icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những bước đi chiến lược của ngành cao su

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Ngành cao su mà tiên phong là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ, hướng tới tăng trưởng xanh

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tiên phong trong phát triển kinh tế cao su Việt Nam hơn 10 năm qua, thông qua việc kết nối với người dân Tây Bắc. Mô hình này không chỉ giúp phủ xanh những vùng đất trống mà còn tạo ra sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Khu vực này, giáp ranh với Lào và Trung Quốc, mang trong mình truyền thống văn hóa giàu có và tiềm năng phát triển mạnh mẽ. 

Dân góp đất trồng cao su 

Trong chuyến đi thực tế tại các vườn cao su ở Điện Biên, chúng tôi gặp ông Đinh Văn Quân - người dân tộc Thái ở xã Mường Nhé, một trong những hộ đầu tiên góp đất cho Công ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên (thành viên của VRG) trồng cao su với diện tích khoảng 10 ha.

Ông Quân kể trước đây dù có đất rộng nhưng do địa hình hiểm trở, canh tác lúa, ngô vất vả mà cuộc sống vẫn nghèo khó. Nay ông làm công nhân cao su, thu nhập mỗi tháng bằng cả năm bán lúa, lại được chia thêm lợi nhuận từ sản phẩm nên cuộc sống sung túc hơn - xây được nhà mới, mua sắm nhiều vật dụng và lo cho con học hành đầy đủ.

Tương tự, cuộc sống gia đình anh Vừ A Tùng - người dân tộc Mông, cùng xã - cũng thay đổi rõ rệt từ khi góp 5 ha đất trồng cao su cùng với công ty. 

Anh kể trước kia, phải ra Hà Nội làm thuê với thu nhập bấp bênh thì nay đã có cuộc sống ổn định ngay tại quê hương. Anh khoe vừa xây xong ngôi nhà mới trị giá hơn 100 triệu đồng và lo cho con học hành để có tương lai tốt đẹp hơn.

Những bước đi chiến lược của ngành cao su trong phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 2.

Một cặp vợ chồng trẻ cùng làm công nhân cao su

Ông Giàng A Si, phụ trách kỹ thuật đội sản xuất của Công ty CP Cao su Điện Biên, chia sẻ gia đình ông có đến 6 người làm công nhân cao su, ngay cả cha mẹ vợ cũng góp 4 ha đất để trồng. Gia đình mong giá mủ cao su duy trì ổn định hoặc tăng thêm để có nguồn thu nhập lâu dài, nhất là khi chu kỳ khai thác cây cao su kéo dài gần 20 năm.

Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên, phát triển cây cao su ở miền núi phía Bắc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm thúc đẩy kinh tế gắn với ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đồng thời thể hiện sự tri ân đối với đồng bào các dân tộc vùng giàu truyền thống cách mạng. Sau hơn 12 năm thực hiện, diện tích cao su đã phủ xanh đồi núi, bản làng khởi sắc, đời sống người dân ổn định hơn khi có việc làm tại công ty, vẫn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Hiện, Công ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên quản lý gần 1.200 ha cao su, sử dụng 250 lao động, trong đó hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mức lương trung bình 6,1 triệu đồng/người/tháng, tuy còn thấp so với những vùng khác nhưng lại là thu nhập khá so với địa phương. Ngoài ra, công nhân được hưởng đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ xăng xe, cơm trưa…

Cũng theo ông Toàn, sau thời gian đầu tư, đến năm 2018, công ty bắt đầu đưa vườn cao su vào khai thác. Đến nay, tổng lợi nhuận đạt hơn 13 tỉ đồng, nộp ngân sách gần 1,5 tỉ đồng.

Chuẩn bị cho hành trình phát triển mới

Tại Công ty CP Cao su Điện Biên, quy mô sản xuất lớn hơn nhiều, với hơn 3.700 ha cao su và sử dụng khoảng 1.000 công nhân, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Diện tích này chủ yếu hình thành từ đất của hơn 4.000 hộ dân địa phương cùng một phần đất do công ty thuê lại. Dù vậy, với điều kiện địa hình hiểm trở, việc thu hoạch mủ chỉ diễn ra khoảng 10 ngày/lần nên chất lượng mủ không thể bằng những vùng thu hoạch hằng ngày, dẫn đến giá bán chưa cao sau chế biến.

