Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, môi trường làm việc đa văn hóa đã trở nên quen thuộc với người lao động (NLĐ) Việt Nam, nhất là tại các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các tập đoàn đa quốc gia. Sự hiện diện nhiều nét văn hóa trong cùng một DN không chỉ mang lại cơ hội mở rộng tư duy, rèn luyện khả năng thích ứng mà còn giúp NLĐ nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.
Bất ngờ, bỡ ngỡ
Anh Nguyễn Hải Quỳnh, hiện là trưởng nhóm thương mại điện tử tại một công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ ở TP HCM. Kể về những ấn tượng ban đầu khi gia nhập DN này, anh cho hay rất bất ngờ trước cách quản lý NLĐ, khuyến khích sự sáng tạo và phản biện xây dựng.
"Ban đầu, tôi cảm thấy ngại khi bị góp ý ngay trong cuộc họp. Sau đó, tôi hiểu đây là văn hóa phản hồi mở, nhằm giúp mọi người trong công ty phát triển" - anh Quỳnh cảm nhận.
Anh Quỳnh cho biết thông tin được truyền đạt rõ ràng, phản hồi kịp thời giúp nhân viên nhanh chóng điều chỉnh công việc. Điều khiến anh cảm thấy hài lòng là chế độ làm việc linh hoạt, kết quả công việc được đánh giá quan trọng hơn giờ giấc, miễn là hoàn thành hiệu quả.
Chị Trần Ngọc Bích - nhân viên marketing (tiếp thị) tại một công ty Hàn Quốc ở quận 7, TP HCM - cũng từng đối mặt những cú "sốc" văn hóa trong năm đầu làm việc. Hệ thống quản lý theo cấp bậc rõ ràng và các quyết định chủ yếu từ cấp trên khiến chị không khỏi bỡ ngỡ.
"Chủ DN người Hàn Quốc rất khắt khe với việc NLĐ đi trễ, dù chỉ 5 phút. Có lần tôi đến trễ vì kẹt xe và phải viết bản tường trình. Nhưng qua thời gian, tôi nhận ra sự nghiêm ngặt này giúp mình trở nên chuyên nghiệp hơn" - chị Bích bày tỏ.

Môi trường làm việc đa văn hóa giúp người lao động mở rộng tư duy và nâng cao khả năng giao tiếp
Văn hóa giao tiếp trong những DN nêu trên rất đặc trưng, chú trọng việc giữ thể diện cho nhau. Trong môi trường làm việc này, thời gian là yếu tố quan trọng, đi làm trễ là thiếu tôn trọng DN; còn tăng ca được xem là thể hiện tinh thần cống hiến.
Chị Mai Thị Uyên - nhân viên bộ phận nhân sự tại một DN nhựa của Áo ở huyện Củ Chi, TP HCM - cũng có những trải nghiệm thú vị khi làm việc trong môi trường đa quốc gia. Chị ấn tượng với các quy định chuẩn mực về thời gian và sự chính xác trong công việc, nhất là sự công bằng mà các đồng nghiệp người Áo duy trì khi xảy ra tranh chấp.
Lãnh đạo công ty này luôn coi trọng gia đình NLĐ và đối xử với nhân viên như người thân. Có lần, một nhân viên gặp tai nạn giao thông chấn thương sọ não do đội mũ bảo hiểm kém chất lượng. Ngay lập tức, công ty trang bị mũ bảo hiểm chất lượng cao cho tất cả NLĐ và cung cấp bảo hiểm tai nạn 24/7 cho mọi người.
Chị Uyên nhận xét: "Động thái đó không chỉ thể hiện sự quan tâm mà còn giúp nhân viên cảm thấy yên tâm, ấm lòng khi làm việc trong môi trường này".
Mang lại nhiều lợi ích
Với sự hiện diện ngày càng nhiều DN Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... tại Việt Nam, thị trường lao động cũng ngày càng trở nên phong phú và đa dạng. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với NLĐ, khi họ phải làm quen và thích nghi với môi trường làm việc đa văn hóa.
