xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tuyển dụng lao động về từ Libya

DUY QUỐC – NGUYỄN QUYẾT

Bộ LĐ-TB-XH ủng hộ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động Việt Nam tại Libya mất việc, phải về nước trước hạn hợp đồng

Sáng 11-3, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Khang Thông liên quan đến việc tập đoàn này đề nghị tiếp nhận toàn bộ lao động Việt Nam tại Libya mất việc về nước trước hạn hợp đồng. Ngoài Tập đoàn Khang Thông, trong những ngày tới, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH và Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng sẽ làm việc với một số doanh nghiệp (DN) khác về vấn đề này.

img
Lao động Việt Nam tại Libya về đến sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều 8-3. Ảnh: DUY QUỐC
 
Lo việc làm, bảo lãnh nợ vay
 
Buổi làm việc trên nhằm bàn kỹ hơn các phương án, chính sách tiếp nhận lao động Việt Nam từ Libya trở về của Tập đoàn Khang Thông. Theo bà Phạm Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc tập đoàn, nếu được Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan chức năng hậu thuẫn, Tập đoàn Khang Thông sẽ nhận hết toàn bộ hơn 10.000 lao động vào làm việc tại dự án  Happyland vừa khởi công xây dựng và đang cần nhiều lao động tại huyện Bến Lức – Long An. Thời gian tiếp nhận bắt đầu  vào ngày 1-5 nhưng ở thời điểm này nếu người lao động (NLĐ) nào có nhu cầu vẫn được tiếp nhận. 
 
Vấn đề mà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân quan tâm là các chính sách tuyển dụng của DN được thực hiện như thế nào, phương án tiếp nhận, bố trí, sử dụng và nhất là chăm lo ăn, ở cho NLĐ được thực hiện ra sao khi hầu hết lao động Việt Nam tại Libya về nước đều ở các tỉnh phía Bắc. Phía Tập đoàn Khang Thông cho biết do tiếp nhận một lượng khá lớn lao động nên sẽ phải mất một vài tháng. Tập đoàn cũng đã tính đến các phương án chăm lo như tất cả NLĐ đều được bố trí nơi ở miễn phí; thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng đối với lao động phổ thông; 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng đối với lao động có tay nghề. Đặc biệt, đối với những người vay vốn ngân hàng chưa trả xong, Khang Thông sẽ đứng ra bảo lãnh và NLĐ trả dần vào lương làm việc hằng tháng.
 
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc Tập đoàn Khang Thông cũng như nhiều DN khác đang chung tay giải quyết việc làm cho những lao động trở về từ Libya là rất đáng trân trọng. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ LĐ-TB-XH ủng hộ và chỉ đạo, yêu cầu cơ quan chức năng, phối hợp với các DN, chính quyền các địa phương để sớm thực hiện có hiệu quả công tác này.
 
Nhiều doanh nghiệp đặt hàng
 
Ngoài Tập đoàn Khang Thông, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết hiện có khá nhiều DN đang đặt hàng tuyển dụng số lao động từ Libya trở về. Cụ thể, Tổng Công ty Viglacera có nhu cầu tuyển khoảng 1.000  lao động phổ thông, thợ xây dựng và lao động kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật xây dựng. Viglacera đang phối hợp các DN đưa lao động đi làm việc tại Libya thông báo tin tuyển dụng này tới những lao động trở về từ Libya.
 
Công ty CP Công nghiệp xây dựng Toàn Phát (Topaco) có trụ sở tại quận Đống Đa – Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi Công ty Cung ứng Nhân lực quốc tế và thương mại (Sona), đề nghị tạo điều kiện để tiếp nhận bộ phận kỹ sư, công nhân kỹ thuật trở về từ Libya. Nhu cầu tuyển dụng của Topaco khoảng 40 kỹ sư, đội trưởng, chỉ huy trưởng công trình với mức thu nhập từ 350 USD - 1.000 USD/tháng và 350 thợ xây dựng, thợ hàn, mức lương mỗi tháng 200 USD - 250 USD. Một số DN khác cũng đặt hàng, nhờ Cục Quản lý Lao động ngoài nước hỗ trợ tiếp nhận lao động trở về từ Libya vào làm việc như Công ty CP Vinaconex 6, Công ty CP Cầu Đuống…
 
Trong khi đó, UBND các tỉnh có lao động sang Libya như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An… cũng đang làm việc với các DN trên địa bàn để vận động tiếp nhận lao động. Tại Hà Tĩnh, một trong những địa phương có nhiều lao động sang làm việc tại Libya nhất (1.366 người), UBND tỉnh đang chỉ đạo các ban ngành chức năng phối hợp với Ban Quản lý KCN Vũng Áng lên  kế hoạch tiếp nhận số lao động của tỉnh vào KCN này làm việc.
 
