UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan và TP Cẩm Phả rà soát hồ sơ pháp lý, quy trình thủ tục và các nội dung báo chí phản ánh liên quan đến dự án này, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 11-2023.
Trước đó, Ban Quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa và Thể thao và UBND TP Cẩm Phả, về việc chủ đầu tư dự án khu đô thị đổ đất xuống biển tại khu vực vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Hoạt động này gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái khu di sản thiên nhiên và vịnh Hạ Long.
Một lần nữa, vấn đề ứng xử với di sản lại phơi bày một thực tế không vui khi trên đất nước ta những hành vi xâm hại, tác động xấu tới di sản vẫn chưa chấm dứt khiến dư luận xã hội bất bình. Không thể không xót xa khi trong quá trình tu bổ đình Chèm ở Hà Nội, người ta đã thẳng tay chặt đi cây đa hàng trăm năm tuổi trước cửa đình. Ở tỉnh Hải Dương, ngôi đình Tư Đông có từ thế kỷ XVIII còn gần như nguyên bản, bỗng dưng được sơn phết cả một mảng tường bên ngoài bằng một bích họa lớn, không ăn nhập gì với những nét cổ kính hàng trăm năm qua. Ở tỉnh Thanh Hóa, khi trùng tu tôn tạo đền Lê Văn Hưu ở huyện Thiệu Hóa thì giếng Ngọc - suốt hàng trăm năm nay luôn đầy nước - đã bị phá bỏ, xây mới thành giếng nhỏ hơn trước nhiều.
Tại tỉnh Ninh Bình, trong vùng lõi Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, trên địa bàn huyện Hoa Lư có hàng loạt công trình trái phép mọc lên. Báo chí và dư luận lên tiếng, địa phương mới ra tay xử lý…
Còn rất nhiều trường hợp xâm hại di tích diễn ra khắp cả nước trong thời gian qua, điều đó cho thấy các ngành chức năng và địa phương không những không bảo vệ được những giá trị lịch sử của di sản mà còn để xảy ra tình trạng làm hư hỏng, sai lệch so với nguyên trạng. Vụ việc đang xảy ra ở vùng vịnh Hạ Long trên địa bàn TP Cẩm Phả một lần nữa cảnh báo về những ứng xử với di sản chưa đúng mực, thiếu tôn trọng. Các di sản văn hóa mang trong mình những giá trị về văn hóa, khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và nhân văn. Do đó, hành vi vi phạm với di sản không chỉ gây ra hậu quả về vật chất mà còn bao gồm những tác động, ảnh hưởng lớn hơn trên nhiều mặt kinh tế, xã hội, môi trường…
Cơ quan chức năng sẽ kết luận vụ việc và giải pháp xử lý, xác định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân liên quan trong vụ xây khu đô thị ở Cẩm Phả, song qua vụ này cần siết lại kỷ cương trong giữ gìn, bảo vệ di sản.
Di sản là tài sản vô giá của quốc gia, là hồn cốt, bản sắc văn hóa, nên hãy biết giữ gìn, trân trọng. Việc ứng xử với di sản thể hiện thái độ của thế hệ sau đối với lịch sử và văn hóa; thể hiện trình độ văn minh trong quản lý xã hội nói chung và di sản văn hóa nói riêng. n
Bình luận (0)