Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023 với chủ đề "Dòng chảy" chính thức khai mạc tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tối 17-11.
Các đại biểu ấn nút khai mạc lễ hội. Ảnh: HNM
Phát biểu khai mạc tại lễ khai mạc, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ra đời cách đây gần 120 năm. Nơi đây từng là những phân xưởng do người Pháp quản lý và từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử ngành đường sắt nước ta. Hệ thống nhà xưởng, máy móc hiện tại được xây dựng, lắp đặt hơn 40 năm trước.
"Nhắc lại lịch sử của nhà máy là dịp để chúng ta có thể cảm nhận rõ hơn chủ đề của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm 2023 với chủ đề "Dòng chảy" - bà Vũ Thu Hà nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh "Dòng chảy" mang ý nghĩa tượng trưng, đó là sự kế thừa, tiếp nối quá khứ vào trong cuộc sống hiện đại. Ảnh: HNM
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh Thăng Long - Hà Nội hình thành, phát triển gắn liền với dòng chảy sông Cái - sông Hồng. Trong tương lai, Hà Nội tiếp tục đặt sông Hồng vào trung tâm của phát triển.
Và "Dòng chảy" còn mang ý nghĩa tượng trưng, đó là sự kế thừa, tiếp nối quá khứ vào trong cuộc sống hiện đại mà những gì diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hôm nay là thí dụ điển hình. Trên nền những phân xưởng sản xuất - nơi ghi dấu ấn của sự phát triển công nghiệp hàng trăm năm qua - sẽ là những triển lãm, những màn trình diễn nghệ thuật, những cuộc hội thảo, toạ đàm.
"Việc sản xuất của Nhà máy sẽ được di dời đến một nơi khác, nhưng những hoạt động này là gợi ý, để di sản của Nhà máy có thể sẽ được tiếp nối, được tái sinh, trở thành những không gian văn hoá - sáng tạo" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nói.
Bà Ramla Khalidi, quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: HNM
Phát biểu tại buổi lễ, bà Ramla Khalidi, quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 chắc chắn là một sự kiện quan trọng đối với người dân Hà Nội cũng như du khách để tôn vinh nguồn lực văn hóa sáng tạo phong phú của Thủ đô.
Theo bà Ramla Khalidi, lễ hội là ví dụ điển hình cho thấy sự thành công của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành thủ đô sáng tạo của Việt Nam.
Một tiết mục biểu diễn trong lễ khai mạc. Ảnh: HNM
"Thông qua quan hệ đối tác công tư góp phần thúc đẩy một ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vô cùng năng động và hướng đến giới trẻ, Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ dồi dào để đổi mới và biến thành phố thành một nơi chốn tốt đẹp hơn cho mọi công dân của mình"- bà Ramla Khalidi chia sẻ.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 được tổ chức từ ngày 17đến 26-11 gồm nhiều nội dung, hoạt động hướng đến vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay, đó là ứng xử với những di sản công nghiệp.
Tháp nước Hàng Đậu là một địa điểm thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: Hữu Hưng
Ngoài không gian chính là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, các hoạt động của Lễ hội còn được tổ chức tại Tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm… Đây đều là những di sản công nghiệp gắn bó với Hà Nội trong thời gian qua.
Khách tham quan Tháp nước Hà Nội. Ảnh: Hữu Hưng
Lễ hội tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng, Sáng tạo, với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc và các hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo…
Bình luận (0)