Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bóng hồng làm cơ khí, thưởng vàng cho công nhân

(NLĐO) - Ít xuất hiện trên truyền thông nhưng bà chủ cơ khí Tân Thanh có sức ảnh hưởng lớn với công ty suốt mấy chục năm từ khi xây dựng, phát triển đến lúc dần chuyển giao cho thế hệ thứ hai.

Không nhiều người biết bà Trần Diệu Canh - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Cơ khí Tân Thanh (gọi tắt là Công ty Tân Thanh) - và chồng là ông Kiều Công Thanh cùng làm công an trước khi rẽ ngang sang nghề cơ khí.

"Với đồng lương công chức eo hẹp, phải nuôi hai con nhỏ, vợ chồng tôi chỉ muốn tìm một nghề làm thêm để có thêm thu nhập. Đúng lúc đó, người chú họ làm nghề kéo kẽm thành đinh đã dạy nghề cho chúng tôi và hứa bao đầu ra" - bà Diệu Canh kể.

Khởi nghiệp từ "5 không"

Những ngày đầu khởi nghiệp của cặp vợ chồng trẻ dù gian truân nhưng cũng may mắn. Nơi cung cấp kẽm thỏa thuận nếu vợ chồng bà tìm được mối phế liệu cung cấp cho họ thì sẽ được mua kẽm với giá thấp hơn. Ham làm, hai vợ chồng đi khắp nơi tìm nguồn phế liệu.

Bà Canh nhớ lại đầu những năm 1990, doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Họ chở rất nhiều nguyên vật liệu sang nước ta bằng container rồi sau đó bán rẻ vỏ container. Vợ chồng bà tìm được đầu mối bán vỏ container giá tốt để mua về bán phế liệu.

Nhưng không lâu sau, bãi chứa phế liệu ở quận 6, TP HCM không nhận chứa hàng nữa và yêu cầu vợ chồng bà di dời container. Bà phải nhờ người kéo container sang xa lộ Hà Nội (nay thuộc TP Thủ Đức, TP HCM) để bán hoặc cho thuê. Thế rồi, may mắn lại một lần nữa đến với vợ chồng bà khi giai đoạn đó, Việt Nam phải trả nợ hàng viện trợ cho Nga, cần một lượng lớn container chở hàng.

Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bóng hồng làm cơ khí, thưởng vàng cho công nhân- Ảnh 3.

Bà Trần Diệu Canh (bìa trái), Tổng Giám đốc Công ty Tân Thanh, trò chuyện cùng người lao động

"Trong một lần giao dịch với khách hàng, tôi thấy họ nhập container từ Thái Lan với giá 6.000 USD, trong đó riêng chi phí vận chuyển đã là 3.000 USD. Tôi kể cho chồng nghe và chúng tôi nảy ra ý tượng táo bạo là tự sản xuất container. Nói là làm. Chúng tôi không nhớ mất bao lâu thì chiếc container đầu tiên ra đời nhưng mẫu mã, chất lượng vượt mong đợi. Chúng tôi vui quá, cứ ngắm nghía mãi rồi quyết định giữ lại để sử dụng" - bà Canh kể.

Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bóng hồng làm cơ khí, thưởng vàng cho công nhân- Ảnh 4.

Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bóng hồng làm cơ khí, thưởng vàng cho công nhân- Ảnh 5.

Từ một xưởng cơ khí nhỏ, "nữ tướng" Trần Diệu Canh đã đưa công ty phát triển lớn mạnh như hiện nay

Sau đó, Công ty Tân Thanh bắt đầu có nhiều đơn hàng container với giá chỉ 3.000 USD/chiếc. Đến nay, công ty đã sở hữu kho bãi rộng gần 120.000 m2 với hàng ngàn container, máy móc được sản xuất với trình độ tiên tiến và sự đồng hành của đội ngũ 500 kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề.

Người ngoài ngành thường nghĩ Tân Thanh Container là hãng vận tải. Thực tế, hơn một nửa doanh thu đến từ sản phẩm sơ-mi rơ-moóc, phần còn lại từ container và cho thuê phụ tùng, dịch vụ sửa chữa.

Tân Thanh Container hoạt động theo mô hình doanh nghiệp gia đình, có 4 công ty con trực thuộc và gần 10 chi nhánh.

Đây cũng là một trong 172 doanh nghiệp trên cả nước đạt sản phẩm thương hiệu quốc gia năm 2022.

Để chuyên tâm gầy dựng công ty cơ khí, bà Diệu Canh quyết định nghỉ việc vào năm 1994. Đến năm 1996, bà thành lập xưởng cơ khí nhỏ tại quận 6, TP HCM với "5 không": Không nhà, không đất, không tiền, không nghề và không có kinh nghiệm. Chồng bà - ông Kiều Công Thanh - vẫn làm trong ngành công an cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2011, rồi giữ vị trí Chủ tịch HĐQT công ty.

Thưởng vàng cho người lao động

Công ty Tân Thanh đã khéo léo giữ chân người lao động, xây dựng được một tập thể đồng lòng, chung sức. Ban Giám đốc công ty thực hiện chính sách thưởng 2 lượng vàng SJC cho người lao động gắn bó với công ty 20 năm và thưởng 2 chỉ vàng cho người làm việc tròn 10 năm. Riêng trong 2 năm 2021 và 2022, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, công ty vẫn quyết định thưởng 50 triệu đồng cho người lao động làm việc tại đây 20 năm và 10 triệu đồng cho người đã làm được 10 năm.

