Không để "đứt gãy" hoạt động chăm lo
Chuyển mình không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là thời cơ để tổ chức Công đoàn Việt Nam khẳng định vai trò
Đó là tổ chức đại diện người lao động thực chất, gần gũi, hiệu quả.
Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, Công đoàn Việt Nam đã chủ động, tích cực đổi mới tổ chức và nội dung hoạt động. Trong đó, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp thiết. Đây không đơn thuần chỉ là thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, mà còn là điều kiện để tổ chức Công đoàn tập trung các nguồn lực, phục vụ tốt nhất đoàn viên - lao động.
Giữ vững bản sắc Công đoàn
Sau khi tinh gọn bộ máy, các địa phương không còn Công đoàn cấp huyện. Do vậy, thách thức đặt ra là làm sao bảo đảm sự gắn kết, hỗ trợ kịp thời như khi còn cấp trung gian, nhất là ở khu vực rộng lớn hoặc vùng xa trung tâm tỉnh, thành phố. Tại các địa phương, chúng tôi ghi nhận sự chủ động của các cấp Công đoàn trong việc tái cấu trúc bộ máy, bố trí cán bộ, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả.
Sau khi hợp nhất với tỉnh Bình Phước, tỉnh Đồng Nai mới có tổng cộng 52 KCN, với hơn 2.200 Công đoàn cơ sở và khoảng 750.000 đoàn viên. Việc sáp nhập không chỉ làm gia tăng quy mô lực lượng lao động mà còn mở ra một không gian phát triển mới cho tỉnh trong việc thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo thêm hàng ngàn việc làm ổn định cho người lao động (NLĐ).
Nhằm bảo vệ quyền lợi lâu dài cho NLĐ, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng và doanh nghiệp (DN) tiến hành rà soát hệ thống nhà ở công nhân (CN), hạ tầng giao thông kết nối, cơ sở y tế - giáo dục quanh các KCN, nhằm tránh tình trạng "đứt gãy" dịch vụ sau khi địa giới hành chính thay đổi. Các thiết chế Công đoàn cũng đang được quy hoạch lại theo vùng - miền mới, bảo đảm sát với nhu cầu thực tế của NLĐ.
"Quan điểm nhất quán của chúng tôi là cuộc sống của CN phải không ngừng được cải thiện, dù có thay đổi mô hình tổ chức" - bà Bùi Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, khẳng định.
Đồng Nai là nơi công nghiệp hóa - hiện đại hóa sớm, tổ chức Công đoàn được hình thành từ lâu với hệ thống thiết chế phục vụ CN khá đồng bộ, bài bản. Trong khi đó, khu vực Bình Phước trước đây có đặc thù là địa phương nông nghiệp, đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống NLĐ gắn với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tuy nhiên, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai không coi đây là trở lực hay mâu thuẫn, mà là nền tảng để bổ trợ lẫn nhau, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Công đoàn địa phương.
"Nguyên tắc của chúng tôi là tôn trọng đặc thù - phát huy thế mạnh - gắn kết trong mục tiêu chung. Những mô hình chăm lo NLĐ tiêu biểu của 2 địa phương sẽ được đánh giá, chọn lọc và nhân rộng, phù hợp với từng khu vực" - bà Bùi Thị Bích Thủy nhấn mạnh.
Linh hoạt chuyển đổi mô hình
Sau khi củng cố, kiện toàn bộ máy, LĐLĐ TP Đà Nẵng đang quản lý hơn 1.740 Công đoàn cơ sở với gần 211.900 đoàn viên và đã thành lập 24 Công đoàn xã, phường.
Chăm lo, bảo vệ đoàn viên - lao động là chức năng quan trọng của tổ chức Công đoàn. Thời gian qua, các cấp Công đoàn Đà Nẵng tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những năm gần đây, do ảnh hưởng tình hình thế giới, nhiều DN thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, khiến đời sống CN gặp không ít khó khăn. Việc bảo vệ quyền lợi và tổ chức chăm lo cho NLĐ theo đó cũng gặp trở ngại.
Trong việc sắp xếp, tinh giản bộ máy của tổ chức Công đoàn, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã phải kết thúc "sứ mệnh" của mình. Dù không ảnh hưởng trực tiếp đến Công đoàn cơ sở nhưng việc này ít nhiều tác động, gây tâm lý lo lắng cho đội ngũ cán bộ Công đoàn. Tuy nhiên, hoạt động Công đoàn không bị gián đoạn.
LĐLĐ TP Đà Nẵng đã chủ động xây dựng đề án và nhanh chóng thành lập Công đoàn xã, phường. Đây là cánh tay nối dài để hỗ trợ Công đoàn thành phố trong tình hình mới. Công đoàn xã, phường không chỉ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn hướng dẫn, hỗ trợ Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc…
"Để bảo vệ quyền lợi NLĐ, Thường trực LĐLĐ thành phố phân công từng địa bàn, từng DN cho mỗi cán bộ nhằm rà soát, hỗ trợ Công đoàn cơ sở, làm sao không chỉ nâng cao số lượng mà còn bảo đảm chất lượng trong từng bản thỏa ước lao động tập thể" - bà Phan Thị Thúy Linh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng - cho biết.

