Đột phá kích cầu tiêu dùng
Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 6,4 triệu tỉ đồng, tăng 9% so với năm trước
Phát huy cao độ vai trò của từng mắt xích trong chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tài chính tín dụng - quản lý nhà nước để tạo nên thị trường năng động, hiện đại, bền vững.
Tại TP HCM, ngày 22-4, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.
Tiêu dùng nội địa tăng tốt
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho biết từ cuối năm 2024 đến nay, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động khó lường, tác động đến chuỗi cung ứng, giá cả và tâm lý người tiêu dùng.
Trong đó, riêng chính sách thuế đối ứng của Mỹ dự kiến áp vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng tác động đến thị trường nội địa và sức mua. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% và tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng 12% trong năm nay, cần giải pháp đột phá.
"Trong giai đoạn này, cần phát huy cao độ vai trò của từng mắt xích trong chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tài chính tín dụng - quản lý nhà nước để tạo nên một thị trường trong nước năng động, hiện đại và phát triển bền vững" - ông Linh đặt vấn đề.

Các doanh nghiệp bán lẻ tại TP HCM đang đẩy mạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng
Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 6,4 triệu tỉ đồng, tăng 9% so với năm trước đó. Quý I/2025, sức mua trên thị trường chưa tăng đột phá nhưng vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng so với năm 2024. Ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng, cho hay các chương trình giảm thuế GTGT, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp (DN) bán lẻ, thúc đẩy đầu tư công... đã giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, những lo ngại về việc làm và thu nhập không ổn định trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của người dân. Chưa kể, xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới đang ảnh hưởng đến tiêu thụ nội địa vì người tiêu dùng dễ dàng mua hàng online trực tiếp từ nước ngoài, đòi hỏi DN phải nhanh chóng thích nghi với các nền tảng số.
Những giải pháp cụ thể
Tại hội nghị, đại diện sở công thương các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ đã chia sẻ các giải pháp kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại.
Bà Nguyễn Lê Thiên Thanh, Phó Phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương TP HCM, nhìn nhận sức mua trên thị trường có nhiều tín hiệu khởi sắc là kết quả của các giải pháp kích cầu tiêu dùng được chính quyền thành phố, các sở, ngành và DN phối hợp thực hiện đồng bộ, liên tục trong thời gian qua. Ngay từ đầu năm 2025, cùng với triển khai xúc tiến thương mại, tham gia bình ổn thị trường, các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ còn chủ động chuyển đổi số, kinh doanh trên kênh thương mại điện tử, cải tiến dịch vụ vận tải.
Đáng chú ý, Sở Công Thương TP HCM đã phối hợp với UBND các quận, huyện và các DN phân phối tổ chức chương trình "Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường", giúp người tiêu dùng mua hàng hóa giảm giá, mua 1 tặng 1, mua hàng đồng giá. Sở cũng phối hợp với các sàn thương mại điện tử và các DN bình ổn thị trường cung cấp các mã khuyến mãi, giảm giá cho Công đoàn viên, người lao động khi mua sắm trực tuyến...
Về phía DN, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng để thương mại dịch vụ và bán lẻ phát triển, trước hết, cơ quan quản lý nhà nước và DN cần cải thiện niềm tin của người tiêu dùng bằng các chính sách tạo việc làm, cải thiện thu nhập. Song song đó là hỗ trợ vốn, giảm thuế để nâng "sức khỏe" DN. Ngoài ra, cần đầu tư cho công nghệ mới, thúc đẩy số hóa; cấu trúc hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của lĩnh vực phân phối trong nước để tạo không gian mới cho bán lẻ.
Bà Đoàn Thị Hương Thanh, Giám đốc Pháp chế WinCommerce, đề nghị nhà nước hỗ trợ tiếp cận quy hoạch thương mại, phát triển hạ tầng logistics, kho bãi hiện đại để giảm chi phí và tăng lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, kiến nghị duy trì chính sách giảm 2% thuế GTGT, mở rộng ưu đãi thuế, tín dụng và tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất, miễn giảm phí cho DN trong nước; hỗ trợ phát triển nguyên liệu thân thiện môi trường với giá hợp lý.
Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để kích cầu
PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay, một trong những giải pháp là sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, thay vì những giải pháp kích cầu quen thuộc như khuyến mãi, tặng voucher cho người mua sắm. Mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng đã lạc hậu, phát sinh nhiều bất cập.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho rằng ngành bán lẻ cần phải "tổng tấn công" triển khai đồng loạt giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng. Trong đó, DN và cơ quan quản lý có thể triển khai các chương trình kích cầu mua sắm, giảm giá; tạo thuận lợi trong việc đưa hàng hóa của Việt Nam, hàng hóa chất lượng cao vào siêu thị...
L.Thúy