Đề xuất bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu "vô chủ"

(NLĐO)- Chính phủ đề xuất tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện phải gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước.

Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện, thì người có thẩm quyền tạm giữ báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để tổ chức bán ngay tang vật, phương tiện theo giá thị trường, nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Đó là nội dung được đề xuất tại dự thảo Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, được Chính phủ trình Quốc hội hôm nay 15-5.

Đề xuất bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu "vô chủ"- Ảnh 1.

Xe máy để nhiều năm tại một bãi giữ xe vi phạm ở Hà Nội. Ảnh: Hữu Hưng

Theo đó, các trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được tổ chức bán ngay gồm: Tang vật vi phạm hành chính còn thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị hết thời hạn tạm giữ hoặc dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng nếu không được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Cơ quan soạn thảo đề xuất tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện phải gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu hết thời hạn quy định mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật, phương tiện không đến nhận thì nộp tiền thu được vào ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh quy định này góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đồng thời, giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản.

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định hiện hành, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hầu hết các lĩnh vực là 1 năm (một số lĩnh vực là 2 năm), tính từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, hiện nay, đối với một số vụ việc phức tạp, khi cơ quan tiến hành tố tụng chuyển hồ sơ đến để xử phạt vi phạm hành chính thì đã hết thời hiệu, dẫn đến không thể xử lý hành vi vi phạm. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến, theo hướng quy định thời hiệu cụ thể là 6 tháng, kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vụ vi phạm.

Đồng thời, giới hạn tối đa không quá 3 năm, kể từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên cơ sở yêu cầu của cấp có thẩm quyền.