - Nhật như “Người cộng sự”, “Khúc hát mặt trời” hay “Mùi ngò gai”, “Lẵng hoa tình yêu” hợp tác với Hàn… đều chỉ dừng lại ở mức xem được, chưa có sự đột phá.
Bình luận (0)