Duy trì quan hệ tốt đẹp

Khi đã quyết định "chia tay", doanh nghiệp và người lao động cần thể hiện tinh thần sẵn lòng hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau

Thời gian qua, việc cắt giảm lao động số lượng lớn của nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn sau dịch COVID-19, đã làm ảnh hưởng đến tâm lý, việc làm và thu nhập của cả người "ra đi" và "ở lại". Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với bà Thanh Nguyễn - Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc - Công ty CP Anphabe (quận 1, TP HCM) về chuyện này.

* Bà đánh giá thế nào về tình hình cắt giảm lao động hiện nay?

- Bà THANH NGUYỄN: Theo khảo sát của Anphabe, hiện trung bình cứ 10 DN thì có 3 DN buộc phải cắt giảm nhân sự với quy mô khác nhau để giảm thiểu chi phí. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là công nghệ thông tin - phần mềm - thương mại điện tử (giảm 25% nguồn nhân lực); bất động sản (22%); bảo hiểm (18%); điện tử - công nghệ cao (16%) và du lịch - ẩm thực - nghỉ dưỡng (16%). Đến nay, đã có khoảng 13% người đi làm chịu ảnh hưởng trực tiếp của đợt cắt giảm nhân sự.

Duy trì quan hệ tốt đẹp - Ảnh 1.

Bà THANH NGUYỄN

* Để không bị hụt hẫng, người "ở lại" cần trang bị gì?

- Thật ra bị stress nhất trong đợt cắt giảm nhân sự này là người "ở lại", bởi họ không biết khi nào đến lượt mình "ra đi". Do đó, họ cần giải tỏa tâm lý bằng tư duy cởi mở với những nghịch lý, khi phải làm nhiều việc hơn với nhân sự ít. Về mặt tích cực thì đây là cơ hội chứng tỏ khả năng của bản thân, có sức đề kháng với stress tốt hơn.

Duy trì quan hệ tốt đẹp - Ảnh 2.

1.200 lao động của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) vừa bị cắt giảm được hỗ trợ 0,8 tháng lương/năm làm việc Ảnh: HỒNG ĐÀO

Bên cạnh đó, phải tin tưởng, đồng hành, chia sẻ thẳng thắn với công ty những khó khăn và suy nghĩ của mình về tình hình kinh doanh. Qua đó, để hai bên cùng hiểu, thông cảm và hành động vì mục tiêu chung. Ngoài ra, mỗi người đi làm (kể cả "ra đi" hay "ở lại") đều phải liên tục trau dồi những kỹ năng mới để phù hợp với xu hướng của thị trường lao động, việc làm. Điều này giúp bản thân không chỉ có năng lực thực hiện công việc tốt, hiệu quả hơn, mà còn có kỹ năng để làm và hỗ trợ những công việc ngoài chuyên môn.

* Bà có lời khuyên gì với DN và NLĐ khi quyết định "chia tay"?

- Việc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) là một quyết định khó khăn và nhạy cảm cả với DN và NLĐ. Do đó, tôi khuyên DN tuân thủ 3 nguyên tắc: hợp pháp, hợp lý và hợp tình. Trong đó, việc chấm dứt HĐLĐ cần đúng quy định pháp luật và các điều khoản trong HĐLĐ, tránh vi phạm quyền và lợi ích của cả hai bên. DN và NLĐ nên có sự thống nhất và đồng thuận trong quá trình chấm dứt hợp đồng. Đối với DN, nếu "chia tay" là phương án cuối cùng thì phải thông báo trước đồng thời giải thích rõ lý do để tạo sự minh bạch và công bằng với NLĐ. Ngược lại, NLĐ cần tôn trọng quyết định và hoàn thành trách nhiệm của mình trước khi nghỉ để không gây thiệt hại cho DN.

Để tránh xảy ra những tranh chấp không đáng có và duy trì mối quan hệ tốt đẹp, việc chấm dứt HĐLĐ phải hợp tình. Hai bên nên thể hiện tinh thần sẵn lòng hỗ trợ, tôn trọng lẫn nhau. Phía DN cần xem xét và thấu hiểu cho những khó khăn mà NLĐ đã và đang phải đối mặt; bảo đảm việc chấm dứt HĐLĐ không gây tổn thương đến tâm lý, tinh thần và danh dự, uy tín của họ. Đối với NLĐ, nên hiểu và thông cảm DN, tránh những phản kháng "vô thức" và "bản năng", có thể gây tổn hại đến uy tín, danh dự của cả hai bên.