Tiếp tục đưa người lao động ra nước ngoài
 
Những DN có đưa lao động sang làm việc tại Libya như Sona, Vinaconex Mec, Việt Thắng, Letco, Airseco, Việt Nhật… cũng là những DN cung ứng lao động cùng lĩnh vực xây dựng sang các nước Trung Đông như Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, Ả Rập Saudi, Bahrain… Do vậy, phương án vận động đưa số lao động từ Libya trở về sang Trung Đông làm việc đang được các DN tính đến. Theo ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Airseco, thu nhập của NLĐ ở các nước Trung Đông không quá chênh lệch so với ở Libya nên sẽ có nhiều người muốn sang. Công ty sẽ có chính sách hỗ trợ để NLĐ tiết giảm tối đa chi phí. 
 
Ngoài thị trường Trung Đông, đối với số lao động thuộc 62 huyện nghèo, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng đã tính đến phương án chuyển đổi, ưu tiên đưa họ sang Nhật Bản theo chương trình hợp tác với Cơ quan Hỗ trợ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản (IMM Japan) và chương trình cấp phép EPS tại Hàn Quốc. Đây là hai chương trình mà NLĐ tốn rất ít chi phí nhưng thu nhập cao. Ngoài ra, cục cũng đang có hướng giải quyết việc làm cho số lao động trên ở thị trường Malaysia vì Bộ Nguồn Nhân lực Malaysia đã có quyết định cho phép các DN nước này tuyển dụng 45.000 lao động nước ngoài trong năm 2011. Nếu sang Malaysia làm xây dựng hoặc vào nhà máy sản xuất, thu nhập của NLĐ cũng có thể đạt 5 triệu đồng – 6 triệu đồng/tháng trở lên... 

Khởi động chương trình “Tiếp sức cho lao động từ Libya trở về”

 
Đồng hành cùng các bộ, ngành chức năng trong việc giải quyết việc làm, giúp NLĐ Việt Nam từ Libya trở về ổn định cuộc sống, Báo Người Lao Động chính thức khởi động chương trình “Tiếp sức cho lao động từ Libya trở về”.
 
Các DN tham gia chương trình vui lòng cung cấp đầy đủ thông tin về kế hoạch, phương án tiếp nhận cùng với các cam kết cụ thể, rõ ràng về hợp đồng, tiền lương, phúc lợi, điều kiện làm việc, loại hình tuyển dụng, điều kiện ăn, ở (nếu có) cho NLĐ. Thông tin về kế hoạch, phương án tiếp nhận lao động của DN sẽ được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên Báo Người Lao Động và tại website “Thế giới việc làm của bạn” tại địa chỉ http://vieclam.nld.com.vn. Ngoài ra, Báo Người Lao Động cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, DN có đưa lao động sang Libya nắm rõ danh sách, địa chỉ của NLĐ để cung cấp cho DN có nhu cầu.
 
Các DN tham gia chương trình gửi thông tin về Phòng Việc làm Báo Người Lao Động, số 14 Cách Mạng Tháng Tám, P. Bến Thành, Q.1 – TPHCM, ĐT: 08.39301698; hoặc văn phòng Hà Nội: 16 F, Phùng Hưng, ĐT: 04.39274484; email: vieclam@nld.com.vn, ctcd@nld.com.vn. Hoặc đường dây nóng: 0918257221 (anh Duy Quốc).

NLĐ từ Libya trở về nếu có nguyện vọng vào làm việc tại những DN tham gia chương trình, có thể gửi thông tin yêu cầu hỗ trợ việc làm theo địa chỉ trên. Báo Người Lao Động sẽ tập hợp và cung cấp cho các DN có nhu cầu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo