Giấc mơ trên phá Tam Giang

Con cá, con tôm trên phá Tam Giang ngày càng ít dần, người dân lo lắng vì tình trạng đánh bắt tận diệt

Sáng sớm, trong nắng ấm của tháng 3 âm lịch, phá Tam Giang sương mù giăng kín. Tiếng gõ tay chèo vào mạn ghe nghe rõ mồn một.

Cạn kiệt thủy sản

Trên chiếc ghe ấy là vợ chồng ông Trần Trai (72 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hướng (70 tuổi). Chồng vừa chèo ghe vừa gõ mái chèo đuổi cá. Vợ ngồi đầu mui, tay thoăn thoắt thả những chiếc lừ xuống nước.

Tôi hỏi cá mú Tam Giang nay nhiều không? Một ngày kiếm được bao nhiêu tiền? Ông Trai cười, rồi đưa một ngón tay lên, bảo được trăm ngàn chứ mấy.

Giấc mơ trên phá Tam Giang- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Noi chuẩn bị cho một ngày mưu sinh trên phá Tam Giang

Nhà ông Trai ở thôn Tân Lập, phường Thuận An, quận Thuận Hóa, TP Huế, gắn bó với phá Tam Giang từ lâu. Những con cá ngon như mú, nâu, dìa, kình, ong hương…, ông bà thuộc làu làu đặc tính của chúng. Nhưng giờ nhiều loài đã biến mất hoặc còn rất ít, hy hữu lắm mới dính lưới.

Cồn Sơn là ốc đảo nhỏ nằm giữa phá Tam Giang, thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, TP Huế. Đối diện phía bên kia, thuộc bờ Tây của phá, là cồn Hạp Châu, thuộc phường Thuận An.

Tiếng mái chèo rõ mồn một hướng từ Cồn Sơn nghe càng lúc càng gần. Chiếc ghe nhỏ lướt nhẹ trên mặt nước êm ả sớm mai. Trên ấy có hai người đàn ông, vội cập bờ. Ngồi đầu mũi ghe là ông Nguyễn Noi, ngụ thôn Tân An, xã Phú Thuận, dáng người thấp đậm. Ghe chưa kịp chạm bờ thì ông nhảy phắt lên, túm sợi dây neo ghe vào gốc cây. Đứa con trai chậm rãi bưng mớ cá rời ghe, lên bờ. Ở đó đã có nhiều "con buôn" chờ sẵn. Họ không giành giật, trả giá mà nhanh chóng nhận cá, trả tiền rồi đi.

Giấc mơ trên phá Tam Giang- Ảnh 2.

Cha con ông Noi làm nghề đáy ở phá Tam Giang, đoạn gần cồn Hạp Châu. Ở đó, họ đóng 2 cái cọc làm bằng cây dương, cách nhau cả trăm mét. Đêm, hai cha con chèo ghe ra, giăng lưới từ cọc này qua cọc kia. Giữa lưới có cái đụt để cá, tôm chui vào. Làm xong, khoảng 22 giờ thì rời phá, về nhà ngủ. Đến 2 - 3 giờ sáng lại chèo ghe ra, thu hoạch cá.

Người ta ví ông hiểu cá như vợ hiểu tính chồng, bởi con nước như thế nào thì sẽ có cá, loài cá nào sống ở đâu… ông đều tường tận. Lão ngư 72 tuổi cười, bảo trọn đời gắn bó với con tôm, con cá, với phá Tam Giang thì sao không hiểu? Không hiểu cá, tôm thì làm sao nuôi 10 đứa con khôn lớn, làm sao truyền nghề cho chúng?

Giấc mơ trên phá Tam Giang- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Noi diễn tả lại nghề đào rãnh bắt cá

Ông nhớ dân Hòa Duân có thời cứ đêm xuống là chèo ghe qua Cồn Sơn, Hạp Châu đào rảnh bắt tôm, cá. Ở đó, nước chỉ bằng đầu gối, nên mỗi người cứ 2 tay cầm 2 cái muỗng, đi giật lùi đào rãnh. Hai rãnh đào gần nhau, sâu tầm 10 cm, rộng 5 cm, dài vài trăm mét. Đầu và cuối mỗi rãnh, chủ nhân cắm một ngọn cây làm dấu. Đào xong, chỉ việc nghỉ ngơi tầm 30 phút để đợi cá, tôm vào rãnh mà bắt.

Cũng như khi đào, lúc bắt cá, ngư dân đi giật lùi, nhẹ nhàng bắt cá. Dù chỉ là nghề "tay trái" nhưng cũng cho dân làng Hòa Duân nhiều cá, tôm.


Hỏi ông nghề chi mà lạ và đơn giản vậy? Ở dưới rãnh có chi mà cá, tôm vô đó để bị bắt dễ dàng? Lão cười, bảo cá, tôm cứ nghĩ đó là cái hang nên chui vào. Nhưng thời ấy cá, tôm nhiều mới vậy, chứ từ cách đây tầm 20 năm thì nghề này không còn nữa, vì người ta đã khoanh bao nuôi cá nên cá, tôm ít dần.

Tận duyệt cá, tôm

Hỏi cá, tôm ở phá Tam Giang sao nay nhiều người nói còn rất ít, ông Noi bảo khi chưa có đập Thảo Long thì cá, tôm nhiều lắm. Nhưng khi có đập, nước ngọt từ sông Hương về ít, độ mặn trong phá tăng nên cá ít dần.

Giấc mơ trên phá Tam Giang- Ảnh 4.

Nghề rớ trên phá Tam Giang

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc TP Huế, với 22.000 ha mặt nước, chạy dọc bờ biển dài 68 km, là nơi có 3 con sông đổ ra trước khi hòa vào biển Đông. Ngành thủy sản điều tra và công bố phá Tam Giang - Cầu Hai có hơn 230 loài cá, tôm sinh sống, trong đó nhiều loài giá trị cao.

