Theo quy định hiện hành, người vi phạm trật tự an toàn giao thông ngoài bị xử phạt tiền, một số trường hợp còn bị tạm giữ xe thông thường là 7 ngày; phức tạp là 30 ngày, 60 ngày... Việc tạm giữ xe ngoài việc bảo đảm người vi phạm phải chấp hành quyết định xử phạt, làm chứng cứ để xử phạt còn nhằm mục đích răn đe, cảnh cáo người vi phạm về sau.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Công an, hiện cả nước đã thu giữ hơn 300.000 ôtô, xe máy các loại. Đó là chưa kể các xe vi phạm bị tạm giữ có thời hạn để tiến hành thủ tục xử phạt, thực tế có thể cao gấp nhiều lần. Do đó, các bãi giữ xe đang quá tải, trong khi với mức phạt cao như hiện nay, việc người dân bỏ xe, không đến nộp phạt sẽ ngày càng nhiều thêm.
Tình trạng quá tải các bãi giữ xe đã và đang gây khó khăn cho chính các cơ quan chức năng trong việc bảo quản, xử lý. Làm thế nào để giải quyết tình trạng quá tải, "giải phóng" lượng xe bị tạm giữ đang tồn đọng trong kho, bãi là bài toán khó đặt ra cho cơ quan chức năng.
Để giải quyết, cần có quy định về việc không nên tạm giữ xe vi phạm quá lâu, trừ tang vật trong các vụ án hình sự. Đối với các xe vi phạm không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc hoặc quá thời hạn giải quyết đã thông báo công khai đến người vi phạm nhưng họ không đến nhận thì cần nhanh chóng làm thủ tục đấu giá để sung công quỹ nhà nước.
Cơ quan chức năng sớm có quy định theo hướng đơn giản thủ tục, rút gọn việc xử lý xe bị thu giữ, tạm giữ do vi phạm hành chính. Theo đó, rút ngắn thời gian thông báo truy tìm chủ phương tiện bị tạm giữ để sớm đưa ra đấu giá, xử lý. Đặc biệt bổ sung thêm các trường hợp được xử lý tại chỗ, giảm thời hạn tạm giữ xe...
Điều này góp phần giảm tải cho các bãi giữ xe, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, bảo quản xe tạm giữ. Đồng thời, hạn chế tình trạng hư hỏng xe làm lãng phí tài sản, nguồn lực xã hội và ngân sách có được nguồn thu khá lớn từ việc đấu giá xe này.ThS Phạm
Bình luận (0)