Bà Phan Thị Thúy Linh, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: QUANG LUẬT
Theo ông Hà Duy Trung, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai, mô hình hoạt động mới đặt ra không ít khó khăn, thách thức với tổ chức Công đoàn, nhất là ở cấp xã, trong việc đại diện, chăm lo cho NLĐ. Do vậy, LĐLĐ tỉnh yêu cầu đội ngũ cán bộ nắm chắc địa bàn và Công đoàn cơ sở để kịp thời tổ chức các hoạt động phù hợp tình hình thực tế; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, vận động, thuyết phục để NLĐ tự nguyện tham gia và thành lập tổ chức Công đoàn tại các DN có đông CN.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh Gia Lai đề nghị chuyển đổi mô hình theo hướng linh hoạt, ứng dụng công nghệ số vào việc quản lý đoàn viên; xây dựng mô hình Công đoàn cơ sở theo tiêu chí "gọn - nhẹ - hiệu quả" tại các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Đổi mới cách tiếp cận người lao động
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai), cho rằng việc không còn Công đoàn cấp huyện cũng đặt ra nhiều thách thức cho Công đoàn cơ sở. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở phải năng động hơn nữa.
Tại Công ty CP TKG Taekwang Vina, do số lượng đoàn viên trên 30.000 người nên nội dung hoạt động Công đoàn rất được quan tâm. Để hoạt động hiệu quả, Công đoàn và ban giám đốc công ty đã xây dựng quy chế phối hợp hành động, thống nhất giải quyết tranh chấp lao động thông qua đối thoại, hướng đến mục tiêu chung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TKG Taekwang Vina, lắng nghe ý kiến của người lao động. Ảnh: THANH NGA
Trên cơ sở đó, hằng năm, Công đoàn và ban giám đốc TKG Taekwang Vina chủ động ngồi lại thương lượng về phương án điều chỉnh tiền lương, phụ cấp. Nhờ vậy, những năm qua, việc điều chỉnh lương cho NLĐ luôn sớm hơn thời điểm Chính phủ công bố. Thỏa ước lao động tập thể cũng được ký kết với nhiều nội dung có lợi hơn quy định pháp luật, giúp NLĐ an tâm làm việc.
"Ngoài việc thăm hỏi thường xuyên, chúng tôi còn tìm cách tiếp cận NLĐ thông qua mạng xã hội, từ đó thu thập thông tin để thiết kế mô hình chăm lo phù hợp từng thời điểm" - ông Phúc cho biết.
Trong khi đó, Công đoàn Cao su Việt Nam xác định ngoài sự tâm huyết, cán bộ Công đoàn còn phải có kỹ năng, kiến thức pháp lý và khả năng thích ứng nhanh với thay đổi để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của đoàn viên, NLĐ; đồng thời để hoạt động Công đoàn hiệu quả sau khi tiến hành sắp xếp.
Do vậy, Công đoàn Cao su Việt Nam đã lập tức triển khai tập huấn cho đội ngũ cán bộ Công đoàn. Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề thực tiễn, cấp thiết như: Quy định mới về quản lý tài chính - tài sản Công đoàn; kỹ năng quản lý Công đoàn cơ sở thời kỳ chuyển đổi số; vai trò của cán bộ Công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Để hoạt động Công đoàn đi sâu vào thực chất, ngoài việc đổi mới công tác tuyên truyền, Công đoàn Cao su Việt Nam còn liên tục làm mới các hoạt động chăm lo. Trong 5 tháng đầu năm 2025, Công đoàn Cao su Việt Nam đã triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho hơn 51.000 NLĐ tại 60 Công đoàn trực thuộc.
"Hơn 57 tỉ đồng đã được chi để CN nghỉ mát; 13,7 tỉ đồng hỗ trợ NLĐ khó khăn; hàng ngàn người được khám sức khỏe, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ học tập, đào tạo nghề" - ông Huỳnh Kim Nhựt - Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam - thông tin.
Ông NGUYỄN ĐÌNH KHANG - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Bám sát cơ sở, chủ động tháo gỡ khó khăn
Từ nay đến cuối năm 2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn là tập trung thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Do đó, đội ngũ cán bộ Công đoàn phải thật sự là những người sát cơ sở, bám địa bàn, phải nắm rõ tình hình ở địa bàn, lĩnh vực mình quản lý. Cán bộ Công đoàn cần phát huy tốt mối quan hệ phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đồng cấp; tích cực thông tin, chủ động trong việc báo cáo với cấp ủy quản lý về những vấn đề khó khăn, vướng mắc.V.Duẩn ghi