Nhưng nay nhiều loài đã biến mất, như cá ong hương, ong thẳn rất béo, ngon - còn được gọi với tên khác như cá căng, cá căn - thuộc họ terapontidae, bộ cá vược; được tìm thấy ở vùng biển khu vực Ấn Độ Dương. Ở Việt Nam, loài đặc sản có giá trị kinh tế cao này sống khá nhiều ở phá Tam Giang, trong môi trường nước ngọt và nước lợ, tập trung ở cửa sông - nơi nguồn nước sông giao hòa với biển và có môi trường sạch sẽ, trong lành.

Giấc mơ trên phá Tam Giang- Ảnh 5.

Vợ chồng già thả lừ đánh cá trên phá Tam Giang

Ngư dân Trần Sét (ngụ phường Thuận An) nói lúc trước làm nghề bủa lưới, nghề đáy thì mỗi đêm thu được mấy cân cá ong hương nhưng nay không còn. May mắn lắm mới có, nên giá cá ong hương lên đến cả triệu đồng mỗi kg. Cá ngứa cũng ít xuất hiện, nên giá không hề rẻ, kiếm rất khó.

"Lúc trước, đi làm là có cá ăn không hết, còn nay sợ không đủ tiền dầu. Họ đánh bắt bằng xung điện, tận diệt quá nên cá, tôm sao kịp sinh sản" - ông Sét rầu rĩ.

Khu bảo vệ thủy sản Cồn Sầy, phường Hương Phong, quận Thuận Hóa được thành lập năm 2014 với diện tích hơn 30 ha, được giao cho Chi hội Nghề cá Đông Phong quản lý. Ông La Tiềm - chi hội trưởng - cho biết bất chấp quy định khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, nhiều "ngư tặc" vẫn lén lút khai thác, đánh bắt trái phép.

Giấc mơ trên phá Tam Giang- Ảnh 6.

Ông Tiềm nói cảm thấy bất lực với "ngư tặc", vì chi hội ra quân ban ngày thì họ khai thác vào ban đêm, thậm chí chống đối, hăm dọa.

Cách đây không lâu, hàng loạt chi hội nghề cá ở huyện Quảng Điền, thị xã Phong Điền cùng ký đơn kêu cứu gửi chính quyền và cơ quan chức năng về hiện tượng khai thác thủy sản kiểu tận diệt ngày càng nhiều trên đầm phá Tam Giang. Đó là những nghề như cào trìa, cào lươn, giã cào, xung điện... dù xuất hiện trên đầm phá đã khoảng 20 năm, ngư dân kêu cứu nhiều lần nhưng vẫn không có sự thay đổi.

Giấc mơ trên phá Tam Giang- Ảnh 7.

Ngư dân bủa lưới trên phá Tam Giang

Nghề cào lươn, cào hến dùng thanh sắt tạo thành hình tam giác, phía sau có một đặt lươn, buộc vào cán cao đè sâu dưới bùn khoảng 15 cm rồi dùng ghe 2 máy ngày đêm nạo vét, tàn phá những thảm thực vật.

Ngày càng đổi thay

Màn đêm buông xuống. Ông Trần Văn Phơi và vợ từ nhà ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang lại dẫn nhau ra căn nhà tạm ở đập Hòa Duân để kéo rớ.

Giấc mơ trên phá Tam Giang- Ảnh 8.

Phá Tam Giang nhìn từ cửa Thuận An

27 năm gắn bó với con đập này, vợ chồng ông Phơi chứng kiến bao sự đổi thay. Năm 1999, khi cơn "đại hồng thủy" phá vỡ đập Hòa Duân lúc nửa đêm, vợ ông Phơi kể tưởng chừng không còn sống, may có chiếc ghe nhỏ được nước đẩy tới. Rồi cửa biển được hàn vá, cuộc sống hồi sinh.

Người dân làng Hòa Duân, xã Phú Thuận khấp khởi mừng vì bao năm đợi chờ thì nay khu du lịch Cồn Sơn đã có tín hiệu khởi động; tương lai bộ mặt địa phương sẽ đổi thay, người dân có công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao. Ông Nguyễn Noi kể nhà đầu tư đã đền bù với giá cao cho dân để cất bốc mồ mả, chuyển đổi nghề nghiệp đối với những người làm nghề nuôi trồng thủy hải sản.

Giấc mơ trên phá Tam Giang- Ảnh 9.

Những chiếc ghe cập bến trong buổi sáng sương mù giăng kín phá Tam Giang

Ông Nguyễn Văn Khúc (ngụ xã Phú Thuận) tự hào khoe lặn rất giỏi, ai thuê đều nhận. Ông ước khi khu du lịch hoạt động, ông sẽ được tuyển vào làm nhân viên phụ trách an toàn ở hồ bơi. "Nghề đánh cá trên phá nay thu nhập thấp quá. May tôi giỏi lặn, làm thêm nhiều việc, nhờ các con phụ thêm mới đủ sống" - ông Khúc chia sẻ. 

Dọc phá Tam Giang, cuộc sống đã đổi thay. Nhiều nhà cao tầng mọc lên, nhiều nơi đã biết dựa vào phá để làm du lịch. Tương lai không xa, cầu bắc qua cửa Thuận An và tuyến đường ven biển hoàn thành thì không chỉ Cồn Sơn mà nhiều nơi khác nữa sẽ thu hút nhà đầu tư. Khi ấy, ước mơ có việc làm, ổn định của những người sống nhờ phá Tam Giang hy vọng thành hiện thực.