Tuy vậy, năm 2024, Công ty CP Cao su Điện Biên đã lập nên kỳ tích khi đạt lợi nhuận tới 29 tỉ đồng, vượt xa chỉ tiêu được giao chỉ 2 tỉ đồng. Nhờ kết quả này, mức lương của công nhân thực tế lên tới 6,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn chỉ tiêu 5,5 triệu đồng/người/tháng, kèm nhiều phúc lợi khác, góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của người lao động.

Lý giải thành công này, ông Nguyễn Công Tám, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết doanh nghiệp sở hữu lực lượng lao động dồi dào, năng suất lao động cao và kiểm soát tốt chi phí giúp giảm giá thành sản phẩm. Cùng với đó, năm 2024 giá cao su tăng, đặc biệt vào các tháng cuối năm là giai đoạn thu hoạch chính, giúp công ty thu lợi lớn. Ngoài ra, công ty không có nợ vay, lại đang có gần 100 tỉ đồng gửi ngân hàng, từ đó phát sinh thêm tiền lãi.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, cuối năm nay, công ty dự kiến đưa vào hoạt động nhà máy chế biến mủ cao su ngay tại tỉnh Điện Biên với tổng vốn đầu tư 60 tỉ đồng, công suất khoảng 5.000 tấn/năm. 

Nhà máy này sẽ trở thành điểm sáng mới cho công ty, khi trước đây các công ty phải vận chuyển nguyên liệu đi các nhà máy xa, khiến chi phí vận chuyển cao. Nay có nhà máy ngay tại chỗ, không chỉ chế biến mủ cho 2 công ty thuộc VRG mà còn nhận gia công cho các nông hộ trong vùng, tạo thêm công ăn việc làm tại địa phương. 

"Chúng tôi dự kiến lợi nhuận đạt khoảng 1 triệu đồng cho mỗi tấn cao su chế biến. Còn với phần gia công cho nông hộ, mục tiêu chính là bảo toàn vốn nhà nước, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân, góp phần bảo đảm an sinh, an ninh - trật tự trên địa bàn" - ông Nguyễn Công Tám nhấn mạnh.

Trước hiệu quả rõ nét mà cây cao su đem lại, một số địa phương còn quỹ đất trống, chưa được khai thác hiệu quả cũng đang tính đến phương án mở rộng diện tích trồng. Công ty dự kiến sẽ hỗ trợ mua giống bảo đảm chất lượng, chuyển giao kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. "Với cung - cầu và giá mủ cao su hiện nay, đây vẫn là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế tốt cho người dân. Nếu nhà nước và nhân dân cùng làm, doanh nghiệp đồng hành, tôi tin mô hình này sẽ thành công" - ông Tám nói.

Hiện nay, Công ty CP Cao su Điện Biên tiếp tục kiên định theo hướng phát triển bền vững trên 3 trụ cột: kinh tế - an sinh xã hội - môi trường. Đồng thời, công ty cũng cùng tham gia thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) theo cam kết của Chính phủ, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. 

Phát triển kinh tế hộ gia đình

Tại khu vực Tây Bắc, sự xuất hiện của nhiều khu công nghiệp đã thu hút lao động phổ thông, buộc các công ty cao su triển khai thêm chính sách đãi ngộ để giữ chân người lao động và bảo đảm kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh tiền lương, phúc lợi, việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân cũng được coi là chìa khóa tạo sự đồng thuận, gắn kết tập thể. Đặc biệt, công nhân khai thác mủ chỉ làm việc từ 5 giờ đến 8 giờ sáng, thời gian còn lại có thể làm nương rẫy, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, phù hợp với tập quán địa phương. Theo Công ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên, ngoài thu nhập từ lương, mỗi hộ công nhân còn có thêm bình quân 28,4 triệu đồng/năm, chủ yếu nhờ chăn nuôi, với hơn 20% số hộ đã đạt mức khá, giàu.

(Còn tiếp)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo