Có nên bỏ án tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ?

ĐB Phong Lan cũng đề nghị thêm án tử hình với tội làm thực phẩm giả để đủ răn đe, bởi hiện mức án kịch khung chỉ là chung thân

Chính phủ đề xuất bỏ 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình, trong đó có các tội: "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ", "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh", "Vận chuyển trái phép chất ma túy"...

Chiều 20-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự.

Giữ án tử hình để răn đe

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất bỏ 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ Luật Hình sự hiện hành, gồm các tội: "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", "Gián điệp", "Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh", "Vận chuyển trái phép chất ma túy", "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ", "Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược". Đề xuất này nhận được ý kiến trái chiều của các đại biểu (ĐB) QH.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) cho biết rất băn khoăn khi Chính phủ trình bỏ án tử hình đối với 4 tội danh: "Vận chuyển trái phép chất ma túy", "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh", "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ". "Có đồng chí nào dám khẳng định 4 loại tội phạm này đang êm đềm không?" - ĐB Phong Lan nêu câu hỏi.

Có nên bỏ án tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ?- Ảnh 1.

Đại biểu Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, phát biểu tại cuộc họp Quốc hội ngày 20-5. Ảnh: VĂN DUẨN

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thời gian gần nhất là việc Công an tỉnh Thanh Hóa phá vụ án sản xuất 21 loại thuốc giả. "Nhưng đây mới chỉ là bề nổi chúng ta phát hiện được, chứ thực tế thì khủng khiếp như thế nào? Rồi tội tham ô; tội nhận hối lộ, dù chúng ta đã làm hết sức quyết liệt nhưng đã ai nói là trị được tận gốc chưa hay vẫn còn diễn biến phức tạp?" - ĐB Phong Lan nói. Bà cho rằng đặt vấn đề nhân văn khi bỏ án tử hình đối với một số tội danh nhưng "nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào, với những người đang sống tuân thủ pháp luật, với thân nhân của các nạn nhân".

Về mặt chuyên môn, bà Phong Lan nhấn mạnh tội làm thuốc giả là rất nghiêm trọng. Một bác sĩ yếu tay nghề chỉ làm chết một bệnh nhân và bị kỷ luật, còn nếu dược sĩ táng tận lương tâm làm thuốc giả sẽ giết nhiều người, như giết người hàng loạt, đáng bị trừng trị thích đáng.

Dù chưa có tiền lệ tử hình tội làm thuốc giả nhưng trước thực trạng thuốc giả ảnh hưởng tính mạng, cần áp dụng án tử hình để răn đe, tránh vi phạm trong tương lai. "Trung Quốc từng tử hình cục trưởng quản lý dược năm 2017 vì cấp phép thuốc gây chết người" - bà Phong Lan dẫn chứng.

ĐB Phong Lan cũng đề nghị thêm án tử hình với tội làm thực phẩm giả để đủ răn đe, bởi hiện mức án kịch khung chỉ là chung thân. Thực phẩm làm giả hàng loạt, đặc biệt vừa qua sữa giả, thực phẩm giả ảnh hưởng đến người già, trẻ em, hậu quả rất nặng nề.

Phù hợp xu thế chung?!

ĐB Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP HCM) cũng không đồng ý bỏ án tử hình với tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy". Theo ĐB, trong vụ án buôn bán ma túy, muốn thực hiện thành công thì đối tượng đồng phạm quan trọng nhất vẫn là người vận chuyển.

Theo ông Sang, thời gian qua, dù đang duy trì án tử hình nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn không ngừng tăng, bây giờ vận chuyển lên hàng tạ, hàng tấn.

Nếu bỏ án tử hình, không khéo Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma túy đi nước ngoài. ĐB Sang cũng không đồng ý bỏ án tử hình với các tội: "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ", "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".

Ở góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Hữu Chính, nguyên Chánh án TAND TP Hà Nội, cho rằng việc giảm án tử hình với một số tội danh là đúng. Trên thế giới, một số nước không có án tử hình, một số án tử hình nhưng không thi hành. Án tử hình không phải là hình phạt hữu hiệu có tác dụng giáo dục, răn đe phòng ngừa chung. Án tử hình chỉ là biện pháp áp dụng nghiêm khắc đối với phạm nhân. Cho nên, việc giảm này thể hiện tính nhân đạo của nhà nước, phù hợp xu thế chung, cũng như tình hình thực tế đời sống. Tương tự, đối với tội nhận hối lộ, tội tham ô, là tội phạm kinh tế, việc không áp dụng án tử hình là có căn cứ và bảo đảm tính nhân đạo của nhà nước, đặc biệt khi người tham ô, người nhận hối lộ bồi thường tài sản.

ĐB Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái) cũng đồng tình với dự thảo luật về đề xuất thu hẹp hình phạt tử hình và những tội này được thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án. ĐB cho rằng tù chung thân không xét giảm án vẫn giữ được tính răn đe.

Công an xã được điều tra, khởi tố vụ án!

Đối với tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, điểm đáng chú ý là thẩm quyền khởi tố, điều tra của công an cấp xã. Tại điều 37 Bộ Luật Tố tụng Hình sự bổ sung quy định điều tra viên là trưởng hoặc phó trưởng công an cấp xã được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có một số nhiệm vụ, quyền hạn như thủ trưởng cơ quan điều tra. Điều này có nghĩa công an xã được điều tra, khởi tố vụ án ở khung hình phạt đến 7 năm tù.

Thảo luận nội dung này, ĐB Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, cho biết theo quy định tại dự thảo luật, trưởng công an cấp xã được quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét, kê biên tài sản… "Tôi phân vân nếu trưởng công an cấp xã được thực hiện các quyền nêu trên thì dưới danh nghĩa gì?" - ông nói. Phân tích kỹ hơn, theo ông Hải, nếu lấy danh nghĩa là công an cấp xã để ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam, sẽ phát sinh thêm một cơ quan điều tra cấp xã. Ví dụ TP HCM, sau sắp xếp sẽ có 168 phường, xã và đặc khu thì sẽ có 168 cơ quan điều tra cấp xã để điều tra tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. "Như vậy là hết sức vô lý khi chúng ta đang tiến hành bỏ mô hình cơ quan điều tra 3 cấp (cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện) còn 2 cấp (cấp bộ và cấp tỉnh)" - ông Hải nói.

Nếu công an cấp xã khi hoạt động tố tụng lấy danh nghĩa là cơ quan điều tra cấp tỉnh (con dấu, chữ ký cũng là cơ quan điều tra cấp tỉnh) thì ông Hải "hết sức băn khoăn". "Liệu công an cấp tỉnh có làm được việc đó hay không, ví dụ TP HCM có 168 phường, xã thì mỗi ngày phát sinh bao nhiêu quyết định tố tụng, liệu thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh có làm nổi không?" - ĐB Hải đề nghị ban soạn thảo cân nhắc.

Hôm nay, 21-5, QH thảo luận ở hội trường về việc rút ngắn nhiệm kỳ QH khóa XV và HĐND các cấp; ngày bầu cử ĐBQH khóa XVI và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031; thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... 

Hàng loạt chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội

Sáng 20-5, QH nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Những nội dung mới là đề xuất lập Quỹ Nhà ở quốc gia để thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ NƠXH, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê; bổ sung đối tượng có địa điểm làm việc cách xa nơi có nhà thuộc sở hữu của mình, được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH.

Đặc biệt, dự thảo nghị quyết không quy định các thủ tục hành chính mới, nếu được QH thông qua, nhiều thủ tục hành chính khi làm NƠXH sẽ giảm 70% - 100%, như giảm 70% thời gian thực hiện (giảm 200 ngày) so với quy định hiện hành về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu (tại điều 5); quy định chỉ định thầu rút gọn (điều 7) cắt giảm được 45 - 105 ngày so với quy định hiện hành (75%-90%). Các quy định giảm 100% thủ tục hành chính so với hiện hành gồm: Bỏ yêu cầu thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết (điều 6); bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng (điều 7); xác định giá bán, giá thuê mua (điều 8).