Gắn bó với công ty đã 20 năm với bao biến cố, thăng trầm và mới được nhận thưởng 2 lượng vàng, anh Lý Dũng, Đội trưởng đội trang trí nội thất, không giấu được niềm vui. "Hai mươi năm qua, Ban giám đốc luôn ưu ái, tạo điều kiện cho tôi học nghề, phát triển nghề nghiệp nên không lý gì tôi lại bỏ đi nơi khác. Mức thu nhập hiện tại đủ để tôi nuôi được gia đình, lo cho con vào đại học. Tôi sẽ gắn bó cho đến khi nào công ty không cần tôi nữa!" - anh Dũng bộc bạch.

Dịch COVID-19 bùng phát khiến Công ty Tân Thanh, cũng như mọi doanh nghiệp khác, rơi vào khó khăn. Không có đơn hàng, đầu năm 2022, công ty phải tạm hoãn hợp đồng lao động với 125 người. Đến cuối năm 2022, công ty nhận được đơn hàng xuất khẩu sơ-mi rơ-moóc sang Mỹ nên ngay sau đó đã mời những lao động này trở lại làm việc.

Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bóng hồng làm cơ khí, thưởng vàng cho công nhân- Ảnh 6.

Bà Trần Diệu Canh thưởng vàng cho người lao động gắn bó 10-20 năm với công ty

Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bóng hồng làm cơ khí, thưởng vàng cho công nhân- Ảnh 7.

Công ty Tân Thanh tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn

"Là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này nên chúng tôi có thuận lợi rất lớn khi có đội ngũ kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề. Song, để giữ chân đội ngũ này trong bối cảnh cạnh tranh rất lớn là không hề đơn giản. Chúng tôi đã phải nỗ lực để bảo đảm công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động" - bà Canh cho biết.

Hậu phương vững chắc

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP HCM nhận xét: "Tân Thanh có hai lợi thế. Thứ nhất là bề dày phát triển của nhà sáng lập giỏi nghề. Thứ hai là chưa có nhiều doanh nghiệp gia đình trong ngành cơ khí chuyển giao sang thế hệ thứ hai trong khi Tân Thanh đã thành công bước đầu. Bình và Phương rất năng động, chịu học hỏi; còn chị Canh, anh Thanh bây giờ đã lùi về vai trò cố vấn"

Để chuẩn bị lực lượng kế thừa, ông bà chủ cơ khí Tân Thanh cho hai con là Kiều Công Bình và Kiều Ngọc Phương sang Mỹ du học rồi về tiếp quản công ty. Thế hệ thứ hai của gia đình Tân Thanh đang đồng lòng, dốc sức thực hiện mục tiêu đưa sản phẩm thương hiệu Việt ra nước ngoài.

Sau khi ông Kiều Công Thanh trải qua ca ghép thận và chuyển giao khoảng 80% công việc cho hai con, vợ chồng ông bà gần như trở về nghỉ ngơi hẳn.

"Khi thấy sức khỏe tôi yếu đi, các con đã từ Mỹ đã quay về Việt Nam tiếp quản công việc điều hành công ty. Tôi hài lòng về điểm mạnh lẫn điểm yếu của hai con" - ông Thanh tâm sự.

Sau gần 10 năm trở về làm việc tại công ty gia đình, Kiều Công Bình đã ghi dấu ấn khi hợp tác với một số khách hàng ở Mỹ để xuất đi sơ-mi rơ-mooc vào cuối năm 2022. Thành quả đến từ câu chuyện hai năm trước đó, khi biết thông tin Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá giá sản phẩm sơ-mi rơ-mooc từ Trung Quốc lên đến 230%, anh bắt đầu tìm hiểu về thị trường tiềm năng này.

Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bóng hồng làm cơ khí, thưởng vàng cho công nhân- Ảnh 8.

Vợ chồng bà Trần Diệu Canh - ông Kiều Công Thanh và thế hệ kế thừa

Bà Trần Diệu Canh cũng lùi về phía sau để quan sát và hỗ trợ con khi cần thiết. Tuy vậy, sức ảnh hưởng của bà trong gia đình lẫn ở công ty đều rất lớn. Nếu giai đoạn đầu khởi nghiệp, bà cùng chồng xây dựng, lèo lái công ty thì giai đoạn chuyển giao thế hệ, bà là hậu phương vững chắc. Hai anh em Bình và Phương học được đức tính cương - nhu từ mẹ. Về phần mình, bà luôn nhắc nhở các con biết trân trọng những thành quả mình được hưởng.

Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bóng hồng làm cơ khí, thưởng vàng cho công nhân- Ảnh 9.

Tặng máy chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân nghèo

Bà Canh bây giờ dành phần lớn thời gian để làm từ thiện với những hoạt động như: mổ mắt cho bệnh nhân nghèo, tặng xe cứu thương, mổ tim cho trẻ em, tặng thiết bị y tế cho bệnh viện... "Khi ban tổ chức Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt đến kiểm tra tài chính, họ đã rất ngạc nhiên khi lợi nhuận năm 2021-2022 của công ty chỉ đạt 8 tỉ đồng nhưng chúng tôi làm từ thiện đến 6,8 tỉ đồng" - bà Canh tự hào kể.