Bà Phạm Lan Khanh, CEO Công ty CP Truyền thông số Flamingo (TP HCM), nhận định môi trường làm việc đa văn hóa mang lại lợi ích sâu rộng cho NLĐ. Không chỉ giúp NLĐ phát triển kỹ năng chuyên môn, môi trường làm việc này còn mang đến cơ hội để họ cải thiện các kỹ năng mềm quan trọng.
Theo bà Khanh, môi trường làm việc đa dạng là cơ hội để NLĐ mở rộng tư duy và nâng cao khả năng giao tiếp đa văn hóa. Việc tương tác với đồng nghiệp từ nhiều nền văn hóa khác nhau giúp NLĐ thấu hiểu và tôn trọng, đồng thời học cách giao tiếp hiệu quả trong các tình huống có sự khác biệt về ngôn ngữ và phong cách làm việc.
Môi trường này cũng giúp NLĐ tiếp cận các phong cách làm việc và phương pháp quản lý đa dạng. "Việc học hỏi cách tổ chức công việc và chiến lược quản lý từ DN nước ngoài sẽ nâng cao khả năng lãnh đạo, cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề của nhân viên trong các tình huống phức tạp, mang lại cái nhìn sáng tạo và toàn diện hơn trong công việc hằng ngày" - bà Khanh phân tích.
Môi trường đa văn hóa còn thúc đẩy khả năng thích nghi và ứng phó linh hoạt với sự thay đổi. NLĐ sẽ trở nên chủ động và tự tin hơn khi giải quyết vấn đề, vì họ đã quen với việc điều chỉnh phương pháp làm việc để phù hợp với yêu cầu và điều kiện khác nhau. Kinh nghiệm thu được trong môi trường đa văn hóa sẽ giúp NLĐ nâng cao năng lực cá nhân, mở ra cơ hội làm việc tại các tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn.
Tuy nhiên, không phải mọi khía cạnh của môi trường làm việc đa văn hóa đều thuận lợi. Bà Lương Tú Anh, CEO Công ty TNHH NodeX Asia (quận 1, TP HCM), cho rằng ngôn ngữ và sự khác biệt trong phong cách giao tiếp là rào cản lớn của NLĐ.
"Khi ngôn ngữ không đồng nhất, việc trao đổi thông tin dễ dẫn đến hiểu nhầm, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và mối quan hệ đồng nghiệp. Thêm vào đó, sự khác biệt trong cách tiếp cận công việc và xử lý xung đột cũng tạo ra không ít khó khăn cho NLĐ" - bà Tú Anh nhìn nhận.
Những khác biệt trong văn hóa làm việc như giờ giấc, cấp bậc và quan niệm về sự tôn trọng có thể khiến NLĐ cảm thấy khó hòa nhập. Nếu không hiểu và thích nghi với văn hóa chung của DN, họ có thể bị cô lập, làm giảm sự gắn kết trong đội ngũ và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất công việc.
5 nguyên tắc "vàng"
Để phát triển trong môi trường làm việc đa văn hóa, có 5 nguyên tắc "vàng" mà NLĐ có thể áp dụng. Theo đó, cần lắng nghe chủ động thay vì phản ứng vội vàng. Tránh suy diễn dựa trên định kiến văn hóa, bởi mỗi nền văn hóa có những giá trị và cách nhìn nhận khác nhau. Cần xác nhận lại thông tin trước khi đưa ra kết luận để tránh hiểu lầm hoặc mất đi sự chính xác trong giao tiếp. Tôn trọng sự khác biệt, không đùa cợt về các vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, trang phục hay thói quen, bởi có thể ảnh hưởng đến sự hòa nhập trong môi trường làm việc. Góp ý một cách xây dựng, đúng thời điểm và trong bối cảnh phù hợp để giúp đồng nghiệp cải thiện mà không làm tổn thương mối quan hệ.
Các nguyên tắc nêu trên giúp duy trì sự hòa hợp và phát triển bền vững trong môi trường làm việc đa văn hóa.
Bình luận (0)