Trước tình trạng bãi giữ xe vi phạm hành chính (VPHC) đang quá tải vì không có người đến nhận và thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong xử lý phương tiện giao thông đường bộ VPHC, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Huỳnh Cách Mạng vừa có công điện khẩn gửi các sở, ngành liên quan.
Khẩn trương rà soát tổng thể
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng giao Công an TP chỉ đạo các lực lượng thực hiện đúng quy định pháp luật trong tạm giữ phương tiện VPHC.
Theo tinh thần của Luật Xử lý VPHC năm 2012, cần hạn chế việc giữ phương tiện khi xử lý VPHC. Trong trường hợp đủ điều kiện và bắt buộc phải tạm giữ phương tiện VPHC để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt VPHC thì áp dụng triệt để quy định về việc giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ theo quy định tại khoản 10, điều 125 Luật Xử lý VPHC năm 2012. Trong trường hợp phải tạm giữ tại các điểm trông giữ tập trung, phải bảo đảm tuân thủ đúng các quy định về quy trình, trình tự thủ tục tạm giữ.
Bãi giữ xe phương tiện vi phạm của Công an quận 12 (TP HCM) cho thấy hầu hết các phương tiện đều là xe cũ, xe hư hỏng nặng hoặc xe không rõ nguồn gốcẢnh: Lê Phong
Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng cũng chỉ đạo Công an TP chủ trì, phối hợp các sở như Giao thông Vận tải (GTVT), Tài chính và các sở, ngành liên quan cùng UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát tổng thể, đánh giá, phân loại các phương tiện đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện VPHC; xây dựng phương án xử lý, trong đó nêu rõ biện pháp, lộ trình cụ thể xử lý đối với từng loại phương tiện, trình UBND TP phê duyệt. Thời hạn thực hiện trước ngày 31-12.
Ngoài ra, Công an TP phải chủ trì, phối hợp các sở như Tài chính, GTVT, Tư pháp và UBND các quận, huyện đánh giá các quy định pháp luật liên quan trình tự, thủ tục tạm giữ các phương tiện giao thông đường bộ VPHC, tịch thu, bán đấu giá, xử lý tang vật phương tiện VPHC bị tịch thu. Trên cơ sở đó, đề xuất các bộ, ngành trung ương theo hệ thống dọc sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chặt chẽ, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện VPHC; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý các phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ.
Thông báo khẩn "giải phóng" xe tồn
Lãnh đạo Đội CSGT Nam Sài Gòn cho biết năm 2016 đơn vị phải thanh lý 500 xe VPHC không có người nhận, thủ tục thanh lý rất nhiêu khê và phức tạp.
"Bãi xe tạm giữ phương tiện VPHC nằm tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh và luôn trong tình trạng quá tải. Tính tới thời điểm hiện tại, đơn vị có hơn 400 phương tiện VPHC quá thời hạn nhưng không có người nhận" - lãnh đạo Đội CSGT Nam Sài Gòn thông tin.
Trong khi đó, lãnh đạo Đội CSGT Bình Triệu cho biết mỗi khi tạm giữ phương tiện VPHC là đơn vị phải chở đến kho giữ xe ngoài quận 9, mỗi lần di chuyển rất xa và ở đây vẫn còn hàng ngàn chiếc không có người đến nhận. Xe cũ và xe hỏng rất nhiều nên hằng năm lực lượng phải tổ chức thanh lý để dọn bớt kho.
Theo Công an huyện Hóc Môn, hầu hết các phương tiện VPHC không có người nhận là vì xe cũ, giá trị thấp, nếu xe "xịn" thì là xe gian hoặc không rõ nguồn gốc. Mới đây, Công an xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) phải phát thông báo khẩn kêu gọi chủ phương tiện đến nhận xe nhằm mục đích "giải phóng" gần 140 chiếc tồn.
Theo trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Tham mưu thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM, cho biết việc tạm giữ phương tiện của người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Sau một năm, kể từ khi thông báo, nếu chủ phương tiện không đến xử lý thì sẽ làm thủ tục tịch thu tài sản, bàn giao cho ngành tài chính bán đấu giá.
Còn theo một lãnh đạo khác của PC67, nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không mang theo giấy tờ xe, không có giấy phép lái xe… thì phải giữ xe. Việc tạm giữ phương tiện của người vi phạm để họ thực hiện nghĩa vụ của mình, đồng thời tạo tính chấp hành, tính răn đe của pháp luật, phòng ngừa tội phạm…
"Trong điều kiện hiện nay, nhiều trường hợp không giữ phương tiện sẽ rất khó xử lý. Ở một số nước phát triển, người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ thì ngoài việc bị giữ phương tiện còn có thể bị phạt tù" - vị lãnh đạo này cho biết.
Trao đổi phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Công an TP HCM cho biết hằng năm có khoảng 17.000-20.000 phương tiện không có người nhận, kho giữ xe phải liên kết bên ngoài. Về thông tin UBND TP HCM chỉ đạo hạn chế giữ xe VPHC, Công an TP HCM chỉ mới nắm bắt thông tin qua báo chí. Tuy nhiên, đơn vị sẽ họp bàn và có những đề xuất phù hợp.
Lập tổ công tác liên ngành
Trong văn bản chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Huỳnh Cách Mạng giao Sở GTVT TP chủ trì tham mưu thành lập tổ công tác liên ngành trước ngày 30-11. Tổ này có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, tư vấn giúp UBND TP phê duyệt phương án xử lý do Công an TP trình; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, phối hợp giải quyết hoặc đề xuất UBND TP giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phương án xử lý các phương tiện giao thông VPHC đang bị tạm giữ tại các điểm trông giữ trên địa bàn TP. Tổ công tác tự giải tán sau khi số phương tiện vi phạm giao thông bị tạm giữ tại các điểm trông giữ tập trung được xử lý xong.
Bình luận (0)