Cải thiện môi trường làm việc
Mỗi ngày đến công ty, anh Minh không còn cảm giác đi làm mà như bước vào một cuộc chiến đầy căng thẳng
Khi nhắc đến lý do khiến người lao động (NLĐ) rời bỏ công việc, nhiều người sẽ nghĩ đến mức lương thấp hoặc chế độ phúc lợi chưa thỏa đáng. Thế nhưng, có một nguyên nhân thầm lặng nhưng ngày càng phổ biến, đó là môi trường làm việc. Dù không ồn ào, không dễ nhận ra ngay từ đầu, nhưng lại âm thầm bào mòn năng lượng, tinh thần của NLĐ theo thời gian.
Áp lực, căng thẳng kéo dài
Sau 3 năm gắn bó với công việc từng là mơ ước, anh Nguyễn Hồng Quang Minh - nhân viên truyền thông tại một công ty agency (quảng cáo) ở TP Thủ Đức, TP HCM - đã quyết định nghỉ việc.
Nguyên nhân không phải do lương thấp hay áp lực công việc, mà vì môi trường làm việc ngày càng bào mòn tinh thần anh. Mỗi ngày đến công ty, anh không còn cảm giác đi làm mà như bước vào một trận chiến tâm lý. Cấp trên liên tục soi xét, chỉ trích trước mặt tập thể, đồng nghiệp ganh đua thiếu thiện chí, cùng những cuộc họp kéo dài hàng giờ chỉ để tìm lỗi và đổ trách nhiệm thay vì cùng nhau giải quyết vấn đề. "Có lần cả phòng họp kéo dài 3 giờ chỉ để xác định lỗi thuộc về ai. Cuối cùng, mọi trách nhiệm bị đổ lên bộ phận của tôi dù không có bằng chứng rõ ràng" - anh Minh nói.
Chị Phạm Thu Hương (28 tuổi) - nhân viên chăm sóc khách hàng tại một công ty viễn thông lớn ở quận 10, TP HCM - chịu áp lực lớn khi phải thực hiện hơn 100 cuộc gọi mỗi ngày để tư vấn, giải đáp và xử lý khiếu nại. Công việc của chị bị giám sát từng giây qua hệ thống. "Tôi luôn cố gắng giúp khách hàng, nhưng khi có phàn nàn dù không phải lỗi của mình, tôi vẫn bị sếp la mắng. Áp lực KPI cao, nếu không đạt chỉ tiêu sẽ bị giảm lương, thưởng. Quy trình làm việc máy móc, thiếu linh hoạt và không có hỗ trợ tinh thần khiến tôi căng thẳng kéo dài" - chị Hương nói.
Áp lực khiến chị Hương mất ngủ, mệt mỏi và mất dần động lực. Chị quyết định nghỉ việc để tìm môi trường làm việc lành mạnh, nơi con người được trân trọng và phát triển bền vững.

Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh là nền tảng để người lao động và doanh nghiệp cùng phát triển. Ảnh minh họa: AI
Còn anh Phạm Ngọc Tiến (quận Tân Phú, TP HCM), quản lý sản xuất tại một nhà máy lớn, thường xuyên chịu áp lực từ ban giám đốc và công nhân trên dây chuyền. Anh phải nhận chỉ đạo nghiêm ngặt và giải quyết mâu thuẫn, yêu cầu từ công nhân, thường xuyên làm thêm giờ nhưng không có quyền quyết định chủ động. Khi xảy ra sự cố, anh thường bị đổ lỗi dù nguyên nhân từ nhiều phía. Anh không được ủng hộ, mà thường bị chỉ trích, cảm giác bất công và cô lập.
Áp lực kéo dài khiến anh mất động lực, thậm chí từ chối cơ hội thăng tiến để tránh thêm căng thẳng. Anh đứng trước nguy cơ rời bỏ công việc hoặc giữ vị trí hiện tại mà không có hướng phát triển, vì môi trường làm việc đã lấy đi niềm vui và sự hài lòng trong nghề.
Xây dựng văn hóa an toàn
Theo TS Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP HCM, môi trường làm việc "độc hại" thể hiện qua nhiều dấu hiệu dễ nhận biết. Trước hết, lãnh đạo doanh nghiệp (DN) thường xuyên la mắng, xúc phạm nhân viên trước mặt đồng nghiệp, thiếu minh bạch trong các quyết định và thiên vị một số cá nhân, đồng thời thao túng cảm xúc NLĐ. Điều này khiến nhân viên mất động lực, cảm thấy bị cô lập và thiếu sự công bằng.
Mặt khác, công việc được giao thiếu rõ ràng, không có tiêu chí đánh giá cụ thể và thiếu định hướng phát triển khiến nhiều người rơi vào trạng thái bế tắc, từ đó dẫn đến tỉ lệ nghỉ việc cao và phản ánh sự bất ổn trong môi trường làm việc. "Những yếu tố này tác động xấu đến sức khỏe, tinh thần và thể chất của NLĐ, gây stress, trầm cảm, đồng thời làm giảm năng suất và động lực làm việc" - TS Bình phân tích.
Theo ThS Nguyễn Thị Bích Thủy, giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường ĐH Văn Hiến, NLĐ cần chủ động nhận diện dấu hiệu bất thường ngay từ giai đoạn phỏng vấn tuyển dụng. Việc quan sát văn hóa ứng xử, tìm hiểu kỹ thông tin qua mạng xã hội hoặc đánh giá từ nhân viên, người trong ngành sẽ giúp ứng viên có cái nhìn thực tế về môi trường làm việc.
Đồng thời, NLĐ cần xây dựng "lá chắn" cá nhân bằng cách giữ ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống riêng tư, giao tiếp thẳng thắn và biết từ chối khi cần thiết để tránh bị quá tải. Khi gặp áp lực, cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, bộ phận nhân sự hoặc chuyên gia tâm lý để bảo vệ sức khỏe tinh thần. Quan trọng nhất, NLĐ phải đánh giá và quyết định đúng lúc khi nên tiếp tục hoặc rời bỏ môi trường làm việc "độc hại", tránh chịu đựng kéo dài gây tổn hại bản thân.
Về phía DN, để không trở thành "nơi làm việc độc hại", cần xây dựng văn hóa an toàn tâm lý, tạo môi trường làm việc tôn trọng, lắng nghe và công bằng. Đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho nhân sự quản lý giúp họ giao tiếp hiệu quả, quản lý cảm xúc và thấu hiểu nhân viên, từ đó nâng cao tinh thần tập thể.
"Bên cạnh đó, DN phải thiết lập hệ thống phản hồi minh bạch, thường xuyên tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân viên để cải thiện môi trường làm việc. Đây chính là cách giúp nâng cao năng suất và giữ chân nhân tài bền vững trong tổ chức" - bà Thủy khuyên.
Thiệt hại không nhỏ
Theo số liệu từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 42% NLĐ tại Việt Nam thường xuyên trải qua tình trạng căng thẳng trong công việc, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Những vấn đề này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của NLĐ mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế.
Ước tính mỗi năm, trầm cảm và lo âu khiến hơn 12 tỉ ngày làm việc bị mất đi. Do đó, các DN và xã hội cần xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, hỗ trợ sức khỏe, tinh thần cho NLĐ.