Đau bụng, sụt ký kéo dài: Nguy cơ ung thư dạ dày
(NLĐO)-Một cô gái đau bụng kéo dài, nôn sau ăn, sụt 9kg chỉ trong vài tháng bị phát hiện ung thư dạ dày khi tuổi đời còn khá trẻ.
Một cô gái (18 tuổi, ở Đồng Nai) mắc ung thư dạ dày di căn giai đoạn tiến xa vừa được Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM phẫu thuật thành công sau hành trình điều trị đa mô thức phối hợp.

Đội ngũ bác sĩ đến thăm bệnh nhân sau hậu phẫu ung thư dạ dày
Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau bụng kéo dài, ăn uống kém, buồn nôn, nôn sau ăn và sụt 9kg chỉ trong 2-3 tháng. Trước đó, người bệnh từng được nội soi tại một cơ sở y tế khác và được chẩn đoán viêm dạ dày.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, qua nội soi và sinh thiết, bác sĩ phát hiện tình trạng ung thư dạ dày thể lan tỏa (linitis plastica), khối u xâm lấn tụy, mạc treo đại tràng ngang và di căn phúc mạc ổ bụng. Đây là ca bệnh đặc biệt vì ung thư dạ dày thường xuất hiện ở người trên 60 tuổi. Phát hiện ở tuổi 18 là lời cảnh báo rõ rệt về xu hướng trẻ hóa của bệnh lý này, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về tầm soát sớm và phát hiện kịp thời trong cộng đồng.
Người bệnh được thực hiện xét nghiệm đột biến thụ thể của tế bào khối u, phát hiện có biểu hiện thụ thể PD-L1. Sau 6 đợt điều trị kéo dài hơn 4 tháng, người bệnh đáp ứng rất tốt với phác đồ. Các ổ di căn giảm 90% kích thước, khối u chính thu nhỏ rõ rệt. Người bệnh tăng 10kg, cải thiện thể trạng và sinh hoạt gần như bình thường.
Sau đó, các bác sĩ phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày, nạo hạch D2, sinh thiết các vị trí từng có di căn. Ca mổ diễn ra an toàn, thuận lợi. Người bệnh hồi phục nhanh, ăn uống, đi lại bình thường và xuất viện sau mổ 7 ngày.
Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ ghi nhận đáp ứng gần hoàn toàn. Chỉ còn khoảng 10% tế bào ác tính tại khối u chính, các ổ di căn trong ổ bụng trước điều trị không còn tế bào ung thư. Các khảo sát về đột biến gen và DNA ung thư lưu hành trong máu cũng đã được thực hiện để cung cấp những thông tin cá thể hóa nhằm tiên lượng và theo dõi điều trị. Người bệnh sẽ tiếp tục được theo dõi sát bằng những phương tiện tiên tiến và cân nhắc điều trị bổ sung (liệu pháp miễn dịch duy trì) để giảm nguy cơ tái phát.